Hội Thi Nông Dân Nuôi Tôm Giỏi Theo Tiêu Chí Vietgap
Ngày 22 tháng 7 năm 2014, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi ”Nông dân nuôi tôm giỏi theo tiêu chí VietGAP” tại Trung tâm Văn hóa Thể thao xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Với 30 thí sinh thuộc 6 đội dự thi đến từ các xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh - H. Cần Giờ và đội huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Các thí sinh trải qua 2 phần thi trắc nghiệm kiến thức cá nhân và phần thi đồng đội (gồm trắc nghiệm kiến thức, nhận dạng hình ảnh và các xử lý, thuyết trình và tổng điểm bình quân các thí sinh phần thi cá nhân).
Nội dung thi xoay quanh chủ đề về chủ trương, chính sách của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Thành phố trong sản xuất nuôi tôm; kiến thức cho người nuôi tôm an toàn theo tiêu chí VietGAP, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh trên tôm... Các thí sinh đã thể hiện hết năng lực của mình từ kiến thức lý thuyết đến thực tế nuôi của bản thân trong những phần thi với các tình huống tranh tài sôi nổi.
Kết quả hội thi: giải cá nhân: giải nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Lê Thủy Tiên, đội huyện Bình Chánh; 02 giải nhì thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy – đội xã An Thới Đông – huyện Cần Giờ và thí sinh Đỗ Hữu Dư – đội huyện Bình Chánh; 03 Giải ba thuộc về thí sinh Nguyễn Thành Vinh – đội xã Lý Nhơn, thí sinh Lê Việt Hải – đội xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ và thí sinh Thái Văn Thức – đội huyện Nhà Bè. Về đồng đội: giải nhất thuộc về đội huyện Bình Chánh, giải nhì đội xã An Thới Đông và giải ba xã Lý Nhơn – huyện Cần Giờ.
Hội thi không những đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho thí sinh mà còn là nơi để các hộ nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh học hỏi những kinh nghiệm sản xuất trong áp dụng quy trình nuôi tôm theo VietGAP như quản lý con giống, thức ăn, thuốc, ghi chép, lưu trữ hồ sơ, thu hoạch, quản lý ao, chất thải... để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, an toàn cho sức khỏe con người, an toàn cho môi trường sinh thái.
Related news
Cá tầm đã được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với tỉnh Quảng Ngãi thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại huyện miền núi Sơn Tây. Mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây thực hiện và được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân.
Chỉ vào đàn heo sữa 14 con vừa được 32 ngày tuổi, bà Nguyễn Thị Xanh ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết: “Mấy hôm nay thương lái cứ ra vào ngắm heo, rồi hỏi mua với giá 750.000 đồng/con nhưng tôi chưa chịu bán. Tôi tính để thêm một tuần nữa, thế nào nó cũng được trên 800 ngàn đồng/con”.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 làng nghề và ngành nghề sản xuất tập trung, trong đó có 10 làng nghề và ngành nghề truyền thống được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận. Một số sản phẩm như nước mắm, chè vằng, tiêu Cùa, rượu Kim Long… đã có thương hiệu thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 6.800 lao động làm việc trong các làng nghề và ngành nghề tập trung mỗi năm tạo ra giá trị sản phẩm hàng trăm tỷ đồng.
Trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng cao, người trồng rau đã dần nâng cao ý thức canh tác và trình độ thâm canh để sản xuất rau sạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc trồng rau sạch đã được nông dân trồng quanh năm tạo ra nguồn thu khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên, đặc biệt rút ngắn đáng kể thời gian nông nhàn.
Bước đầu cho thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Poọng đã nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân.