Hướng Đi Mới Của Thanh Long Ở Long An
Ngoài phương thức phổ biến là ăn tươi, những năm gần đây, trái thanh long được chế biến thành thức uống hay cắt lát sấy chân không, thanh long kiểng được chưng bày trong những dịp triển lãm, lễ hội, nhất là Tết Nguyên đán vừa qua. Theo quan niệm của người Á Đông, Long là Rồng, là vua trong các loài tứ linh.
Do đó, thanh long là loài cây mang ý nghĩa cát tường và thịnh vượng. Chưng cây thanh long trong nhà vào ngày xuân mang đến phú quý, sức khỏe và vận may cho gia đình. Đây là món quà độc đáo và rất ý nghĩa mà nhiều người dùng tặng nhau để nói thay cho lời chúc an khang mỗi dịp xuân về.
Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Giám đốc Hợp tác xã Long Hội, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) cho biết: “Thanh long kiểng có nhiều loại. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hợp tác xã Long Hội chỉ cung cấp loại thanh long ghép nhánh. Loại này đơn giản, dễ thực hiện và được khách hàng ưa chuộng.
Chậu để ghép thanh long cũng có nhiều loại với kích thước khác nhau. Nhỏ nhất là chậu mini loại ghép 6 trái có giá khoảng 200 ngàn đồng. Lớn nhất là chậu đại ghép được 68 trái có giá hơn 1,5 triệu đồng. Giá thanh long kiểng được tính theo số lượng trái có trong chậu.
Trái càng nhiều thì giá càng cao. Số lượng trái là do khách hàng quyết định, nhưng thông thường là 19, 36 hay 68 trái. Nhiều khách hàng tin rằng những con số này mang ý nghĩa “Tài lộc”, “Đại cát đại lợi” hay “Lộc phát”,… sẽ giúp đem lại may mắn cho họ trong năm mới”.
Ngoài giá trị nghệ thuật là ngoại hình đẹp với thân thanh long màu xanh như những chú Rồng đang uốn lượn mang đến niềm tin và hy vọng thì trái thanh long màu đỏ tượng trưng cho sự thành công và may mắn. Bên cạnh đó giá trị kinh tế do thanh long kiểng đem lại cũng rất đáng chú ý. “Ghép thanh long kiểng tuy vất vả nhưng lợi nhuận khá cao.
Hàng năm, chúng tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ Singapore, TP.HCM, và của các cơ quan, công ty mua để biếu trong dịp tết. Riêng năm 2013, chúng tôi bán được hơn 500 chậu, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng”, ông Nguyễn Hữu Tài cho biết thêm.
Theo những người làm lâu năm trong nghề tiết lộ, muốn có chậu thanh long kiểng đẹp thì khâu chọn trái để ghép là quan trọng nhất, phải chọn những trái vừa chín tới để giữ được độ tươi lâu, màu sắc đẹp.
Thông thường để ghép thanh long người ta chọn thanh long ruột trắng vì có phần vỏ dày, chắc, chưng được lâu hơn, đồng thời giá cả cũng rẻ hơn so với thanh long ruột đỏ. Trái thanh long được đánh giá là đẹp phải có ngoe nhiều, dài, xanh mướt và có độ cứng chắc.
Thanh long ghép nhánh, không có rễ nên chỉ chưng được từ 10 đến 15 ngày là tàn. Tuy nhiên, những loại hoa kiểng khác sau khi chưng xong thường được bỏ đi, riêng thanh long kiểng sau khi làm đẹp trong mấy ngày tết thì chúng ta vẫn có thể thưởng thức những quả ngon ngọt, mát lành này.
Anh Lê Chí Trung, ngụ ấp 1, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành đã có 4 năm kinh nghiệm trong nghề, chia sẻ: “Ghép thanh long kiểng không khó, nhưng phải kiên nhẫn vì tốn nhiều thời gian. Với 2 người cùng làm, phải mất từ 30 phút đến 90 phút mới có thể hoàn thành một chậu, tùy theo chậu nhỏ hay lớn. Trong khi ghép, việc chọn và sắp xếp trái là khâu quan trọng nhất. Kích thước trái phải đều nhau. Hàng trái lớn xếp dưới cùng và nhỏ dần lên trên để tạo sự hài hòa cho chậu kiểng”.
Với niềm tin chưng thanh long trong nhà sẽ đem lại may mắn và tài lộc, do đó nhiều khách hàng vẫn tìm mua loại kiểng này để chưng tết dù giá khá cao. Vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thanh long ruột trắng đạt giá kỷ lục 30.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với năm ngoái, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Related news
Bây giờ, về làng biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) cứ nghe xôn xao chuyện nuôi tôm trên cát. Ba năm trở lại đây, ai mất mùa cứ mất mùa, riêng người dân biển Hải Ninh nuôi tôm cứ thu nhập tiền tỷ đều.
Ông Hòe đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này trước thềm năm 2014. Ngoài cơ hội, ông cũng lưu ý về những nguy cơ mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu sản phẩm của họ theo đường tiều ngạch.
Năm 2013 Sóc Trăng đạt sản lượng 44.000 tấn tôm, cao gấp 3 lần so với năm 2011. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào con số 2,8 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Chỉ tính riêng 2 nhà máy tại Khu công nghiệp An Nghiệp, giá trị xuất khẩu đã đạt 170 triệu USD.
Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trưởng khá nhờ thế mạnh về xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây… Tuy vậy, năm 2014 xuất khẩu của cả vùng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Có được kết quả này là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khắc phục kịp thời tình trạng thiếu nguyên liệu. Năm 2013, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của tỉnh đạt xấp xỉ 98.000 tấn, đáp ứng được 40% nguyên liệu cho các nhà máy, còn lại các doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để đủ chế biến…