Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nửa đêm ra đồng

Nửa đêm ra đồng
Publish date: Saturday. June 20th, 2015

0 giờ, ngày 4.6.2015, khi nhiều người còn chìm trong giấc ngủ say nồng thì ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) gần cả trăm nhân công đi nhổ mì thuê bắt đầu kéo nhau ra đồng. Họ chở nhau trên những chiếc xe máy cũ kỹ. Ánh đèn xe sáng loáng, tiếng động cơ xe gắn máy hoà lẫn tiếng xe máy cày vang rền khiến cho bầu không khí trở nên rộn ràng.

Các nhân công nam mỗi người vác theo một cây cuốc nhỏ, cán dài khoảng 1 mét. Các nhân công nữ cũng mỗi người cầm theo một cây rựa. Nhiều người cẩn thận đem theo cà-mên cơm. Người nào không mang cơm theo thì tấp vào các quán ven đường ăn vội đĩa cơm hoặc tô bánh canh hay mua món gì đó cầm theo.

Tất cả nhanh chóng đến địa điểm tập trung theo sự hướng dẫn qua điện thoại của người đầu công. Địa điểm tập trung là tại ngã ba hoặc ngã tư- nơi rẽ vào những cánh đồng mì đang vào vụ thu hoạch. Tại các điểm tập trung, có một đầu công và một chủ rẫy mì. Đầu công có nhiệm vụ điểm danh số nhân công theo hợp đồng và báo lại cho chủ rẫy mì. Sau khi đã tập hợp đầy đủ số lượng người cần thiết, chủ rẫy mì dẫn cả đoàn nhân công đến nơi làm việc.

Từ địa điểm tập trung, mọi người điều khiển xe gắn máy chạy ngoằn ngoèo dọc theo những bờ đê, bờ kênh giữa những cánh đồng mênh mông, vắng lặng. Chúng tôi theo chân một tốp nhân công khoảng 20 người như thế. Sau gần 20 phút băng đồng, người chủ rẫy mì dừng lại trước một đám mì rộng khoảng 2 ha và chỉ cho tốp nhân công nhận ra ranh giới giữa đám mì cần nhổ với những đám mì của người khác kế bên.

Mọi người nhanh chóng bắt tay vào việc. Các nhân công nam chia nhau mỗi người phụ trách nhổ ba hàng mì theo chiều dọc. Từng bụi mì được nhổ lên, đem chất thành từng đống nhỏ. Các chị em phụ nữ cũng chia nhau theo hướng những đống cây mì, dùng rựa chặt cho củ mì rời ra khỏi thân cây.

Nhổ mì là một công việc nặng nhọc. Gặp phải những bụi mì nhiều củ, một thanh niên khoẻ mạnh phải dùng hết sức mới nhổ lên được. Chỉ sau 20 phút lao động, mồ hôi đã đẫm trên gương mặt, lưng áo của mỗi người. Anh Phạm Văn Thành, 35 tuổi, ngụ ấp Phước An là người có thâm niên hơn 10 năm kiếm sống bằng nghề nhổ mì như vậy.

Vợ anh cũng là nhân công cùng nhóm, trong lúc anh nhổ mì ở phía trước thì chị chặt củ ở phía sau. Vợ chồng anh Thành có một đứa con, đêm nào đi làm anh chị phải gửi con ở nhà cho bà ngoại của bé trông giữ. Trung bình mỗi ngày đi nhổ mì, chặt mì thuê, hai vợ chồng kiếm được khoảng 300.000 - 400.000 đồng.

Hỏi vì sao không nhổ mì vào ban ngày cho dễ làm và không phải thức đêm, anh Thành giải thích: trước đây, công việc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào khoảng 14 giờ. Nhưng những năm gần đây, do nắng nóng kéo dài, nhổ mì ban ngày rất mệt, nên nhân công rủ nhau làm việc vào ban đêm cho đỡ mệt hơn và làm được nhiều hơn.

Chị Phạm Thanh Thuý- 49 tuổi, cũng ngụ ấp Phước An, là người cao niên nhất trong nhóm nhân công nói trên. Công việc của chị là đến những đống cây mì vừa được nhổ lên để chặt củ ra khỏi cây. Vừa cầm rựa phập từng nhát vào bụi củ mì, chị Thuý vừa kể cho chúng tôi nghe về cái nghề lao động chân tay nặng nhọc của mình…

Mấy mươi năm trước,chị Thuý làm đầu công, cũng từng dẫn dắt cả chục người sang tỉnh Bình Phước làm thuê. Gia đình chị có hơn 1 ha đất trồng mì nhưng đã bán mì non cho thương lái. Hiện nay, trong nhóm nhân công này có đến 4 người là con, dâu, rể của chị cùng làm.

Đặc biệt, trong đó có cô con gái út và chàng rể tương lai, mặc dù trưa ngày mai là sẽ cử hành hôn lễ, nhưng tối nay cả hai vẫn đi nhổ mì, chặt mì thuê cùng mẹ. Hai cô cậu quen nhau, yêu nhau cũng qua những đêm miệt mài lao động trên đồng như thế này. Chị Thuý nói vui: “Chồng nhổ mì, vợ chặt mì, hy vọng mai mốt sinh con làm… lái mì”.

Đến 4 giờ, khi đám mì đã được nhổ hơn 2/3, những chiếc xe máy cày kéo theo rơ-moóc mới lững thững đi vào. Số nhân công nam chia ra thành hai tốp. Một tốp tiếp tục công việc nhổ mì, tốp còn lại chuyển sang nhiệm vụ vác mì lên xe máy cày. Công việc này còn nặng nhọc hơn nhiều so với nhổ mì.

