Hội Nông Dân Yên Đồng Thực Hiện Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn
Với diện tích canh tác trên 740ha; trong đó đất 2 lúa có 445ha, đất chuyên màu trên 293ha, Yên Đồng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Ý Yên (Nam Định). Triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn của Hội Nông dân (HND) tỉnh từ năm 2009, HND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 150ha đất 2 lúa ở các cánh đồng thôn Cốc Dương, An Trung sang trồng rau sạch nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.
Để thực hiện hiệu quả mô hình trồng rau an toàn, HND xã đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho gần 500 hội viên. Nội dung tập huấn tập trung vào các nội dung: chuyển đổi giống cây trồng, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi sổ nhật ký đồng ruộng, các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, thử nghiệm giống mới có năng suất cao, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, HND xã còn tổ chức cho hội viên đi tham quan nhiều mô hình sản xuất rau an toàn tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Vụ Bản… phối hợp với Cty Cung ứng thuốc bảo vệ thực vật An Giang, Cty TNHH Giống nông nghiệp Tiến Nông, Cty TNHH Giống nông nghiệp Đại Thành (Hà Nội) tổ chức hội thảo đầu bờ, chuyển giao quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất hàng hoá cho nông dân. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên ngay từ năm 2009, xã đã thực hiện thành công mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiệu quả của mô hình không chỉ hướng đến sản xuất rau sạch mà còn tạo mối liên kết, hỗ trợ nông dân tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhờ đó, mô hình trồng rau sạch đã được nhiều hộ nông dân trong xã tham gia. Đến nay, toàn xã có khoảng 150 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn, 112ha đất canh tác được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Trong đó có 90ha sản xuất rau màu, giá trị thu nhập bình quân đạt 7-10 triệu đồng/sào/vụ; 40ha trồng lạc, năng suất đạt 1,3-1,7 tạ/sào. Điển hình như mô hình trồng rau an toàn của gia đình anh Đào Văn Đạo, xóm 16, thôn Cốc Dương.
Nhờ mạnh dạn áp dụng các kiến thức khi tham gia các lớp tập huấn, từ vụ xuân năm 2008, gia đình anh trồng 5 sào lạc xuân giống L18. Sau 3 tháng thu hoạch mỗi sào lạc xuân đạt năng suất 1,5 tạ, giá bán bình quân 20-22 nghìn đồng/kg. Sau vụ lạc xuân, anh cải tạo đồng đất, chuyển sang trồng rau màu (chủ yếu là củ cải, cải canh hoặc xà lách).
Mỗi vụ thu hoạch rau, nhất là vào dịp giáp Tết, anh thu được lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng. Trong 5 năm tham gia mô hình trồng rau an toàn, thu nhập của gia đình anh đã cao gấp nhiều lần so với trước. Vụ xuân năm 2014, chị Bùi Thị Hoa, hội viên nông dân xóm 16, thôn Cốc Dương trồng 6 sào rau màu (2 sào rau mùng tơi giống và 4 sào lạc xuân).
Nhờ áp dụng các kiến thức KHKT về chuyển đổi giống cây trồng, sử dụng phân bón hợp lý do HND xã phối hợp tổ chức, năng suất, giá trị một sào rau màu của gia đình chị đã đạt 25-30 triệu đồng/vụ, cuộc sống gia đình từ đó từng bước được cải thiện.
Việc hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn của HND xã Yên Đồng không chỉ mở ra hướng đi mới cho nông dân trong xã mà còn tạo tiền đề cho hướng phát triển gắn với điều kiện lợi thế của địa phương, nhằm phát triển sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần giúp nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, các hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn ở xã Yên Đồng đang tích cực mở rộng diện tích sản xuất rau, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện trồng lúa mùa sớm, tạo tiền đề kịp thời sản xuất rau màu vụ đông.
Trong định hướng xây dựng NTM, với những mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả như dự án trồng rau an toàn trên địa bàn xã Yên Đồng đã chứng minh cho phương châm liên kết bền vững của "3 nhà" (Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông). Đây chính là cơ sở để hình thành các vùng trồng rau an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Related news
Nuôi lươn trong bồn không chiếm nhiều diện tích. Có thể tận dụng trước nhà, sau vườn hay dưới sàn nhà làm bồn nuôi lươn. Chi phí nuôi lươn trong bồn rất thấp. Xã Tân An, thị xã Tân Châu phát triển mạnh mô hình nuôi này với hàng trăm hộ tham gia nuôi, hộ nuôi nhiều nhất từ 6 - 10 bồn, ít nhất cũng 1 - 2 bồn.
Mặc dù, giá chanh năm nay thấp hơn năm trước nhưng người trồng chanh vẫn có lãi cao nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất luôn ổn định và cho trái quanh năm. Theo ông Nông, mỗi tháng gia đình ông thu lãi 10 triệu đ/0,5 ha.
Đối với quả vải, Bộ đang đàm phán với Nhật Bản, bởi một loại quả của Việt Nam muốn vào được thị trường của một nước phát triển phải qua rất nhiều công đoạn, phải được họ chấp nhận.
Sau hơn 4 năm áp dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) vào chăn nuôi, bước đầu nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả trong việc giúp nông dân giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chi phí thức ăn, công chăm sóc, giúp vật nuôi tăng trọng nhanh... Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Gần đây trên địa bàn huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, một số diện tích ngô xuân đã xuất hiện bệnh “lùn cây ngô” mà không rõ nguồn gốc của bệnh. Đây là loại bệnh lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn nên đã khiến nhiều người trồng ngô nơi đây hoang mang, lo lắng.