Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Nuôi Dế Thái Lan

Hiệu Quả Từ Nuôi Dế Thái Lan
Publish date: Friday. November 15th, 2013

Ngày nay, các món ăn từ dế đã trở thành đặc sản nhưng nguồn dế tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu. Nắm bắt được xu thế đó, nhiều nông dân trẻ đã tìm tòi và nuôi thành công loài vật này, giúp tăng thu nhập gia đình, có điều kiện vươn lên làm giàu. Anh Trần Quốc Trí (ấp Tân Bình, xã Tà Đảnh, Tri Tôn, An Giang) là một trong số đó.

Anh Trí cho biết, qua tìm hiểu từ mạng internet, học tập kinh nghiệm mô hình ở một số địa phương, tháng 8-2012, anh mua tô trứng dế Thái Lan giá 100.000 đồng, bỏ vô thùng xốp đậy kín nắp khoảng 1 tuần thì nở ra dế con. Một tô trứng bình quân cho ra khoảng 1 kg dế, anh gây nuôi lần đầu tiên xuất bán 17 kg dế sữa với giá 200.000 đồng/kg, thu được 3,4 triệu đồng. Thấy kết quả khả quan, anh tiếp tục nhân giống bằng cách lấy trứng gây nuôi lại và xuất bán dế thương phẩm hàng tháng. Anh Trí kể lại: “Việc nuôi dế nhẹ nhàng, mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, có thể tận dụng sân trước nhà, hành lang hoặc những khoảnh đất trống, chỉ cần che chắn cẩn thận, tránh mưa, tránh nắng là được”.

Mô hình nuôi dế Thái Lan vốn đầu tư không lớn nhưng phải biết nắm bắt kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm cũng như đặc tính sinh trưởng của chúng để tránh hao hụt. Khi dế bắt đầu gáy là đã trưởng thành, anh Trí chọn những con dế to khỏe cho chúng giao phối với nhau. Sau đó, chuẩn bị những khay nhỏ bán kính khoảng 10cm, để vào đó tro ẩm cho dế bò vào đẻ. Bôi nhớt xung quanh bồn để ngăn kiến, côn trùng khác vào ăn trứng. Khoảng 1 ngày quan sát lấy khay ra, dùng bọc ny-lon buộc kín lại, đúng 7 ngày mở bọc ra, đến ngày thứ 8 thì trứng dế nở rộ. “Khi con trống bắt đầu mọc cánh, kêu, kim dày của con cái chuyển sang màu đen thì thích hợp phân đàn cho chúng đẻ. Không nên để mật độ dế sinh sản quá dày, thường theo tỉ lệ 1 con đực, 2-3 con cái, vì dế đực rất hung hăng nên thường sẽ cắn chết “tình địch”” - anh Trí chia sẻ.

Thức ăn của dế cũng rất đơn giản, khoảng 2 tuần đầu sau khi dế nở thì cho chúng ăn lá rau muống đồng, sau đó trộn cám với thức ăn công nghiệp của gà, vịt xoay nhuyễn. Cùng với thức ăn, phải chú ý cho dế uống nước. Khi dế còn nhỏ, chưa trèo được vào khay, có thể phun nước lên cỏ để chúng hút. Hằng ngày, phải thay nước để đảm bảo nước sạch, không nên đổ nước quá nhiều vào khay, dế dễ bị chết đuối. Để tránh hao hụt, theo anh Trí cần nắm những bí quyết: “Trong quá trình nuôi dế lột xác, đây là thời điểm quan trọng nên người nuôi cần quan sát, để sang bớt dế ra các thùng khác, vì khi dế lột xác các chân và cánh bị bó lại, lúc này không thể tự vệ, có nguy cơ là nguồn thức ăn cho những con dế trưởng thành khác. Trong trường hợp này, tỷ lệ hao hụt có thể lên đến 50%”. Với kinh nghiệm đã tích lũy được, anh Trí đã xây thêm 2 bồn xi măng (4m x 10m), thành lập cơ sở cung cấp dế giống, thu mua dế thịt Trí Linh ở thị trấn Tri Tôn. Với 800-900 con sẽ được 1 kg dế trưởng thành. Mỗi tháng, cơ sở anh xuất bán từ 70 – 90 kg dế thương phẩm, với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Ngoài việc cung cấp thị trường trong tỉnh, các vùng lân cận, cơ sở của anh Trí còn thu gom dế thương phẩm xuất sang thị trường Thái Lan từ 200 - 250 kg mỗi tháng.

Không chỉ nuôi dế để tăng giá trị kinh tế, anh Trí còn biết bí quyết làm sạch và chế biến những món ngon từ loài côn trùng này. Anh nói: “Trước khi chế biến nên bỏ đói dế từ 1-2 ngày, lặt cánh, rút ruột, sau đó rửa lại bằng nước ấm. Chế biến các món, như: Dế chiên bột, dế rang muối, dế xào cay, dế kho tiêu,… ăn thì khỏi phải chê”.


Related news

Năm 2015, Khánh Hòa Tiếp Tục Thực Hiện Dự Án “Thu Thập Số Liệu Cá Ngừ Tại Việt Nam” Năm 2015, Khánh Hòa Tiếp Tục Thực Hiện Dự Án “Thu Thập Số Liệu Cá Ngừ Tại Việt Nam”

Cùng với việc khảo sát và đánh giá nguồn lợi hải sản xa bờ, dự án tập trung vào mục tiêu tăng cường sự hiểu biết của mỗi quốc gia trong việc quản lý nghề cá xa bờ, nhất là quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương; góp phần nâng cao trách nhiệm của các nước và các tổ chức trong khu vực để cùng tham gia quản lý nguồn lợi xa bờ.

Monday. March 2nd, 2015
Nuôi Thủy Đặc Sản Thu Nhập Cao Nuôi Thủy Đặc Sản Thu Nhập Cao

Trong thời gian nuôi, cán bộ Trung tâm KN và Trạm Khuyến nông các huyện, TP đã xuống địa bàn thường xuyên để hướng dẫn kỹ thuật và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh về môi trường, dịch bệnh đồng thời đưa ra những kinh nghiệm, những sáng kiến trong nuôi thủy sản để bà con áp dụng nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.

Monday. March 2nd, 2015
Cà Mau Phấn Đấu Tăng Sản Lượng Thủy Sản Cà Mau Phấn Đấu Tăng Sản Lượng Thủy Sản

Bên cạnh mở rộng quy mô, ngành chuyên môn sẽ áp dụng các giải pháp đồng bộ để tăng năng suất tôm nuôi. Đồng thời, kết hợp nuôi đa con trên cùng một đơn vị diện tích. Địa phương có giải pháp bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện phát huy lĩnh vực khai thác biển, nhất là khai thác xa bờ.

Monday. March 2nd, 2015
Thiếu Nguyên Liệu Chế Biến Thủy Sản Xuất Khẩu Thiếu Nguyên Liệu Chế Biến Thủy Sản Xuất Khẩu

Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 150 - 160 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhiều đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài nhưng không dễ thực hiện vì thiếu nguồn nguyên liệu và giá cả không ổn định.

Monday. March 2nd, 2015
Nuôi Gà Siêu Trứng Nuôi Gà Siêu Trứng

Qua 6 tháng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật nên đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ mắc bệnh thấp, trọng lượng bình quân đạt 1,6 kg/con, tỷ lệ sống 95%. Tổng số trứng gà đẻ thu được 1.683 quả (trong 3 tháng), tính giá bán thời điểm nuôi với giá 2.800 đ/quả thì tổng thu là 4.712.400đ.

Monday. March 2nd, 2015