Từng cần xé mì đầy ắp chất lên vai họ, để vác đi đổ vào rơ-moóc máy cày. Gần cả giờ sau, chiếc rơ-moóc mới đầy và xe máy cày nặng nhọc kéo mì ra bãi. Thời gian chờ xe máy cày quay lại là những giây phút quý báu để các nhân công nghỉ giải lao và “nạp năng lượng”.

Những hộp cơm đã nguội, những chiếc bánh bao đã lạnh ngắt hay những ổ bánh mì khô cứng đều được “giải quyết” gọn. Vài người cẩn thận uống thêm một hộp sữa tươi gọi là bồi bổ sức khoẻ, tuy nhiên đa số chỉ “tráng miệng” bằng một ca nước hay hút vội điếu thuốc rồi lại bắt tay vào việc. Cứ như thế, đến khi đám mì nhổ xong và toàn bộ củ mì được chất lên xe thì mặt trời cũng bắt đầu ló dạng sau rặng cây xanh.

Ông chủ rẫy mì 28 tuổi, ngụ ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh cho biết, hiện anh có tổng cộng 30 ha mì tới kỳ thu hoạch. Mỗi đêm, đoàn nhân công nhổ được khoảng 2 ha. Tuần qua, anh đã thu hoạch xong được phân nửa số mì và còn phải nhổ liên tục cả tuần nữa mới xong.

Tuỳ đám mì “trúng” hay “thất” mà mỗi ha có thể thu hoạch từ 30 - 50 tấn. Tiền công lao động hiện là 160.000 đồng/tấn, chia ra, mỗi nhân công có thể kiếm được từ 130.000 - 200.000 đồng cho một ngày lao động.

Không chỉ riêng huyện Dương Minh Châu, ở huyện khác như Tân Châu chẳng hạn cũng có nhiều người nửa đêm ra đồng làm thuê làm mướn. Tại huyện này, đêm 4.6 vừa qua, chúng tôi đã có dịp theo chân một đoàn nhân công khoảng 30 người đi nhổ mì ban đêm ở tại ấp 4, xã Suối Dây.

Đầu công là chị Nguyễn Thị Mộng Linh, ngụ tổ 1, ấp Đồng Rùm, xã Tân Thành. Hiện tại, dưới tay chị có khoảng 50 người chuyên nhổ mì, chặt mía, giẫy cỏ mía, mì và cao su. Đêm 4.6, chị chỉ điều 30 công đi nhổ mì. Chị Linh cho biết, tiền công tính theo năng suất lao động, cả tập thể cùng làm sau đó cộng lại chia đều theo đầu người. Giá tiền công nhổ mì là 150.000 đồng/tấn, nếu nhổ hơn số ký thì được tính thêm nhưng thường thì không có người nào đạt được 200.000 đồng/đêm.

Chị Thuý- một trong số các nhân công nữ ra đồng lúc nửa đêm.

Nhổ mì vào ban đêm chỉ diễn ra khi trời không mưa. Vì nếu trời mưa, đất bị nhão, gây lún và dính củ không nhổ được. Mưa làm ướt áo cũng khiến nhân công bị lạnh, khó chịu đựng được lâu. Trời không mưa là điều kiện thuận lợi, nhưng cũng chưa chắc vì vậy mà người làm công có thể đạt năng suất như mong muốn.

Anh Nguyễn Văn Minh, một nhân công ngụ tại tổ 5, ấp 2, xã Suối Dây cho biết: “Còn tuỳ theo loại đất cứng hay mềm, mì trồng sâu hay cạn mà năng suất và thời gian lao động khác nhau. Nếu gặp đất cứng, cây mì trồng sâu thì khó mà nhổ đạt số ký, thời gian lao động cũng kéo dài, có khi đến trưa hôm sau”.

Nhổ mì ban đêm cũng phải hết sức cẩn thận để tránh sự cố tai nạn có thể xảy ra, đặc biệt là khi phải chống chọi với cơn buồn ngủ, dễ sinh ra sơ suất như cuốc trúng chân, hay rựa chặt vào tay gây thương tích… Đó là chuyện thường gặp của những người lao động ngoài đồng lúc nửa đêm.

Có chứng kiến những giọt mồ hôi của họ tuôn đổ vào cái thời khắc mà người người, nhà nhà còn đang thả hồn vào giấc ngủ say, mới có thể thấu hiểu được nghị lực và sự cần cù chịu khó của những người lao động nghèo đang cố gắng vươn lên bằng chính đôi bàn tay lương thiện của mình.


Related news

Hiệu quả từ chăn nuôi lợn sinh học Hiệu quả từ chăn nuôi lợn sinh học

Từng trải qua giai đoạn suýt phá sản vì bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) vẫn đứng vững.

Monday. September 18th, 2023
Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê

Với quyết tâm làm giàu cùng với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, bác Vũ Văn Sai thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình đã xây dựng.

Monday. September 18th, 2023
Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình ‘con tôm ôm sò huyết’ Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình ‘con tôm ôm sò huyết’

Với những lợi thế chi phí đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao, thân thiện với môi trường, qua hơn 10 năm áp dụng, mô hình nuôi sò huyết xen canh với tôm.

Saturday. October 7th, 2023
Hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao Hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Với hơn 400ha diện tích ven sông Cửa Lấp, những năm gần đây, huyện Long Điền đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.

Monday. October 9th, 2023
Ông Ba Sấm nuôi tôm công nghệ cao, thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm Ông Ba Sấm nuôi tôm công nghệ cao, thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Ông Lê Văn Sấm (Ba Sấm) sinh năm 1958, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) từng thất bại với nghề nuôi tôm, thua lỗ có lúc phải bán đất để trả nợ.

Tuesday. October 17th, 2023