Dự án CLUES sự thích ứng của hệ thống canh tác sản xuất lúa
Tìm các giống lúa thích ứng với BĐKH
Dự án CLUES được chia thành nhiều hợp phần, được triển khai thực hiện cụ thể để đánh giá sự tổn thương và các tác động theo vùng ở ĐBSCL trước BĐKH; cải thiện khả năng chịu mặn và ngập nước; khả năng phục hồi các giống lúa triển vọng thích nghi tại địa phương; đánh giá và xây dựng chiến lược tổng thể sử dụng đất thích ứng với BĐKH…
* Một bụi đỏ - một trong những giống lúa chịu mặn ở huyện Phước Long được Dự án CLUES chọn nghiên cứu. Ảnh: M.Đ
GS-TS Lê Quang Trí, Trường đại học Cần Thơ, cho biết: “Theo dự báo của các ngành chức năng, đến năm 2020 có khoảng 41% diện tích sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do nước biển dâng. Vì vậy, Dự án CLUES triển khai thực hiện ở một số tỉnh ĐBSCL nhằm đánh giá diễn biến của BĐKH làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp; sự thích ứng của hệ thống canh tác sản xuất lúa trước vấn đề nước biển dâng”.
Dự án đã xem xét lại hầu hết các nghiên cứu gần đây về BĐKH, nước biển dâng ở khu vực ĐBSCL, cũng như xem xét tác động của BĐKH và thay đổi dòng chảy thượng nguồn trong tương lai, sự BĐKH làm tăng độ ngập và kéo dài thời gian ngập… Từ thực trạng trên, dự án và các nhà khoa học tìm các giống lúa chịu mặn thích ứng với BĐKH, đặc biệt là các giống lúa triển vọng thích nghi tại địa phương. Trong đó, Bạc Liêu có 2 điểm được chọn triển khai áp dụng các giống lúa chịu hạn, chịu nhiễm mặn trong điều kiện khắc nghiệt.
Thử nghiệm và đưa vào sản xuất
Điểm thử nghiệm được dự án chọn thực hiện sản xuất lúa trong điều kiện khắc nghiệt là ruộng của ông Phạm An Lạc (ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), diện tích thực hiện 1.180m2. Diện tích này được chia ra 36 - 48 ô. Dự án tiến hành trồng giống lúa OM 4900 trong điều kiện tiết kiệm nước, phân bón, thực hiện trong 3 năm với 7 vụ lúa. Quy trình sản xuất lúa rất khó khăn, hàng ngày phải đo mặt nước trong các ống đặt trong ruộng để theo dõi… Năng suất lúa so với các ruộng lúa thông thường thấp hơn từ 10 - 20 giạ/công.
Nói về mô hình trồng lúa của dự án, ông Phạm An Lạc cho rằng: “Mô hình này phải áp dụng đúng quy trình của dự án, trồng lúa trong điều kiện khắc nghiệt. Song, lại tiết kiệm nước tưới, phân bón so với các ruộng lúa thông thường. Mô hình áp dụng trong điều kiện mặn xâm nhập, nước biển dâng, thiếu nước ngọt thì rất hiệu quả”.
Dự án đã có 36 tổ hợp lai giống kết hợp với gien ngập, chịu mặn, khả năng chịu lũ lụt nhưng chất lượng hạt tăng cao dựa vào đặc tính di truyền.
Đến nay, dự án đã đưa 78 giống trồng thử nghiệm ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu. Theo GS-TS. Lê Quang Trí, dự án đã chọn ra 27 giống lúa chịu mặn thích nghi với khu vực ĐBSCL. Tại Bạc Liêu đã trồng thử nghiệm các giống OM 4900, OM 6328, OM 6677, và OM 10252 đạt năng suất cao trong điều kiện mặn. Cụ thể, giống OM 4900 đạt năng suất 4 tấn/ha. Theo đánh giá, có 4 giống lúa vượt trội có khả năng chịu mặn cao, cho năng suất cao như OM 3673, OM 6328, OM 6677, và OM 10252. Hiện, một số giống lúa chịu mặn đã và đang được nông dân các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu, áp dụng vào sản xuất.
BĐKH ngày càng tác động rõ đến sản xuất nông nghiệp, nhất là nước biển dâng, mặn xâm nhập. Trong điều kiện hệ thống thủy lợi các tỉnh ĐBSCL chưa hoàn thiện, việc tìm giống lúa để sản xuất thích ứng với BĐKH là rất cần thiết.
Related news
Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thủy văn và các vùng sinh thái khác nhau thích ứng cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế trong những năm qua, với sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, nông dân trong huyện đã khai thác được thế mạnh về đất đai và lao động đưa lại hiệu quả khá cao trong sản xuất cây công nghiệp ngắn, dài ngày và chăn nuôi trâu bò đàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết thành phố vừa phê duyệt Dự án Trung tâm nghề cá ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.
Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.
Sau thắng lợi của vụ tôm năm 2011, năm 2012 diện tích thả nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tăng lên. Cụ thể, năm 2012 toàn huyện có 185,66 ha thả nuôi tôm, tăng 34 ha tập trung các xã: Mỹ An Hưng B, Vĩnh Thạnh... Tuy nhiên, năm nay vụ tôm càng xanh mùa lũ ở huyện đạt năng suất thấp, nhiều hộ nuôi không có lời, thậm chí bị thua lỗ.
Do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường và giá bán trái cao nên thanh long ruột đỏ đang được nhà vườn đầu tư phát triển làm nhánh giống trở nên khan hiếm. Nhánh thanh long giống ruột đỏ nhà vườn bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/nhánh có kích thước từ 30 - 40 cm. Thương lái mua trái tại nhà vườn với giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, vào thời điểm hút hàng, giá cao nhất là 52.000 đồng/kg.