Nuôi tôm công nghiệp kiểm chứng mô hình công nghệ cao
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tác động làm nghề NTCN ở một số nơi đang trong thực trạng “treo” đầm.
Hướng tới mục tiêu tạo sự bền vững cho NTCN, giải pháp lâu dài và cụ thể đã được hoạch định, đó là hình thức NTCN công nghệ cao.
Hội thảo mô hình nuôi tôm thâm canh năng suất cao, bàn giải pháp nhân rộng vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Công ty C.P Việt Nam tổ chức vào ngày 20/11.
Hình thức NTCN trong toàn tỉnh từ diện tích 3.300ha năm 2010 tăng lên gấp 3 lần vào năm 2015 với hơn 9.200ha.
Tuy nhiên, việc diện tích NTCN phát triển nhanh đã kéo theo nhiều hệ lụy:
Phát triển ngoài quy hoạch, chất lượng vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra chưa được quản lý, không kiểm soát được môi trường, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng chưa được nâng cấp sửa chữa, quy trình sản xuất lạc hậu không có sự đổi mới, việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất còn rất hạn chế…
Từ đó, môi trường sinh thái ngày càng bị tác động, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, phát sinh những loại vi khuẩn mới.
Mặt khác, từ cuối năm 2014 đến nay, giá tôm sú và cả tôm thẻ chân trắng ngày càng giảm, làm cho hiệu quả nuôi tôm ngày càng kém.
Nhận định được khó khăn, hạn chế, những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh việc áp dụng những quy trình sản xuất mới, công nghệ hiện đại vào nuôi tôm, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh.
Minh chứng là mô hình NTCN năng suất cao của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty).
Từ năm 2012, Công ty đã nghiên cứu quy trình ứng dụng công nghệ mới và triển khai tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau.
Mục đích chung là nuôi tôm một cách bền vững; giảm áp lực cho môi trường; hạn chế dịch bệnh; nâng cao năng suất trên cùng diện tích, góp phần tăng sản lượng; tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân; góp phần ổn định kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Qua hơn 3 năm triển khai, mô hình này mang lại hiệu quả khả quan.
Việc triển khai, nhân rộng mô hình này đến người dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm thời điểm hiện nay.
Ảnh: Gặp gỡ, trao đổi với người nuôi tôm tại huyện Cái Nước, nhân Hội nghị giao ban thủy sản tháng 9/2015.
Đơn vị tham gia mô hình đã tập trung hoàn thiện quy trình nuôi và xây dựng những mô hình điểm.
Cụ thể là rà soát lại hạ tầng, các trang thiết bị cần thiết cho triển khai mô hình; song song đó là tổ chức hội thảo đánh giá quy trình kỹ thuật, đóng góp ý kiến để quy trình hoàn thiện hơn; bàn phương án triển khai mô hình.
Công ty chủ động hỗ trợ chi phí tham quan các mô hình sản xuất; 20% tôm giống, dụng cụ kiểm tra môi trường; tư vấn xây dựng hạ tầng, lắp đặt các thiết bị, trực tiếp giám sát trong quá trình nuôi tôm.
Ngân sách địa phương hỗ trợ 50% tôm giống thả nuôi; chi phí quản lý và triển khai mô hình cho cán bộ trực tiếp thực hiện; cử cán bộ kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi.
Mô hình NTCN theo công nghệ khép kín do Công ty hỗ trợ kỹ thuật được áp dụng tại hộ ông Huỳnh Thái Hoàng, ngụ ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân.
Được Công ty hỗ trợ về kỹ thuật, nuôi từ đầu năm đến nay, gia đình ông Hoàng đã thu hoạch 2 vụ và lãi hơn 1 tỷ đồng.
Vụ tôm thứ 3 đang phát triển rất tốt.
Với mô hình nuôi này, tôm nuôi tăng trưởng nhanh hơn thế hệ cũ 15 - 20%, giống sạch bệnh, đạt 20 - 30 con/kg, giúp người nuôi giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, thì mô hình kể trên bước đầu cho hiệu quả cao, trong quá trình nuôi tôm ít xảy ra dịch bệnh, nhanh lớn và đạt đầu con.
