Khắc phục thiệt hại do nghêu chết
Tổng sản lượng thu hoạch đến tháng 5-2015 đạt 1.650 tấn, trong đó nghêu giống 722 tấn và nghêu thịt 928 tấn. Tổng số xã viên HTX nghêu tính theo hộ là 18.895; xã viên tính theo nhân khẩu 18.354.
Tình hình dịch bệnh trên nghêu nuôi
Trong những tháng đầu năm 2015, thời tiết diễn biến bất thường, hiện tượng biến đổi khí hậu càng rõ rệt hơn, nắng nóng, độ mặn tăng cao, nhất là vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5, đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình nuôi nghêu của các HTX trong tỉnh. Vào giữa tháng 3, đã xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho các HTX nghêu Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy, Rạng Đông. Tổng diện tích thiệt hại 1.025ha, với tỷ lệ thiệt hại từ 20 - 80%, nghêu chết có kích cỡ từ 50 - 250 con/kg.
Ba Tri có tổng diện tích thiệt hại 825ha, tỷ lệ nghêu chết khoảng từ 20 - 50%; ước sản lượng thiệt hại khoảng 1.080 tấn. Bình Đại có tổng diện tích thiệt hại 200ha, tỷ lệ nghêu chết ước khoảng 80%; ước sản lượng thiệt hại khoảng 350 - 400 tấn. Ở Thạnh Phú, nghêu phát triển bình thường, riêng HTX nghêu Bình Minh có hiện tượng nghêu chết rải rác, ước khoảng 10ha, tổng sản lượng thiệt hại ước khoảng 130 tấn. Đến nay, theo nhận định của ngành chức năng, tình hình nghêu chết đã giảm và phát triển ổn định, bình thường.
Nguyên nhân gây chết nghêu tập trung ở vùng cao triều, vào thời điểm thủy triều kém, thời gian phơi bãi trong ngày dài kết hợp với mật độ nghêu dày. Trong khi đó, tỷ lệ nghêu mang trứng cao kết hợp với nắng nóng, độ mặn tăng cao (35 - 38%o), môi trường biến động bất thường gây sốc nghêu nuôi, nghêu yếu không vùi sâu xuống bãi, giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho ký sinh trùng, vi khuẩn có hại phát triển xâm nhập gây chết nghêu hàng loạt.
Nhằm quản lý tình hình nuôi nghêu và khuyến cáo các HTX phòng tránh dịch bệnh trên nghêu kịp thời trong năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản lập kế hoạch thu mẫu kiểm tra mầm bệnh định kỳ hàng tháng trên các mẫu nước, mẫu bùn, cát đáy và mẫu nghêu tại 4 HTX nghêu Đồng Tâm, Rạng Đông, Tân Thủy, Thạnh Lợi.
Các mẫu thu được gửi Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II phân tích để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên nghêu, từ đó khuyến cáo kịp thời cho các HTX hàng ngày kiểm tra và ghi chép các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, pH. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp cho các HTX và các cơ quan chuyên ngành theo dõi tổng hợp và đánh giá tình hình để tìm ra nguyên nhân và giải pháp hạn chế thiệt hại cho nghêu nuôi.
Triển khai phòng bệnh và khắc phục thiệt hại
Để giảm thiệt hại do nghêu chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Đó là hàng ngày làm tốt công tác vệ sinh sân bãi như huy động lực lượng nhanh chóng thu gom những con nghêu chết và sắp chết để di chuyển ra khỏi khu vực nuôi nghêu nhằm tránh lây nhiễm sang những cá thể nghêu còn sống. San lấp các vùng trũng ở các bãi nghêu để tránh hiện tượng ngập nước cục bộ, nơi có nhiệt độ quá cao vào buổi trưa, là điều kiện kích thích nghêu sinh sản gây nghêu yếu và chết.
Ban hành khuyến cáo các giải pháp hạn chế dịch bệnh trên nghêu để khuyến cáo các HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các HTX nghêu, hộ nuôi sò theo dõi chặt chẽ tình hình nghêu, sò huyết nuôi để có giải pháp hỗ trợ khi sự cố xảy ra. Khuyến cáo cho các HTX san thưa nghêu khi mật độ dày, di dời ra vùng bãi sâu hơn, giảm mật độ nghêu ở các bãi cao, xây dựng kế hoạch san thưa hoặc di dời nghêu giống xuống các bãi triều thấp. Tập trung thu hoạch khi nghêu đạt kích cỡ thương phẩm.
Ngoài ra, chú trọng, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật và của UBND tỉnh về việc quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là Quyết định số 20, ngày 7-7-2010 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về sản xuất giống, ương giống, khai thác nghêu giống tự nhiên và nuôi nghêu thương phẩm. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là đối với Liên minh HTX tỉnh và UBND các huyện hỗ trợ các HTX nghêu xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động sản xuất. Định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá tình hình hoạt động của HTX nghêu trên địa bàn toàn tỉnh để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Related news
Ngày mới xuất hiện, cây dó bầu được xem như là cơ hội làm giàu cho bao nông dân nghèo ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), đặc biệt là ở vùng điều kiện đất đai cằn cỗi, đồi dốc khó trồng các loại cây công nghiệp khác.
Giá trị loại cây này cao gấp 2,6 lần cà phê, 6 lần cây chè, 3,8 lần cây điều, gấp 4 lần cây cao su. Thị phần nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu hiện chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20%, châu Phi 10%. Đó là thông tin tại hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế IPC, tổ chức tại TP HCM từ ngày 27 đến 30-10.
So với cùng kỳ năm 2013, số hộ sản xuất nấm rơm, nấm sò trên địa bàn huyện giảm nhiều. Đến nay, toàn huyện mới có hơn 30 hộ đưa nguyên liệu vào sản xuất nấm, trong đó 20 hộ sản xuất nấm sò, 12 hộ sản xuất nấm rơm. Các xã có số hộ sản xuất nấm nhiều gồm: Đoàn Lập, Quang Phục, Bạch Đằng, Kiến Thiết.
Trong khi nông dân ở các tỉnh khác đang vất vả đối mặt với bệnh cây tiêu chết nhanh, chết chậm (CN - CC), thậm chí nhiều hộ gia đình phải bỏ cả vườn tiêu thì tại BR - VT, từ 3 năm trở lại đây người trồng tiêu đã tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục bệnh này khá hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, nông dân trong huyện đã sử dụng 450 ha diện tích rơm để trồng nấm, tập trung tại các xã: Kế Thành, Kế An, Thới An Hội, Đại Hải, Ba Trinh... Tranh thủ thời gian nông nhàn, lấy công làm lời, nhiều hộ nông dân khấm khá nhờ trồng nấm rơm.