Khoai Lùn Thái Trồng Chơi Ăn Thật
Vài năm trở lại đây, người dân Núi Cấm (An Giang) đua nhau trồng một loại khoai tốn ít chi phí mà hiệu quả kinh tế lại cao.
Chỉ cần bỏ ra chừng một triệu đồng, có thể cho thu nhập cả chục triệu đồng nên đời sống bà con vùng núi cũng nhờ đó mà khấm khá hơn.
Đó là khoai lùn Thái (tên người dân địa phương thường gọi) đang được nông dân Núi Cấm thu hoạch rầm rộ trong dịp này. So với các loại nông sản khác thì khoai này có giá cả ổn định nhất, ít tốn công chăm sóc và chi phí, nên ai ở Núi Cấm cũng trồng xen với cây rừng để kiếm thêm thu nhập.
Gia đình anh Nguyễn Văn Chính, ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang, trước đây trồng đậu que, sắn vừa tốn chi phí vừa phải chăm sóc thường xuyên, lại thêm sâu bệnh nhiều nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Kể từ năm 2013 đến nay, anh đã chuyển gần một công đất sang trồng khoai lùn Thái.
Anh Chính cho biết, loại khoai này chỉ cần trồng và bón phân hai lần rồi làm cỏ thì có thể bỏ đó, chờ đến ngày thu hoạch mà không sợ bị thiệt hại gì hết. “Lúc trước tôi trồng nhiều loại cây lắm nhưng cây nào cũng sâu bệnh và tốn chi phí. Từ lúc trồng khoai lùn Thái tôi khỏe re” – anh Chính nói.
“Nói chung cây khoai lùn Thái dễ trồng và có thể xen với các loại cây trồng khác dưới tán rừng mà không sợ bị ảnh hưởng, vẫn cho thu nhập khá. Giá nó không cao nhưng ổn định. Vùng núi này đang phát triển cũng nhờ cây khoai Thái đấy”, ông Dương Ánh Đông nói.
Người trồng khoai Thái lâu năm nhất phải nói đến anh Hồ Văn Cu. Anh trồng khoai lùn Thái được hơn 5 năm nay. Gia đình anh nhờ vậy mà khấm khá lên. Anh mướn đất trồng được 6.000 m2 khoai lùn Thái. Theo anh, loại khoai này chỉ trồng được vào mùa mưa (bắt đầu từ tháng tư âm lịch) đến cuối tháng mười âm lịch là có thể thu hoạch được.
Bình quân, mỗi công đất chỉ tốn khoảng một triệu đồng tiền chi phí nhưng thu hoạch được 1,5 tấn đến 2 tấn khoai, với giá dao động từ 10.000đ đến 12.000đ/kg, anh thu về lợi nhuận thấp nhất cũng 10 triệu đồng/công.
Theo anh Cu, khoai Thái có thể trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác mà không sợ bị sâu bệnh hay tốn diện tích gì hết. “Gia đình tôi hiện vợ con đang sống sung túc. Có thể trồng khoai Thái chung với xoài hay mãng cầu cũng được, nó dễ trồng mà giá cả ổn định. Có lúc nhổ một bụi mà nặng hơn 3 kg” – anh Cu nói.
Còn anh Bùi Văn Đen, chủ cơ sở thu mua nông sản nằm dưới chân Núi Cấm cho biết, năm nay đa số mặt hàng nông sản giảm giá từ 30% đến 40% so với mọi năm, nhưng khoai lùn Thái không giảm. Sở dĩ khách hàng chọn lựa vì nó ngọt và bùi. Cũng khoai Thái mà trồng ở đồng bằng thì chất xơ nhiều nên khách không chuộng.
Bình quân mỗi ngày cơ sở anh thu mua khoảng 2 tấn khoai lùn Thái để bán cho các thương lái ở chợ trong và ngoài tỉnh như: Kiên Giang, TP.HCM… "Giống khoai Thái chỉ trồng ở đây và Đà Lạt là ăn ngon thôi. Còn các nơi khác trồng không có hương vị vậy đâu”, anh Đen nói.
Theo ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm BVTV huyện Tịnh Biên, An Giang, cách đây 5 năm ông đã vận động bà con trên Núi Cấm trồng thử khoai Thái, thấy hiệu quả kinh tế cao nên hiện giờ bà con phát triển ồ ạt.
Ông cũng cho biết thêm, có người còn gọi là khoai Từ, nhưng bà con ở đây gọi là khoai lùn Thái. Nó ăn ngon hơn rất nhiều so với khoai lùn thông thường. Đây là loại cây có củ lùn hình tròn, cuống dài kết thành từng chùm, ruột màu trắng trong, phần nhân màu trắng đục chứa nhiều tinh bột.
Related news
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện giá tôm nguyên liệu trong nước đang tăng cao.
Từng là mặt hàng có lợi thế so sánh, ít đối thủ “đủ sức áp đảo” so với những mặt hàng khác, nhưng bây giờ các doanh nghiệp vẫn ê ẩm khi nói tới 7/10 thị trường truyền thống giảm nhập khẩu cá tra vì mức tiêu dùng thay đổi và những bất cập như: 15 lô hàng bị cảnh báo vi phạm hàng rào kỹ thuật tại thị trường EU, 11 lô bị cho là nhiễm vi sinh và bốn lô gián đoạn chuỗi lạnh…
Anh Trần Văn Đới, thôn Phú Ốc, xã Gio Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) hiện đang nuôi 250 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng, trung bình mỗi cặp đẻ 8 – 9 lứa/năm, với khoảng 200 cặp chim non/lứa nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua chim giống của thị trường. Đây được xem là mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập khá vì bồ câu là giống sinh sản nhanh, ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế cao.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhờ có hướng đi đúng đắn cùng sự đồng sức đồng lòng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, Xuân Phổ (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã thay da đổi thịt từng ngày.
Do hiện nay cá tra tra giống tại ĐBSCL đang có xu hướng giảm nên trong thời gian tới Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) sẽ tạm ngưng cung cấp cá tra giống bố mẹ ra thị trường và chưa cho biết thời gian khi nào cung cấp trở lại.