Kinh nghiệm trồng mì đạt năng suất, chất lượng cao
Ông Ngọc cũng nhận thấy mì là loại cây trồng có sức hút dinh dưỡng mãnh liệt từ đất nên việc bón phân, bổ sung dưỡng chất cho đất là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn đất nhanh bạc màu.
Ông Bùi Công Ngọc (sinh năm 1979, ngụ ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, Tân Châu, Tây Ninh) là nông dân trồng mì (sắn) tiêu biểu của tỉnh.
Nhiều năm liền, diện tích mì do ông Ngọc trồng luôn cho năng suất và hàm lượng bột (chữ bột) cao.
Năng suất củ mì bình quân ông Ngọc trồng đạt từ 45 - 50 tấn/ha, cá biệt có những đám mì đạt năng suất đến 80 tấn/ha.
Nhờ cây mì mà gia đình ông Ngọc có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống kinh tế.
Ông Ngọc chia sẻ một số kinh nghiệm trồng đúc kết được từ hơn 10 năm qua.
Ông Ngọc cho biết, ông là con nhà nông “chính gốc”.
Tuy nhiên, như đa phần nông dân khác, gia đình ông Ngọc sản xuất nông nghiệp kiểu tự phát, quá trình canh tác thụ động, phụ thuộc thiên nhiên, công cụ thô sơ, kiến thức hạn chế.
Mặt khác, lúc ấy ông cũng chưa có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Vì thế, suốt một thời gian dài hiệu quả sản xuất rất kém.
Sau nhiều lần chọn lựa, thay đổi nhiều loại cây trồng, ông Ngọc quyết định trồng mì trên toàn bộ diện tích 10 ha đất với sự đầu tư, chăm sóc “bài bản”.
Để cây mì sinh trưởng tốt, cho nhiều củ, ông Ngọc tìm hiểu các kỹ thuật trồng mì hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tài liệu khuyến nông, tài liệu kỹ thuật.
Ông Ngọc cũng nhận thấy mì là loại cây trồng có sức hút dinh dưỡng mãnh liệt từ đất nên việc bón phân, bổ sung dưỡng chất cho đất là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn đất nhanh bạc màu.
Tuy nhiên, không giống như nhiều người khác, ông Ngọc hạn chế sử dụng phân hoá học, thay vào đó là phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hữu cơ vi sinh.
Đồng thời, để cải tạo đất trồng, ông Ngọc áp dụng phương pháp luân canh, trồng nhiều loại cây khác nhau như bắp, đậu phộng chứ không chỉ độc canh cây mì.
“Giống cũng là một yếu tố mang tính quyết định đến năng suất của cây mì. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng và Tây Ninh nói chung, nông dân đang trồng một số giống mì chủ lực như KM94, KM98-5, KM419, KM140, MO101…
Những giống mì này có ưu điểm và hạn chế nhất định.
Sau khi trồng qua nhiều loại giống mì, tôi nhận thấy giống KM94 rất tốt, năng suất và chữ bột cao. Tuy nhiên, đáng tiếc là gần đây, giống này dần có hiện tượng bị thoái hoá, mẫn cảm với bệnh chổi rồng nên tôi đã hạn chế sử dụng.
Giống KM98-5 phù hợp với đất gò nhưng củ mì có cuống dài, khi thu hoạch dễ bị đứt củ; khi trồng ở vùng đất trảng cho hàm lượng bột thấp.
Giống KM140 sinh trưởng tốt nhưng thời gian giữ bột ngắn nên độ bột sẽ giảm nhanh nếu thu hoạch muộn khi đến tuổi. Giống MO101 cho năng suất và chữ bột cao nhưng bột lại có màu ngả vàng, thị trường tiêu thụ không chuộng.
Hiện thời, tôi đánh giá cao giống KM419 do có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống mì vừa kể. Giống này cho củ độ bột cao (bình quân 28 - 30%) khi trồng ở đất gò, năng suất bình quân từ 40 - 45 tấn/ha; nếu mì được chăm sóc tốt có khả năng đạt 70 - 80 tấn/ha.
Khi trồng ở vùng đất thấp, năng suất bình quân đạt khoảng 35 - 40 tấn/ha, độ bột 25 - 26%, nhỉnh hơn nhiều giống mì khác”, ông Ngọc cho biết.
Cách trồng mì cũng là yếu tố quan trọng tác động nhiều đến năng suất. Khi trồng, đất phải được dọn kỹ, phải tơi xốp. Ông Ngọc đã thử nghiệm nhiều cách trồng khác nhau từ trồng hom nằm truyền thống đến cách trồng mới là cắm hom đứng, hom xiên.
Kết quả cho thấy, mỗi cách trồng cho hiệu quả khác nhau, trong đó nếu trồng theo cách cắm hom xiên cho năng suất cao nhất. Mì được trồng theo cách cắm hom xiên giúp mầm phát triển nhanh hơn.
Nếu gặp mưa, bào cây mì vẫn không bị đất vùi lấp và vẫn nảy mầm, phát triển với tỷ lệ từ 96 - 98%.
Năng suất mì trồng hom xiên cao hơn các cách trồng khác còn là do bề mặt hom tiếp với đất nhiều, phần củ phát triển vòng tròn xung quanh gốc và được nhiều tầng củ.
Related news
Những ngày qua, hàng loạt ngư dân trong tỉnh An Giang lao đao vì thời tiết giao mùa, cá chết hàng loạt. Cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo hướng dẫn ngư dân cách phòng ngừa và làm hạn chế thiệt hại… Song, tình trạng cá chết do nguồn nước ô nhiễm vẫn chưa dừng lại.
Với diện tích 1.613 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 1.410 ha, nhưng phần lớn đã già cỗi cho năng suất thấp, khiến cho thu nhập của người dân ngày càng giảm.
50 trang trại chăn nuôi bò sữa, sản xuất tối thiểu 7 triệu kg sữa mỗi năm và tạo ra 345 việc làm. Mỗi trang trại chăn nuôi sau năm năm tham gia dự án sẽ có đàn bò sữa đạt quy mô từ 50-80 con, có đất trồng cỏ và bắp để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò. FrieslandCampina bảo đảm tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu với mức giá cạnh tranh trên thị trường.
Để tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chim vây vàng và tổ chức chuyển giao cho người dân tại Khánh Hòa” của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Đại học Nha Trang) đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi biển tại Khánh Hòa.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có gần 4.200 tàu cá các loại. Trong số này đã có trên 533 tàu cá đã được lắp đặt hệ thống liên lạc tầm xa và đã tham gia đánh bắt ở các vùng biển xa và ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.