Khi Nông Dân… Chê Tiền

Trong 3 năm 2011-2013, Nhà nước đã bỏ ra 11.082 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân bảo vệ đất lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Đó quả là một con số rất lớn.
Hỗ trợ để nông dân bảo vệ đất lúa, nghĩa là khi thấy trồng một loại cây khác có lợi hơn trồng lúa, người nông dân bỏ lúa chuyển sang trồng cây đó, khiến diện tích đất lúa có nguy cơ bị thu hẹp, thì số tiền “hỗ trợ” kia sẽ là phần bù đắp cho họ, để họ giữ lại đất lúa nhưng vẫn có lợi nhuận ngang bằng với việc trồng cây khác.
Với nghĩa đó, thì gói hỗ trợ và số tiền hỗ trợ kia thật có ý nghĩa.
Nhưng đến nay nhìn lại, người nông dân được gì từ gói hỗ trợ?
Cứ theo như Thông tư số 205/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa”, thì đối tượng được hưởng gói hỗ trợ trên là các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa.
Mức hưởng là 500.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất chuyên trồng lúa; 100.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất lúa khác, trừ lúa nương được mở rộng không nằm trong quy hoạch. Cả hai mức hỗ trợ được chia làm 2 lần/năm.
Thông tư thì quy định chặt chẽ, rành mạch như vậy. Nhưng do ruộng cấy ít, đặc biệt là với nông dân miền Bắc diện tích cấy lúa của mỗi hộ càng ít, nên số tiền họ được hưởng chẳng đáng bao nhiêu, trong khi muốn nhận được tiền hỗ trợ phải làm đủ các thủ tục rất phiền hà: Nào phô tô sổ hộ khẩu, phô tô chứng minh nhân dân, nào phô tô giấy chứng nhận QSDĐ…Rồi thì đi lại hai ba lần. Mà một năm phải 2 lần làm các thủ tục đó chứ không phải 1.
Thế nên, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhiều nơi địa phương niêm yết danh sách các hộ được nhận tiền đã 3 năm nay, bản danh sách đã ố vàng mà vẫn không có ai đến nhận.
Có nơi trưởng thôn phải lặn lội đến từng nhà vận động dân làm thủ tục nhận tiền để địa phương “hoàn thành kế hoạch” vẫn không xong.
Nói như một nông dân ở huyện Cần Đước (Long An) thì: “Nhà tôi có 0,2 ha đất lúa, một năm hai lần, mỗi lần nhận được 50.000 đồng, trong khi phải đi xe ôm lên ngân hàng mỗi lần hết 100.000 đồng để xin phô tô sổ đỏ (đã thế chấp vay tiền), mất 100.000 đồng “chi phí” mới lấy được sổ đỏ ra phô tô nữa”.
Thậm chí có hộ, sau khi làm đủ các thủ tục, chỉ nhận được ba, bốn chục ngàn đồng. Hộ ít ruộng đã vậy, còn những hộ có một vài ha trở lên, số tiền mỗi lần được nhận chỉ vài ba trăm, dăm trăm ngàn, cũng không đủ để bù đắp phần thua thiệt cho họ so với việc họ chuyển đất lúa sang trồng cây khác, khi thấy trồng cây khác có lợi hơn.
Đã nhận tiền “hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa” rồi thì không thể chuyển đất lúa sang trồng cây khác được nữa. Đó cũng là một trong những lý do khiến người nông dân “né” gói hỗ trợ này.
Một điều không thể không nói đến nữa là đối với rất nhiều nơi trên cả nước, hiện người nông dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Với những địa phương đó thì dù muốn, người nông dân cũng hoàn toàn không đủ thủ tục để có thể được nhận tiền.
Hỗ trợ nông dân là phải hỗ trợ bằng chính sách chứ không phải bằng tiền. Nếu có một chính sách khiến người nông dân có lợi hơn khi trồng lúa, thì thử bắt họ bỏ lúa trồng cây khác xem...
Related news

Trung tâm Giống Thủy sản An Giang vừa triển khai thành công dự án “Phát triển mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo tại An Giang”, do Kỹ sư Triệu Thị Y Vanne làm chủ nhiệm. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 580 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ trên 408,6 triệu đồng.

Hơn tuần qua, giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL tăng thêm 300 - 400 đ/kg. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở Vĩnh Long không vui, bởi phần lớn họ đã bán hết lúa từ trước đó.

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan và được bà con nông dân vùng lũ nhân rộng. Mô hình này không cần diện tích rộng, người nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con vùng lũ.

Đó là Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng phát triển sản xuất lợn giống” tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, do Phòng NN – PTNT huyện triển khai từ năm 2009; giúp gần 200 hộ có con giống, kinh nghiệm nuôi lợn nái để bán giống cũng như phục vụ nhu cầu nuôi lợn thịt của gia đình. Đã có rất nhiều hộ thoát đói nghèo từ Dự án ý nghĩa này.

Gà sao là đối tượng vật nuôi mới với ý tưởng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi có giá trị thu nhập cao cho nông hộ nhằm thay thế dần những vật nuôi thu nhập thấp không ổn định và thường xuyên bị rủi ro dịch bệnh, giá đầu ra bấp bênh. Với mục đính đó, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp –PTNT; Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh xây dựng thành công mô hình gà sao tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) và Đức Lạng (Đức Thọ) đạt hiệu quả cao.