Nhãn lồng Hưng Yên mong sao đầu xuôi đuôi lọt
Sẵn sàng xuất khẩu
Chúng tôi đến xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu - nơi được coi là “thủ phủ” của nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng từ hàng trăm năm trước. Ở đây, hai bên đường làng, ngõ xóm, bờ ruộng bạt ngàn nhãn lồng đang chờ ngày thu hoạch. Đại diện UBND xã Hàm Tử cho biết: Cây nhãn là cây có giá trị kinh tế cao của xã, gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, từ sau khi được cấp mã vùng để xuất khẩu trên diện tích 10,82 ha, 142 hộ trồng nhãn ở đây đã làm quen với phương pháp sản xuất hiện đại, nhờ đó năng suất đạt cao hơn do tránh được các dịch bệnh, dự kiến đạt từ 15 - 18 tấn/ha, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Xã Hồng Nam (TP. Hưng Yên) cũng được chọn đầu tư thí điểm 9,97 ha nhãn lồng chất lượng cao để xuất khẩu sang Mỹ. Ông Bùi Xuân Tám, hộ trồng nhãn tại đây cho biết, khác với mọi năm, nhãn vụ này gia đình ông cùng với 33 hộ trồng nhãn khác chăm sóc nghiêm ngặt theo quy trình VietGap để đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Những gia đình nằm trong vùng quy hoạch, được tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật, bao trái.... Mặc dù, từ giữa tháng 8 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đăng ký mua nhãn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, 2 mô hình sản xuất nhãn lồng (tại xã Hàm Tử và Hồng Nam) theo tiêu chuẩn VietGap, gắn với các yêu cầu của thị trường Mỹ, đều sinh trưởng phát triển tốt, quả to, đồng đều và đã được bao quả. Dự kiến, tổng sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 180 - 220 tấn. “Thực hiện theo mô hình mới đã làm thay đổi nhanh nhận thức về sản xuất sản phẩm an toàn cho nông dân ở các vùng trồng nhãn trọng điểm của tỉnh và chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính mới mở hiện nay như Mỹ, Úc, EU, Hàn Quốc…”, ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên khẳng định.
Ông Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Chủ trương của tỉnh Hưng Yên xác định nhãn lồng là một trong những cây ăn quả chính, có giá trị kinh tế cao của địa phương. Do vậy, sẽ không phát triển theo kiểu tăng trưởng "nóng" - được mùa nhưng mất giá, mà chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đang chỉ đạo triển khai dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý "nhãn lồng Hưng Yên", để thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên không còn bị lợi dụng về danh tiếng, bị pha trộn với nhiều loại nhãn khác nhau làm giảm uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Không phải chuyện dễ
Tuy được đánh giá không khó khăn như xuất khẩu vải thiều, mặt hàng nhãn quả của nước ta đang có nhiều lợi thế về xuất khẩu do được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng bởi chất lượng ngon hơn các nước khác. Song, những quy định để quả nhãn đạt đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ là hết sức ngặt nghèo.
Tại hội nghị “Xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên năm 2015” vừa diễn ra tại TP.Hưng Yên, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Để xuất khẩu thành công, nhãn lồng Hưng Yên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… sẽ có những quy định riêng ví dụ: Mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép về hóa chất (MRL). Theo đó, các tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất nhãn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Mỹ, nghiêm cấm sử dụng các nhóm thuốc Iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim.
Trong giai đoạn thu hoạch, nhãn phải bọc trái trước thu hoạch tối thiểu 3 tuần. Sau đó, có thể sơ chế tại chỗ, nhưng không được dùng bất kỳ một dạng hóa chất xử lý nào để giữ cho quả trắng, quả tươi lâu. Các hộ nông dân có thể xông thuốc lưu huỳnh SO2 để bảo quản nhưng phải đạt mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép do phía Mỹ quy định, sau đó chở xe lạnh vào TP.Hồ Chí Minh để xử lý, đóng gói và chiếu xạ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã liệt kê ra 17 loại sâu, côn trùng có thể có trong nhãn tươi mà phía Việt Nam phải loại bỏ thông qua phương pháp chiếu xạ.
“Nếu những thử nghiệm ban đầu này thành công thì chúng ta cần tập trung mở rộng diện tích cây trồng đạt chuẩn để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Diện tích khoảng 20 ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ là con số rất nhỏ so với tổng diện tích trồng nhãn 3.000 ha của Hưng Yên hiện nay”, ông Linh nhấn mạnh.
Ký kết hợp tác thu mua nhãn lồng Hưng Yên phục vụ xuất khẩu
Trở lại với các vùng trồng nhãn Hưng Yên, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, trong quá trình sản xuất, bà con nông dân đã phải tuân thủ theo đúng quy định của chương trình VietGAP. Tuyệt đối không gia đình nào bón phân tươi, không phun thuốc trừ sâu, phải làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật... “Trung bình mỗi tuần đều có cán bộ Trạm Bảo vệ Thực vật xuống kiểm tra hai lần ở các hộ trồng nhãn, xem có thực hiện và chấp hành tốt quy định” bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hưng Yên cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi đáp ứng các điều kiện về chất lượng xuất khẩu, để quả nhãn Việt chiếm lĩnh thị trường quốc tế vẫn là một “bài toán” khó. Chỉ riêng chuyện, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang Mỹ phải vận chuyển vào Nam chiếu xạ, khiến giá thành sản phẩm lên cao, đã ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của quả nhãn Việt.
Ông Phạm Nhật Tú, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Sao cho rằng: Đến giờ, nhãn phía Nam vẫn được thị trường Mỹ đánh giá tốt về tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như chất lượng dinh dưỡng nên công ty mang hàng sang dễ bán. Nhãn phía Bắc dù được cơ quan hữu quan của Việt Nam đánh giá có chất lượng ngon hơn nhãn phía Nam nhưng chúng tôi chưa bán thử nghiệm lô hàng nào sang Mỹ nên khó có thể nói trước được điều gì. Chờ đến vụ thu hoạch này, chúng tôi sẽ thử nghiệm xuất vài lô hàng nhãn lồng từ các tỉnh phía Bắc để thăm dò thị trường, khi đó sẽ có đánh giá chính xác…
Related news
Chia sẻ trên tờ Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Việc nhập khẩu ngô tăng vọt trong thời gian qua chủ yếu là do, chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp trong nước tăng, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước lại giảm do khó mở rộng diện tích trồng ngô”.
Trong lĩnh vực trồng trọt, cây ngô có vị trí quan trọng thứ hai sau cây lúa. Tuy nhiên, nhiều năm nay đã tồn tại một nghịch lý là Việt Nam xuất khẩu (XK) hơn 7 triệu tấn gạo, còn sản xuất ngô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Với lợi thế về tài nguyên đất, trong năm 2013 và 2014, huyện Vị Xuyên nỗ lực tạo “đột phá” trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), bằng cách gắn kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nông – Nhà nước – Nhà doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho cây cải sa-lát và chanh leo, những cây trồng mới trên địa bàn huyện; đồng thời, thực hiện thí điểm chăn nuôi bò nhốt dành cho đồng bào hạ sơn...
Thời gian qua, diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài, trên lúa HT 2014 tại Nghệ An và Hà Tĩnh dịch sâu cuốn lá nhỏ (SCLN) đã phát sinh gây hại.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam ngày 4/7 cho biết, vừa qua BộNông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Quyết định số 2998/QĐ-BNN-TT, ban hành “Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản của VietGAP cho sản xuất rau” dựa trên cơ sở đề xuất và kết quả của một dự án do JICA tài trợ.