Đặc biệt là mô hình NTCN theo công nghệ khép kín do Công ty hỗ trợ, cả 2 vụ thả nuôi đều đạt năng suất; khi thu hoạch, sau khi trừ chi phí, người nuôi thu về lợi nhuận khá cao.
Sau hơn 3 tháng nuôi tôm theo hình thức này, gia đình anh Nguyễn Hiền Thức (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) rất phấn khởi, bởi năng suất và hiệu quả của mô hình đã được kiểm chứng.
Với diện tích 3.000m2, gia đình anh Thức thu hoạch trên 11 tấn tôm.
Anh Thức cho biết: Trong quá trình nuôi, gia đình đã tuân thủ theo đúng quy trình từ phía Công ty cung cấp, từ khâu cải tạo ao đến chọn giống, thức ăn, thuốc thú y.
Nuôi theo hình thức này có thay nước và châm bù; điều quan trọng là lượng nước hút ra và châm vào phải tương đương nhau về tỷ lệ và nước này phải được xử lý.
Đặc biệt là phải sử dụng chế phẩm vi sinh trong suốt quá trình nuôi nhằm tạo nền đáy, cải tạo tốt môi trường ao nuôi, lấn áp mầm bệnh, mang lại vụ nuôi hiệu quả.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp năng suất cao của hộ anh Nguyễn Hiền Thức với diện tích 3.000m2, thu hoạch trên 11 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhận định đây là mô hình có hiệu quả và sẽ là hướng mở cho ngành NTCN tỉnh.
Chính vì thế, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương tiếp tục theo dõi, nghiên cứu sâu để có hướng triển khai nhân rộng, nhất là đối với mô hình nuôi tôm lót bạt quy mô nhỏ công nghệ cao bởi phù hợp với khả năng kinh tế của đa số người dân.
Hiệu quả của mô hình đã được kiểm chứng, quan trọng hơn hết vẫn là tính bền vững lâu dài; việc triển khai, nhân rộng mô hình này đến người dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm hiện nay.
Kế hoạch dài hơi cần chú trọng đến các yếu tố môi trường sinh thái, đảm bảo nguồn nước sạch cho khâu nuôi trồng, để 45% diện tích ao nuôi theo hình thức công nghiệp đang “treo” hoạt động trở lại, góp phần cho ngành kinh tế thủy sản Cà Mau phát triển một cách bền vững và hiệu quả hơn.
Đại diện Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Tại tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay Công ty đã đầu tư 25 ao theo mô hình NTCN năng suất cao, với diện tích trung bình mỗi ao là 1.600m2; năng suất sau thu hoạch gần 45 tấn/ha/vụ.
Đặc biệt, có những ao sau 2 tháng thu hoạch tỉa có năng suất trên 50 tấn/ha/vụ.
Còn về vốn đầu tư, tuy có cao hơn hình thức NTCN bình thường nhưng không đáng kể.
Bù lại, loại hình NTCN năng suất cao này sẽ được áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quản lý; quản lý môi trường nuôi; phòng chống dịch bệnh… Tất cả phải tuân thủ đúng theo quy trình nuôi.
Hiện, Công ty đang tiếp tục triển khai thêm 10 mô hình lót bạt ao ương và ao nuôi, mỗi mô hình 2 ao, mỗi ao 3.000m2…
Related news
Nằm trong khu vực miền núi phía Bắc, Hòa Bình có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thủy sản như hệ thống sông ngòi, ao, hồ nhiều được phân bố khá đều. Tận dụng lợi thế này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên vùng hồ sông Đà đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Nắng đang nhạt dần. Đám mây đen báo bão trôi dạt về phía biển. Các nhà bè xung quanh vẫn nhộn nhịp việc. Dường như với họ, đối mặt với giông bão, nắng mưa đã trở thành chuyện đương nhiên trên sông nước. Nuôi được con cá mau lớn, khỏe mạnh, bán được giá đã là chuyện cũ. Giờ đây, đích đến của những người làm nghề nuôi cá lồng bè còn là việc chủ động nguồn cá giống đạt chất lượng và phát triển mạnh.
Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.
Trước tình trạng hàng trăm hộ dân ở Cà Mau triển khai kế hoạch nuôi cá sấu với hy vọng đây sẽ là vật nuôi phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt nuôi cá sấu, vì đây là vật nuôi không an toàn và đang trong tình trạng không có thị trường tiêu thụ.
Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).