Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) Đẩy Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản
Đầm Hà (Quảng Ninh) có 21km bờ biển với trên 1.000ha đất bãi triều và trên 1.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Đây chính là một lợi thế lớn của huyện trong việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Để phát huy thế mạnh này của địa phương, huyện Đầm Hà xác định thúc đẩy phát triển kinh tế thuỷ sản là mục tiêu quan trọng.
Huyện đã triển khai thực hiện hàng loạt các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn…
Từ những quy hoạch, huyện sẽ xây dựng hai vùng nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn: Vùng nuôi tôm hàng hoá tập trung tại 4 xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích trên 300ha; vùng nuôi nhuyễn thể hàng hoá tập trung xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích khoảng 500ha. Các hạng mục đầu tư cho phát triển hạ tầng các dự án nuôi trồng thuỷ sản luôn là một trong những hạng mục được ưu tiên đầu tư.
Chỉ tính 3 năm trở lại đây, 3 công trình cấp điện cho khu nuôi tôm công nghiệp các xã Đại Bình, Tân Bình và Đầm Hà với tổng vốn đầu tư là 11 tỷ đồng đã được xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp vào đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, như Trung tâm Sản xuất giống và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại xã Đại Bình đang được nhà đầu tư tích cực triển khai.
Đồng thời, tạo điều kiện để triển khai các dự án như: Dự án nuôi trồng thuỷ sản Sơn Hải, xã Đầm Hà, Dự án nuôi cá lồng bè trên biển. Kêu gọi Tập đoàn Giống thuỷ sản Việt Úc đầu tư vào khu nuôi tôm công nghệ cao tại thôn Sơn Hải, xã Đầm Hà, quy mô 300ha...
Cùng với đó, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển, nhân rộng các dự án, mô hình sản xuất có hiệu quả được đẩy mạnh.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thuỷ sản trọng tâm là công tác cải tạo giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển dần từ hoạt động khai thác ven bờ sang nuôi trồng thuỷ sản ven biển; vận động, tạo điều kiện để mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển nuôi tôm, cá phù hợp với khả năng của mình và thế mạnh của huyện.
Khuyến khích, phối hợp với các cơ quan có liên quan tạo điều kiện cho nông, ngư dân chuyển từ vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ, ngọt... Nhờ đó, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Đầm Hà phát triển, diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản không ngừng tăng.
Nếu như năm 2014, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của huyện là trên 662ha (trong đó nuôi nước ngọt là 90ha), tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 2.824 tấn thì năm 2015 này, huyện phấn đấu, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 720ha (trong đó, diện tích nuôi mặn lợ 625ha; diện tích nuôi nước ngọt 95ha), sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước 3.300 tấn (trong đó sản lượng nuôi mặn lợ 2.800 tấn). Tính đến hết tháng 1-2015, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 397 tấn, trong đó khai thác ước đạt 347 tấn, nuôi trồng ước đạt 50 tấn.
Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà cho biết: Để đạt được mục tiêu năm 2015, ngay từ đầu năm, Phòng NN&PTNT huyện đã xây dựng lịch thời vụ trong nuôi trồng thuỷ sản và hướng dẫn các hộ dân nghiêm túc triển khai đúng lịch thời vụ.
Đồng thời sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật nuôi trồng, công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ (tôm thẻ chân trắng, cá biển...) Phòng sẽ quản lý tốt nguồn gốc, chất lượng con giống thông qua việc kê khai sản xuất ban đầu và kiểm tra, kiểm dịch con giống trước khi đưa vào thả nuôi.
Với những giải pháp đồng bộ đã và đang tích cực triển khai, nghề nuôi trồng thuỷ sản Đầm Hà sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Related news
Những năm gần đây, các hộ chăn nuôi bò sữa rất phấn khởi vì lợi nhuận từ bò sữa khá cao. Theo lời một người nuôi bò sữa lâu năm ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), hiện nay một con bò đang cho sữa có thể đem về cho người chăn nuôi hơn 100.000 đồng/ngày; với 5 con bò sữa người nuôi sẽ có thu nhập cao hơn so với việc sản xuất 1 ha lúa. Nhiều năm qua, đàn bò sữa chỉ phát triển ở huyện Trảng Bàng, còn các huyện lân cận rất hiếm.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa – con vật chủ lực giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, một số địa phương đang mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là các loại cỏ giàu dinh dưỡng và có năng suất cao để làm thức ăn cho bò.
Phần lớn diện tích cây cà phê Catimor tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được trồng trong giai đoạn 1990-1991. Tính đến nay tuổi thọ trung bình đã hơn 20 năm trong khi chu kỳ khai thác hiệu quả nhất của cây cà phê vào khoảng 12 đến 15 năm.
Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu vụ Xuân Hè, vụ Hè Thu, vụ Thu Đông năm 2014 và vụ Đông Xuân 2014-2015 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện nhiều mô hình, dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa nông sản, trong đó có cây quýt thành sản phẩm hàng hóa.