Hiệu quả từ phương pháp làm chuồng úm gà cải tiến
Chị Ánh cho biết: Úm gà con là một trong những khâu rất quan trọng và cần thiết trong quá trình chăn nuôi gà, nó quyết định đến năng suất, chất lượng đàn gà sau này. Nếu để gà con mới nở trong những tuần đầu thiếu nhiệt, gà sẽ yếu dần, tỷ lệ chết cao. Trước đây, gia đình tôi thường úm gà bằng nhiệt toả ra từ bóng đèn điện hoặc đốt củi, than tổ ong trong một thùng sắt to để sưởi ấm cho gà con. Tuy nhiên, phương pháp sử dụng điện rất tốn kém, trong những tháng úm gà, gia đình tôi thường phải trả khoảng 1 - 1,5 triệu tiền điện/tháng. Còn phương pháp đốt củi, than tổ ong khiến nhiệt phân bố không đều và sinh ra quá nhiều khói trong quá trình đốt, gây ô nhiễm môi trường.
Xuất phát từ điều đó, chị Ánh luôn trăn trở tìm cách cải tiến phương pháp úm gà để tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường. Trong một lần tình cờ thấy cách làm lò sấy thuốc lá thủ công của nông dân xóm Đèo Khê, xã Tân Kim, chị Ánh đã nảy ra ý định sử dụng củi đốt ở bên dưới nền chuồng để sưởi ấm cho đàn gà. Sau khi nghiên cứu tài liệu, chị quyết định kết hợp biện pháp trên với cách làm bếp Hoàng Cầm tạo thành phương pháp làm chuồng úm gà cải tiến.
Theo chị Ánh, kỹ thuật xây chuồng úm gà cải tiến không khác nhiều so với chuồng gà thông thường. Cửa chuồng được mở về hướng Đông Nam nhằm đảm bảo ấm về mùa đông và mát vào mùa hè. Tường được xây cao 1m, cột cao 3,5 - 4m. Dùng lưới mắt nhỏ bao quanh hoặc có thể đóng gỗ, tre, nứa và dùng bạt bao quanh khu chuồng gà để tránh mưa, gió. Trên nền chuồng đào rãnh sâu 0,8m, rộng 0,5m, dài 3 - 4m, bên trong rãnh đặt các ống dẫn nhiệt. Đường ống dẫn nhiệt có thể dùng ống nhựa to, được đặt nghiêng để hút được khói lên phía trên, xây được 7m thì phải đặt đường ống dẫn khói sang ngang 2 bên sườn tường của chuồng gà để khói thoát ra ngoài, không làm ảnh hưởng đến đàn gà.
Sau đó, phủ nền chuồng bằng lần lượt một lớp vữa xi măng, đất và bê tông mỏng. Một cửa (bầu nhiệt) dẫn đến tất cả các ống nhiệt được đặt bên ngoài chuồng gà để đốt nhiên liệu. Nhiên liệu có thể tận dụng từ môi trường xung quanh như: than, củi, mùn cưa, trấu… Tạo nhiệt cho chuồng úm và nuôi gà bằng cách đốt nhiên liệu ở bầu nhiệt. Từ đây, nhiệt sẽ đi theo đường ống toả đều khắp nền chuồng. Nếu muốn điều chỉnh nhiệt độ, có thể sử dụng tấm ván đậy cửa bầu để giảm nhiệt độ hoặc mở cửa bầu để tăng nhiệt độ.
Qua một thời gian sử dụng phương pháp úm gà cải tiến vào chăn nuôi thực tế, chị Ánh nhẩm tính: Phương pháp này giúp gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 60% chi phí so với úm gà bằng bóng đèn điện và giảm hẳn lượng khỏi gây ô nhiễm môi trường so với dùng củi đốt hoặc than tổ ong. Nhiều hộ chăn nuôi trong xóm cũng đã học tập cách xây dựng chuồng úm cải tiến của gia đình tôi. Anh Nguyễn Hữu Mạnh, người chăn nuôi gà ở xóm La Đuốc, xã Tân Kim chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi gà đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, vào mùa đông, đàn gà của gia đình tôi thường bị chết do rét đậm, rét hại kéo dài, có khi thiệt hại đến hàng trăm con. Gia đình tôi thường sử dụng bóng đèn điện để úm gà, tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém và rủi ro cao khi gặp sự cố mất điện. Đầu năm 2015, khi quyết định xây một khu chuồng chăn nuôi gà mới, tôi đã nhờ chị Ánh thiết kế hệ thống chuồng úm gà cải tiến. Sau khi đưa vào sử dụng, phương pháp này cho hiệu quả rất tốt và tiết kiệm chi phí hơn so với phương pháp cũ. Thời gian tới, tôi dự định xây lại toàn bộ chuồng chăn nuôi gà của gia đình và áp dụng phương pháp làm chuồng úm gà cải tiến.
Chị Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình thông tin: Qua một thời gian triển khai trong thực tế chăn nuôi, phương pháp làm chuồng úm gà cải tiến đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực và được nhiều hộ chăn nuôi học tập, làm theo. Chúng tôi đã đề xuất và được Hội Nông dân tỉnh đồng ý với kiến nghị có biện pháp hỗ trợ để nhân rộng mô hình. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang tiến hành khảo sát để lên kế hoạch nhân rộng mô hình hiệu quả này.
Related news
Việc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) cơ bản hoàn thiện công nghệ nhân giống dịch thể để SX nấm ăn và nấm dược liệu được coi là bước đột phá quan trọng của ngành nấm Việt Nam.
Yến - loài chim vốn sống ở vách đá cheo leo dọc các tỉnh miền biển, nay được nhiều người dân ở Tây nguyên đua nhau nuôi, trong đó nhiều hộ đã thành công bước đầu.
Ngày 25-4, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ hành tím tại xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Mỗi tuần kiểm tra, Đài Loan phát hiện từ 1-4 lô chè đen của Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đạt yêu cầu.
Do nguồn cung tăng, giá nấm rơm hiện giảm bình quân khoảng 5.000-7.000 đồng/kg so với các nay 1 tuần và đang ở mức giá thấp hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.