Hiệu Quả Từ Việc Đưa Cây Chùm Ngây Vào Sản Xuất

Nhờ chịu khó tìm tòi trên internet, ông Nguyễn Sỹ Trung đã tự tạo cho gia đình mình nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng và điều quan trọng hơn cả là nguồn thức ăn “tự cung tự cấp” giàu dưỡng chất mà an toàn.
Được sự chỉ dẫn tận tình, chúng tôi tìm đến ngôi nhà có vườn cây với tên gọi khá lạ so với người dân Phố núi: cây chùm ngây. Người đàn ông tuổi đã ngoài 50 tên Nguyễn Sỹ Trung chính là chủ nhân của mảnh vườn ấy. Mấy ai ngờ rằng mảnh vườn vỏn vẹn 100 m2 này chính là niềm vui của đôi vợ chồng cựu chiến binh sống tại tổ 4, phường Thắng Lợi (TP. Pleiku).
Một năm trước, qua tìm hiểu trên internet ông đã thấy được giá trị dinh dưỡng mà loại cây chùm ngây mang lại. Xét thấy loại cây dễ trồng, dễ thu hoạch và có lợi cho sức khỏe, ông đã cất công đi đến tận Đồng Nai để tìm hiểu. Ông đã quyết định bỏ ra 4 triệu đồng mua 100 cây giống chùm ngây gieo trồng trong khu vườn nhà mình.
Ông Trung chia sẻ: “Cây chùm ngây là loại cây chịu hạn tốt và rất dễ trồng, không phải bón phân hay chăm bón gì nhiều. Đôi ba ngày thì tưới nước và làm cỏ một lần thôi. Loại cây này trồng 6 tháng là có thể thu hoạch lá. Một cây có độ tuổi từ 8 tháng đến 1 năm cho thu hoạch 0,5 kg đến 1 kg lá”.
Thấy loại cây mang lại giá trị dinh dưỡng cao, ông đã đem từng bó cành lá ra chợ bán thử. Ban đầu với giá 5.000 đồng/lạng, người dân chưa tin tưởng bởi loại rau này còn khá xa lạ nhưng sau một thời gian tin dùng họ đã thường xuyên gọi điện hỏi mua.
100 cây chùm ngây cho thu hoạch hơn 5 tháng mang lại cho gia đình ông Trung khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Ông đã từng nghĩ, lá của cây chùm ngây tốt như vậy, người ăn vào cũng khỏe huống chi gà.
Thế là ông đầu tư mua 50 con gà ngày ngày cho ăn lá cây chùm ngây và xay nước cho uống để gà cho trứng chất lượng cao. Thoạt đầu nghe cũng hơi ngồ ngộ, nhưng quả thật trứng gà của nhà ông Trung được mọi người gần xa tin dùng vì giàu hàm lượng omega-3, giàu khoáng chất hơn gấp nhiều lần so với trứng gà thường.
Mặt hàng này được đặt mua cho người mang thai và phụ nữ cho con bú rất nhiều, không những trong nội thành mà ở các huyện xa cũng biết. Mỗi ngày đàn gà đều cho trung bình 30 quả trứng, ông bán với giá 6.000 đồng/quả thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ đem trứng và rau chùm ngây ra chợ bán, ông đã lập một trang web chuyên bán trứng gà ta giàu dưỡng chất omega-3 và rau chùm ngây bổ dưỡng. Phương thức bán hàng này tiết kiệm được thời gian mà mang lại hiệu quả cao.
Những khách hàng có nhu cầu đặt mua trứng hay rau có thể liên lạc trước và sẽ được giao hàng miễn phí trong phạm vi 50 km. Ông giao hàng các ngày thứ ba, thứ bảy và chủ nhật trong tuần tùy theo khu vực khách hàng để cắt giảm chi phí đi lại.
Ông Trung cũng cho biết thêm, với mô hình trồng chùm ngây đơn giản mà hiệu quả, ông đã từng nghĩ sẽ mở rộng thị trường giống; đồng thời đưa loại cây bổ dưỡng này vào các siêu thị, tiếp cận với người dân ngày một sớm nhất. Từ ngày trồng loại cây này hiệu quả, đã có một số gia đình tìm đến học hỏi cách trồng và chăm sóc, ông Trung đã vui vẻ chia sẻ cho 2 hộ dân tiếp cận nguồn giống và truyền đạt kinh nghiệm cho họ.
Related news

Thời tiết đang nắng nóng cao điểm khiến nhiều diện tích cây trồng ở vùng cát huyện Thăng Bình bỏ hoang, hoặc đang sinh trưởng có nguy cơ chết khô vì thiếu nguồn nước tưới tiêu.

Liên kết sản xuất lúa giống, các loại cây hoa màu là hướng đi hợp lý để các hợp tác xã (HTX) và nông dân có thể nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc liên kết cũng mang lại hiệu quả, mà ngược lại, một số HTX phải ôm nợ vì các công ty không thực hiện đúng cam kết.

Phong trào nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Tam Kỳ không chỉ cản trở giao thông đường thủy nội địa mà còn báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Say mê trồng lan nên bỏ cả việc làm ở TP.HCM, rồi mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đưa giống lan mokara về trồng thử ở đất Quảng Ngãi. Sau gần 2 năm đầu tư chăm sóc, đến nay mô hình hoa lan của anh đã đem lại thành công. Anh là Võ Trọng Thanh, quê xã Bình Hòa (Bình Sơn), vốn dĩ là… kỹ sư xây dựng.

Nằm sâu trong khu rừng trồng tại địa phương nên trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Văn Lộc ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) đảm bảo về các vấn đề môi trường. Trang trại này giúp cho gia đình anh có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.