Hiệu Quả Từ Dự Án Cây Có Múi Của JICA
Dự án JICA - SOFRI “Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả cho nông dân nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long” giữa Viện Cây ăn quả miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Dự án thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2014, tại 5 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 98 tỷ đồng. Trong đó, Bến Tre đối ứng 575 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống của người dân từ việc nâng cao năng suất cây có múi trong vùng.
Tại Bến Tre, dự án được triển khai trồng cam sành từ năm 2009 với 24 mô hình, trên diện tích 12ha, với 24 hộ nông dân tham gia tại huyện Mỏ Cày Bắc. Năm 2010, dự án xây dựng 3 mô hình mẫu tại 3 hộ nông dân, diện tích 1,7ha. Năm 2011, giai đoạn 1: xây dựng 11 mô hình tại 11 hộ nông dân, diện tích 5,4ha. Năm 2012, giai đoạn 2: xây dựng 10 mô hình tại 10 hộ nông dân, diện tích 5ha.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương thông qua các lớp tập huấn trong và ngoài nước. Thành lập và đầu tư thiết bị cho bệnh xá cây trồng, đào tạo bác sĩ cây trồng; nâng cao năng lực của bác sĩ cây trồng thông qua các chuyến khám bệnh cây trồng lưu động. Tổ chức hội thảo, tham quan để giới thiệu đầu ra của dự án. Nhân rộng mô hình trồng cây có múi.
Ngoài ra, đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn giới thiệu kinh nghiệm đầu tư của dự án tại các mô hình trong tỉnh, thu hút 228 nông dân tham gia. Tổ chức 9 chuyến tham quan các mô hình của dự án trong và ngoài tỉnh cho 310 lượt cán bộ và nông dân. Tiếp các đoàn cán bộ, nông dân tham quan của các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Các mô hình của dự án được chính quyền địa phương quan tâm và nông dân nhiệt tình tham gia.
Ban Quản lý dự án tỉnh thực hiện tốt công tác chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia JICA và cán bộ Viện Cây ăn quả miền Nam trong triển khai thực hiện dự án, thường xuyên thăm mô hình hướng đến nông dân chăm sóc vườn cây, nhiệt tình hỗ trợ khi nông dân gặp khó khăn, vướng mắc.
Ban Quản lý dự án JICA đầu tư cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ, kịp thời. Nông dân thực hiện mô hình mẫu trồng cây có múi ở vùng dự án tiếp nhận những kiến thức và kỹ năng cần thiết về kỹ thuật canh tác hiệu quả cây cam sành. Năng suất cây cam sành do nông dân áp dụng phương pháp mới tăng 30% so với các hộ nông dân không áp dụng.
Bên cạnh đó, dự án còn gặp không ít khó khăn. Do xây dựng mô hình ở gần một số diện đất liền trồng cây có múi theo phương pháp truyền thống, nên khó quản lý tốt rầy chổng cánh. Một số nông dân tham gia mô hình còn chủ quan, chưa tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của dự án, khai thác trái quá nhiều trong khi cây còn nhỏ khiến cho cây mau suy kiệt. Một số vườn bị nhiễm bệnh do áp lực bệnh từ những vườn chung quanh.
Để dự án phát huy hiệu quả trong thời gian tới, cần sự quan tâm sâu sát của Ban Quản lý dự án từ Trung ương đến địa phương. Đây sẽ là nhân tố chủ yếu, quan trọng dẫn đến sự thành công. Ngoài ra, nông dân phải cần cù, chịu khó, siêng năng, ham thích học hỏi và có kiến thức trong canh tác và quản lý sâu bệnh có múi; phải có công lao động chăm sóc vườn.
Cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ mô hình nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện mô hình. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt mô hình đang thực hiện. Triển khai thực hiện dự án “Nhân rộng kỹ thuật trồng cây có múi JICA trên cây bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre” với diện tích 30ha từ nguồn kinh phí khoa học.
Tăng cường tập huấn kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật và nông dân. Tiếp tục duy trì hoạt động của bệnh xá cây trồng tại điểm cố định và lưu động; hàng quí tổ chức họp định kỳ để các bác sĩ cây trồng trao đổi kinh nghiệm trong quá trình khám và điều trị bệnh cho cây trồng, nâng dần chất lượng phục vụ nông dân.
Related news
Nếu như ở các nước Brazil, Thái Lan… trong canh tác mía, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 80 - 90% thì tại Việt Nam, tỉ lệ cơ giới hóa hiện chỉ ở mức 10 - 20%, chủ yếu ở khâu làm đất.
Cùng với hệ thống sông, suối do thiên nhiên ban tặng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có rất nhiều ao, hồ, đập, nhất là hồ chứa của hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi chính là nguồn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; từng bước nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đối với khai thác, sau thời gian biển động, thời tiết trên các vùng biển tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác, hải sản xuất hiện nhiều ngay từ đầu mùa vụ mới nên ngư dân các địa phương đã đồng loạt ra khơi.
Như vậy, để được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, các vùng nuôi cá da trơn của Việt Nam phải nâng cấp để đạt tiêu chuẩn giống như các vùng nuôi cá hiện nay ở Mỹ đang áp dụng.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhiều chủng virus cúm gia cầm đang bùng phát, gây bệnh trên gia cầm và lây lan sang người, đang có nguy cơ lây lan, đe dọa tới ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân trong nước.