Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả từ tổ dịch vụ bao trái xoài ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp)

Hiệu quả từ tổ dịch vụ bao trái xoài ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp)
Publish date: Friday. August 14th, 2015

Xuất phát từ ý tưởng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong lĩnh vực sản xuất xoài an toàn và tạo thêm thu nhập cho những nhà vườn có kinh tế khó khăn, một số nhà vườn ở phường 6, TP.Cao Lãnh đã thành lập TDV bao trái xoài. Lúc mới thành lập, TDV bao trái xoài chỉ có 12 thành viên, sau hơn một năm hoạt động, số thành viên nâng lên trên 40 người. TDV hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: bao trái, cắt tỉa, tạo tán, thu hoạch xoài... Các thành viên trong TDV được nhà vườn xem như những “chuyên gia” trong lĩnh vực chăm sóc xoài.

Anh Lê Minh Hiện ngụ khóm 6, phường 6, TP.Cao Lãnh tâm sự: “Ban đầu khi giao vườn xoài của mình cho anh em TDV chăm sóc, tôi cảm thấy rất lo lắng. Bởi khi xoài đậu trái và rụng sinh lý lần 2 thì sẽ được tuyển trái và sàng lọc trước khi được đưa vào túi bao; sau mùa thu hoạch, một số nhánh xoài không cần thiết sẽ được cưa bỏ, thậm chí đối với những cây xoài quá cao cũng bị cưa đọt... Những kỹ thuật này khác xa so với kỹ thuật canh tác từ trước đến giờ. Tuy nhiên, sau mỗi vụ mùa tôi thấy hiệu quả từ cách làm mới này rất rõ rệt. Không những giá xoài bao trái cao hơn mà cây xoài cũng khỏe hơn, phát triển tốt hơn; quản lý dịch bệnh thuận lợi hơn”.

Ông Nguyễn Bá Minh - Tổ trưởng TDV bao trái xoài phường 6, TP.Cao Lãnh cho biết: “Quy trình kỹ thuật mà TDV thực hiện trên xoài là những kinh nghiệm mà chúng tôi tích lũy trong quá trình sản xuất. Đây còn là những kỹ thuật sản xuất mới chúng tôi được các nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp ở địa phương tập huấn và chuyển giao. Mặc dù làm dịch vụ kinh doanh nhưng TDV rất chú trọng đến việc xây dựng niềm tin của khách hàng qua chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp. Đối với những thành viên mới, chúng tôi luôn tập huấn, đào tạo kỹ thuật chuyên môn trước khi phục vụ cho khách hàng”.

Nhờ tạo được uy tín, nên hiện nay không những hoạt động trong địa bàn TP.Cao Lãnh mà TDV bao trái xoài còn được nhiều khách hàng ở các địa phương lân cận “đặt hàng”, nhờ làm ăn hiệu quả nên TDV thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Ông Phan Thành Thanh - thành viên TDV bao trái xoài chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm phụ hồ mỗi ngày thu nhập chỉ khoảng 130 ngàn đồng, hiện nay nhờ tham gia vào TDV mà thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều. Trung bình 1 tháng tôi làm việc khoảng 20 ngày, 1 ngày làm có tiền công là 200 ngàn đồng và được nhà vườn hỗ trợ thêm bữa ăn trưa. Đây là khoản thu nhập khá, giúp tôi trang trải chi phí trong gia đình, có thêm vốn để đầu tư cho mảnh vườn của gia đình”.

Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, trong quá trình “tác nghiệp”, các “chuyên gia” này cũng gặp không ít khó khăn khi phải làm việc trong môi trường leo trèo trên cao, chưa kể đối với nhiều khu vườn có địa hình phức tạp như: hầm, hố hoặc tán cây cao, gần sông thì càng khó khăn và nguy hiểm hơn. Ông Minh chia sẻ thêm: “Mặc dù không được đào tạo chuyên nghiệp, song chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn lao động cho các thành viên lên hàng đầu. Ngoài ra, trong quá trình làm, nhiều anh em cũng sáng tạo thêm một số dụng cụ chuyên dụng, do đó dù ở địa hình nào, xoài cao hay thấp, chúng tôi đều đảm bảo xử lý bao trái tốt cho nhà vườn”.

Ông Lê Văn Vạt - Chủ tịch Hội Làm vườn TP.Cao Lãnh nhận định: “Hoạt động của TDV không những góp phần giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên mà các hoạt động của TDV cũng đã tạo được sự thay đổi về tập quán sản xuất của nhà vườn. Thông qua hoạt động của TDV này, nhà vườn có điều kiện để tiếp cận với các mô hình sản xuất xoài an toàn cũng như ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất xoài. Từ đó, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng và đồng nhất, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm xoài của địa phương và tăng thu nhập cho nông dân”.


Related news

Một Hướng Đi Mới Của Người Chăn Nuôi Một Hướng Đi Mới Của Người Chăn Nuôi

Với mục đích nghiên cứu, chọn lọc và nhân giống làm cơ sở bảo tồn các giống heo địa phương trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã thực hiện “Thử nghiệm một số cặp lai giữa heo rừng Thái Lan và heo bản địa tại Gia Lai”.

Thursday. July 4th, 2013
Trồng Dừa Xiêm Xanh Cho Thu Nhập Khá Trồng Dừa Xiêm Xanh Cho Thu Nhập Khá

Ông Nguyễn Văn Em (Tám Em) ở thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi (TP Phan Thiết, Bình Thuận) là người trồng dừa xiêm xanh cho năng suất và hiệu quả cao. Qua nghiên cứu tìm hiểu trên sách báo, năm 2006 ông Tám Em đã mạnh dạn đầu tư trồng 150 cây dừa trên diện tích hơn 4.500 m2 của gia đình. Nhờ chăm sóc tốt, chỉ sau 4 năm ông đã thu hoạch được trái dừa tươi.

Thursday. June 13th, 2013
Thành Lập Tổ Hợp Tác Nuôi Rắn Mối Thành Lập Tổ Hợp Tác Nuôi Rắn Mối

Xã Tân Hiệp (Phú Giáo - Bình Dương) vừa thành lập Tổ hợp tác nuôi rắn mối với 15 thành viên. Trước đó, tại Tân Hiệp có 3 cá nhân trong tổ hợp tác nuôi thành công rắn mối và đây cũng là những nhân tố quan trọng để giúp cho các thành viên còn lại xây dựng thành công mô hình, hướng tới là nâng cao và bao tiêu sản phẩm.

Friday. July 5th, 2013
Thu Nhập Cao Từ Trồng Cà Chua Thu Nhập Cao Từ Trồng Cà Chua

Đến thôn Tứ Thể xã Đại Phú, huyện Sơn Dương không ai là không biết gia đình anh Nguyễn Thanh Tâm, bởi anh là hộ gia đình trẻ làm kinh tế giỏi của thôn. Xây dựng gia đình năm 2005, khi ra ở riêng được bố mẹ cho 3 sào ruộng và hỗ trợ làm được ngôi nhà nhỏ hai gian lợp ngói; cuộc sống gia đình rất khó khăn, quanh năm chỉ cấy lúa, trồng ngô, khoai và phải đi làm thuê đủ nghề vất vả mà vẫn khó khăn đủ bề.

Thursday. June 13th, 2013
Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Chú Trọng Sản Xuất Quy Mô Lớn Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Chú Trọng Sản Xuất Quy Mô Lớn

Vấn đề quan trọng hiện nay là việc triển khai đề án này cần được thực hiện như thế nào. NTNN đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.

Friday. June 14th, 2013