Hiệu Quả Từ Trồng Ba Kích Ở Sơn Động (Bắc Giang)

Không chỉ bảo tồn nguồn gen quý, trồng ba kích dưới tán rừng còn giúp gia đình anh chị Lã Văn Quang - Lãnh Thị Thắng, thôn Đồng Chu, xã Yên Định, huyện Sơn Động (Bắc Giang) tăng thu nhập.
Là nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên, tại Sơn Động có nhiều cây thuốc quý. Trong đó, loài ba kích tía đã nức tiếng khắp vùng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, sản phẩm này chủ yếu được khai thác từ rừng tự nhiên, ngày càng khan hiếm, cạn kiệt.
Chứng kiến cảnh người dân rủ nhau lên rừng "săn" ba kích bán cho thương lái, không ai biết trồng, chăm sóc nên anh Quang, chị Thắng trăn trở tìm hướng bảo tồn loài cây này nhưng chưa thực hiện được. Năm 2012, gia đình được Hội Nông dân tỉnh chọn tham gia trồng thử nghiệm ba kích dưới tán rừng và tán cây ăn quả.
Được các cán bộ của Hội hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, mời tham quan mô hình tại tỉnh Vĩnh Phúc, anh chị hào hứng bắt tay làm.
Từ tháng 9-2012, gia đình trồng hai nghìn cây do Hội Nông dân tỉnh cấp trên diện tích 0,5ha. Được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, toàn bộ số cây giống sinh trưởng, phát triển tốt. Từ cuối năm 2013 đến nay, anh chị đã chọn những thân, cành đạt tiêu chuẩn để nhân giống bằng biện pháp giâm hom.
Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, ngay lứa đầu ươm giống đã cho kết quả tốt, cung cấp hơn 6 nghìn cây cho các hộ có nhu cầu. Với giá bán tại vườn 6 nghìn đồng/cây, vườn ươm cho doanh thu gần 40 triệu đồng, góp phần bảo tồn nguồn gen quý.
Từ nay đến cuối năm, gia đình dự định ươm thêm từ 4-6 nghìn cây. Ngoài nguồn thu từ cây giống, trong năm 2015, gia đình sẽ được thu hoạch củ ba kích từ hai nghìn cây do Hội Nông dân hỗ trợ, ước đạt khoảng 2 tấn củ thương phẩm, trị giá hơn 40 triệu đồng.
Anh Lã Văn Quang cho biết, trồng ba kích tốn ít công chăm sóc, chỉ cần chú trọng bón phân, làm cỏ trong năm đầu, những năm sau cây sẽ tự vươn lên bám vào thân cây gỗ để phát triển. Hơn nữa, đây là loài ưa cạn nên phải thường xuyên chú ý tiêu nước, chống úng gốc khi gặp mưa bão, ngoài ra cần thường xuyên phòng trừ sâu đục thân gây hại để cây phát triển tốt.
Related news

Ngày 4.3, Chi cục Thuỷ sản TP.Đà Nẵng cho hay: Chuyến đi biển đầu tiên sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ngư dân của thành phố đã trúng đậm khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

Xuân Thới Thượng là một trong những xã điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP.HCM. Những năm qua, Hội Nông dân xã đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Trước đây, quanh đầm Lập An, thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), người dân chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm hay lên rừng đốn củi, nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng vì nghèo. Nhưng...

Ngày 4.3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) đã họp bàn các giải pháp tiêu thụ gia cầm cho nông dân.

Tại đây, vào tháng 8.2013, trại trình diễn và thực hiện chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) đã được khánh thành. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Sở NNPTNT TP.HCM và Trung tâm Hợp tác quốc tế (MASHAV) thuộc Bộ Ngoại giao Israel.