Hướng đi bền vững cho nghề câu cá ngừ đại dương
Hoạt động theo chuỗi liên kết
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), điểm yếu của khai thác cá ngừ Việt Nam là khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và quản lý thị trường. Nguồn lợi và năng lực sản xuất cá ngừ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng thời gian qua, cá ngừ chưa được xác định là đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế đối với tổ chức đánh bắt cũng như phát triển ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT đã triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia. Tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định công bố đề án Thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ do Công ty cổ phần Bá Hải làm trung tâm. Theo đó, từ nay đến năm 2016, doanh nghiệp này đóng mới 5 tàu sắt, mỗi tàu có công suất 1.100CV để khai thác kết hợp làm dịch vụ hậu cần.
Tại nhà máy, Công ty cổ phần Bá Hải sẽ đầu tư và áp dụng công nghệ cấp đông tiên tiến của Nhật Bản (công nghệ CAS) để bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao… Ông Nguyễn Hữu Phát, chủ tàu câu cá ngừ đại dương PY96346TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: “Lâu nay, khâu bảo quản cá ngừ đại dương sau thu hoạch là khâu yếu của ngư dân, trong khi chuyến đánh bắt kéo dài gần cả tháng nên giá trị sản phẩm vào đến bờ rất thấp. Nếu có dịch vụ thu mua cá trên biển thì ngư dân rất phấn khởi vì cá đạt chất lượng, giá cao…”.
Hiện Công ty cổ phần Bá Hải đã ký hợp đồng với 8 tổ, đội sản xuất trên biển gồm 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa. Công ty cổ phần Bá Hải chịu trách nhiệm hướng dẫn ngư dân kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản theo phương pháp mới và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường cùng thời điểm.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, cho biết: “Công ty sẽ trang bị cho mỗi tàu câu tham gia đề án thí điểm một bộ thiết bị gây tê cá ngừ kể cả thùng lạnh ướp cá và chuyển giao công nghệ sơ chế, bảo quản theo phương pháp mới của công ty. Trước mắt, do chưa kịp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nên công ty sẽ ký hợp đồng với mỗi tổ, đội sản xuất cử ra một tàu để làm nhiệm vụ vừa khai thác vừa chuyển số cá của cả tổ, đội đánh bắt trong vòng 5 đến 7 ngày vào bờ. Về lâu dài, công ty sẽ phối hợp với ngư dân thành lập hợp tác xã khai thác, dịch vụ nghề cá và hỗ trợ ngư dân đầu tư ngư lưới cụ để sản xuất đa nghề trên biển và bao tiêu các sản phẩm này (câu cá ngừ đại dương kết hợp với lưới cá chuồn, cá ngừ sọc, mực xà đại dương…)”.
Cần đầu tư đồng bộ
Ông Lê Văn Hồng kiến nghị: “Tỉnh nên sớm hỗ trợ đào tạo cho ngư dân và doanh nghiệp các tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ khai thác và bảo quản cá ngừ. Hỗ trợ ngư dân tham gia chuỗi liên kết được vay vốn đóng mới tàu công suất lớn và cải hoán, nâng cấp tàu cũ, mua sắm ngư lưới cụ khai thác theo công nghệ mới. Đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết để công ty vay vốn đóng mới tàu sắt theo đề án. Tỉnh và Trung ương nên sớm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ…”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho hay: “Sở NN-PTNT đã có kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề cho ngư dân, ngư dân nào có nhu cầu thì đăng ký. Rất mong doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết này hoạt động có hiệu quả”.
Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch trong năm 2015 là nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ và tổ chức hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Đồng thời tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi liên kết hợp lý trên cơ sở tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm tiên tiến của Nhật Bản kết hợp với kinh nghiệm và thực tiễn sản xuất của ngư dân…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương cần ưu tiên triển khai các mô hình và tập huấn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho các thành viên tàu tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Triển khai hợp tác quốc tế trong hoạt động kêu gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm, đồng thời xây dựng, nâng cấp cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá phục vụ khai thác, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ…
Related news
Vài năm trở lại đây, nhiều người dân Pleiku đã được tận mắt chiêm ngưỡng và thưởng thức món đặc sản gà Đông Tảo-đặc sản “gà tiến Vua” của xứ sở nhãn lồng Hưng Yên. Ngay tại Gia Lai, nhiều người đã bắt tay nuôi thử nghiệm và nhân giống gà quý này…
Loại heo trên 100kg nhiều mỡ, ít nạc ở miền Tây thường khó bán thì nay lại được nhiều thương lái lùng mua với giá cao.
Lâu nay, việc chăn nuôi lợn đen truyền thống được bà con nhiều nơi trên địa bàn tỉnh duy trì. Sản phẩm thịt lợn đen xét về giá trị thương phẩm, nhu cầu và thị hiếu đều được người tiêu dùng lựa chọn cao hơn hẳn so với thịt lợn ngoại, lợn lai, hướng nạc, siêu nạc.
TP Hồ Chí Minh hiện có tổng đàn bò sữa lớn nhất nước với khoảng 100.000 con, trong đó, huyện Củ Chi chiếm khoảng 70%, sản lượng sữa đạt khoảng 500 tấn/ngày.
Thời gian qua, cùng với việc giá tiêu hạt trên thị trường liên tục đứng ở mức cao, diện tích hồ tiêu ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng được mở rộng nhờ các chính sách khuyến khích phục hồi và trồng mới loại cây này.