Kiện gà Mỹ bán phá giá chấp nhận mất nửa triệu USD để làm cho ra nhẽ!

Người chăn nuôi trong nước quyết tâm khởi kiện chống bán phá giá đùi gà đông lạnh Mỹ để bảo vệ thị trường nội địa.
Đủ bằng chứng?
Trả lời báo chí hôm qua (5/10), ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết: Hiệp hội đang hoàn thành các thủ tục để sau hơn 1 tháng nữa có thể chính thức khởi kiện bán phá giá gà Mỹ tại Việt Nam.
Thông tin này gây bất ngờ vì trước đó Tổng cục Hải quan đã công bố các con số thống kê của cơ quan này cho thấy chưa có cơ sở để nói có sự bán phá giá gà Mỹ tại Việt Nam.
Về phía Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ông Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - phát biểu tại Hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế toàn cầu” hôm 16/9 cũng cho rằng có thể là “gian lận thương mại”.
Trước đó, như PLVN đã thông tin, ngày 28/7 Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cùng ký tên vào văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan điều tra để kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thịt gà Mỹ vào Việt Nam.
Lý do được đưa ra là năm 2013, thịt gà Mỹ nhập khẩu về tới Việt Nam có giá bán vào khoảng 27.000 - 28.000 đồng/kg nhưng 6 tháng đầu năm nay, giá gà Mỹ nhập khẩu chỉ còn phân nửa: 17.000 - 20.000 đồng/kg.
Trước thông tin này, Tổng cục Hải quan đã rà soát cơ sở dữ liệu để làm rõ vấn đề.
Tuy nhiên, thống kê của cơ quan quản lý nhập khẩu cho thấy không có chuyện thịt gà nhập khẩu từ Mỹ có giá 12 nghìn đồng/kg. Theo đó, trong nửa đầu năm 2015, thịt gà các loại chủ yếu nhập khẩu qua khu vực Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập gần 70 nghìn tấn thịt gà các loại (gà nguyên con, đùi gà, cánh gà, thịt gà khác) có trị giá lên đến 63,7 triệu USD, giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,91 USD/kg, tương đương 19.600 đồng/kg (tỷ giá 21.500 đồng/USD).
Trong khi đó, các con số thống kê nhập khẩu thịt gà các loại này trong cả năm 2014 là hơn 100 nghìn tấn, trị giá 103,1 triệu USD, giá bình quân nhập khẩu trước thuế khoảng 1 USD/kg (tương đương 21.500 đồng/kg).
Không trực tiếp bình luận về các con số của cơ quan hải quan nhưng đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ khẳng định: Sau khi có được những thông tin từ Mỹ về việc sản xuất, phân phối sản phẩm thịt gà tại thị trường này, Hiệp hội khẳng định gà Mỹ đã bán phá giá tại Việt Nam. Do đó, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đang ráo riết hoàn tất hồ sơ để sớm khởi kiện.
Chi phí có thể mất 500.000 USD
Thái độ quyết liệt của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ muốn làm rõ sáng, tối vụ việc là điều đáng khen ngợi nhưng từ vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn mà Mỹ kiện Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa thực sự có kinh nghiệm trong các vụ kiện quốc tế. Bởi kiện chống bán phá giá mà chỉ nhìn vào giá bán thịt gà trên thị trường Mỹ là không đủ.
Ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho rằng:
Giá thành gà trắng ở Việt Nam là khoảng 30.000 đồng/kg nhưng lại chưa có điều tra nào để biết giá thành sản xuất tại Mỹ là bao nhiêu. Phía Việt Nam cũng chưa cho thấy có bằng chứng nào chứng minh là Mỹ bán phá giá.
Trong khi đó, để khởi kiện được Mỹ đòi hỏi một quy trình, nguồn lực không hề đơn giản.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quyết, sau khi gửi đơn yêu cầu điều tra bán phá giá gà Mỹ lên Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong vùng vẫn giữ vững tinh thần, quyết tâm theo đuổi vụ kiện.
“Chúng tôi đang quyên góp để cùng lo chi phí cho vụ kiện. Dự kiến chi phí ban đầu gồm thuê công ty tư vấn khoảng 200.000 USD; chi phí thuê công ty luật khoảng 200.000 - 250.000 USD nữa, bao gồm cả nhận hồ sơ từ công ty Mỹ cung cấp có xác nhận và nộp hồ sơ cho Cục Cạnh tranh…
Một số hãng luật cũng đã đưa ra giá khoảng 400.000 - 450.000 USD cho tất cả các thủ tục trên, tuy nhiên chúng tôi đang cân nhắc để lựa chọn luật sư riêng.
Chúng tôi không gấp gáp nhưng thực hiện từng bước rất chắc chắn, với đầy đủ hồ sơ chứng từ nhằm đưa vụ kiện ra tòa không chỉ cho nông dân ngày hôm nay mà còn giúp bảo vệ thị trường trong nước cho thế hệ con cháu sau này” - ông Quyết nói với báo chí.
Dự kiến trong tháng 11 tới, hồ sơ vụ kiện sẽ hoàn thiện để chuyển Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. Tại cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp có chiến lược xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định Bộ ủng hộ các quyết định của Hiệp hội về việc đưa vụ kiện ra tòa và sẽ đồng hành cùng các đơn vị để sớm hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu.
Related news

Năm 2012, Đề án nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi tại huyện Năm Căn thực hiện đạt thấp, nhất là nuôi tôm công nghiệp. Kế hoạch đề ra là chuyển đổi 200 ha sang nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ đạt hơn 31 ha.

Cây ca cao đã và đang mở ra triển vọng cho những vùng đất được đánh giá là điều kiện sinh thái không phù hợp với những loại cây công nghiệp dài ngày khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên, việc phát triển cây ca cao hiện nay cũng đang gặp những rào cản…

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch khoảng 50% diện tích lúa Đông xuân 2012-2013 và đang khẩn trương dọn đất để sạ lại vụ lúa Hè thu 2013. Trước thực tế lúa thơm, lúa chất lượng cao khó tiêu thụ, nhiều bà con đang có xu thế quay trở lại với giống lúa IR 50404.

Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam vừa tổ chức hội thảo và tham quan mô hình trồng dưa hấu không hạt Mặt trời đỏ cho 60 nông dân ở huyện Long Mỹ và huyện Vị Thủy (Hậu Giang).

Cần quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống là vấn đề đặt ra khi trải qua nhiều biến cố của vụ mùa năm 2012: dịch bệnh hoành hành, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, biến đổi khí hậu,… gây thất thu cho người nuôi tôm. Nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng tôm giống không bảo đảm.