Giống Lúa Chịu Hạn, Chống Rét
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có một diện tích đất trồng lúa dựa vào nguồn nước trời và thực tế thu hoạch khá bấp bênh. Giống lúa P6 đột biến bén duyên với mảnh đất Quảng Nam bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho người nông dân.
Đây là giống lúa do tiến sĩ Hà Văn Nhân - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực - thực phẩm Việt Nam) chọn tạo, được trồng thí điểm tại thôn An Tây (xã Quế Thọ, Hiệp Đức). Qua khảo sát thực địa, huyện Hiệp Đức chọn các cánh đồng Bàu và Hố Chuối để trồng thử nghiệm. Nông dân Nguyễn Việt Hùng (tổ 1, thôn An Tây) cho biết: “Vì những cánh đồng trên này không có nước tưới nên lâu nay trồng cây lúa lúc được ít, lúc trắng tay.
Được chính quyền địa phương khuyến khích trồng giống lúa mới chịu được hạn, chúng tôi phấn khởi tham gia trồng thử nghiệm”. Theo đó, cùng thời vụ sản xuất giống lúa thử nghiệm, nhóm hộ nông dân thôn An Tây dành một phần diện tích ruộng gieo sạ các giống lúa khác như Xi 23, X 21, BC 15… để theo dõi và đối sánh. Với giống P6 đột biến, nông dân được hướng dẫn dùng thuốc cruiser ủ giống từ đầu để tránh bị bọ trĩ gây hại cho lúa non và áp dụng phương pháp sạ hàng với mật độ 3 kg/sào.
Với giống lúa P6, những cánh đồng nước trời xơ xác, trơ trụi trước đây ở An Tây được “thay áo” bởi những bông lúa chắc nịch. Lão nông Trần Văn Lãm (tổ 3, thôn An Tây) không giấu được niềm vui: “Với giống lúa mới này, đám ruộng gần 1,5 sào tôi gặt được hơn 3 tạ thóc. Mấy năm trước trồng đủ thứ giống mà thu hoạch cứ lẹt xẹt, chủ yếu cắt về cho trâu, bò”. Thống kê năng suất qua vụ đông xuân này, giống lúa P6 đột biến đạt trung bình 45 tạ/ha. Riêng các hộ Cao Văn Hai, Trần Thị Đề (thôn An Tây), Nguyễn Văn Xuân (thôn Phú Cốc Tây) vừa thu hoạch cách đây vài ngày cho năng suất 50 - 60 tạ/ha.
Tốt hơn hẳn những giống lúa trước đây, đặc biệt là khả năng “chịu hạn, chống rét”, P6 đột biến góp phần tạo niềm tin cho nông dân xã Quế Thọ nói riêng và huyện Hiệp Đức nói chung. Người nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất giống lúa này trên những cánh đồng nghèo chất dinh dưỡng, không chủ động nguồn nước tưới. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (85 ngày trong vụ hè thu; 95 ngày trong vụ đông xuân), ít sâu bệnh. Chất lượng gạo tốt, ngon cơm, rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.
Ông Huỳnh Năm - Trưởng phòng NN&PTNN Hiệp Đức nói: “Qua quá trình nghiệm thu, tổng kết, chúng tôi đánh giá cao giống lúa này. Năng suất rất ổn định, tạo điều kiện để nông dân tăng thêm sản lượng thu hoạch”. Còn ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức bày tỏ: “Giống lúa P6 đột biến chịu hạn rất cao, giảm phân bón, chi phí thấp. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình, chuyển giao cho nông dân trồng trên khoảng 900ha”.
Related news
Lần đầu tiên ở Mỹ có tình trạng ngô được dùng để chế tạo làm nhiên liệu sinh học nhiều hơn làm thức ăn gia súc, làm giá ngô tăng vọt, gây nhức nhối cho người chăn nuôi và người dân ở các nước nghèo vẫn dùng ngô làm lương thực
Hơn 15 năm nay, mô hình nuôi cá lồng ở thôn La Ỷ, Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) tận dụng nguồn hàng phế phẩm từ các chợ đã mang hiệu quả.
Ốc bươu vàng là đại dịch của nhà nông, cắn phá lúa gây thiệt hại nghiêm trọng, người dân tìm đủ cách diệt trừ nhưng không hết. Thịt ốc ăn không ngon, nhà nông chỉ chế biến cho cá tôm hay vịt ăn. Thế mà gần đây, ốc bươu vàng lại được thương lái thu gom xuất qua Trung Quốc!
Hiện cả nước có khoảng 50.000 ha ca cao, trồng tập trung tại Bến Tre, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tiền Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu. Nhiều diện tích đã áp dụng tiêu chuẩn "UTZ Certified, hữu cơ và thương mại công bằng" cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường...
Có rất nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có rất nhiều người can ngăn khi biết ông Hoàng Văn Khiêm, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn ôm vài tỷ đồng lên mở trang trại nuôi cá tầm - cá hồi nơi rừng sâu heo hút.