Hiệu Quả Mô Hình Đội Chuyên Khâu Theo Nước Ở Phương Hải

Đến Phương Hải (Ninh Hải) khi bà con đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè-thu, chúng tôi phải ra tận giữa cánh đồng Cây Trôm mới tìm gặp được lão nông Nguyễn Giới, Đội trưởng Đội chuyên khâu theo nước của xã Phương Hải. Ông cho biết, đang vào vụ gặt nhưng mấy hôm nay trời mưa liên tục nên các thành viên phải bám đồng, kịp thời tháo nước cho bà con, đặc biệt là những ruộng lúa bị đổ ngã hoặc còn chưa chín đều.
Đội chuyên khâu theo nước của xã Phương Hải được thành lập từ năm 1979, ông Nguyễn Giới là thành viên lâu năm nhất và cũng là đội trưởng đã được 34 năm. Đội hiện có 19 thành viên, tham gia trên tinh thần tự nguyện và được nhân dân bầu chọn. Mỗi thành viên phụ trách khoảng 15-20 ha, có trách nhiệm điều tiết nước cho diện tích lúa mình phụ trách, theo dõi dịch bệnh, thông báo lịch thời vụ trên địa bàn xã. Kết thúc mỗi vụ, mỗi thành viên đội chuyên khâu được chủ ruộng trả 10kg lúa/sào. “Được bà con tín nhiệm thì chúng tôi phải có trách nhiệm với công việc, coi ruộng lúa của bà con như ruộng nhà mình” – Ông Giới chia sẻ.
Anh Phạm Dũng, một thành viên khác của Đội cho biết thêm: Công việc không có gì vất vả nhưng cũng đòi hỏi sự tận tâm, trách nhiệm. Đặc biệt, vào những đợt hạn hán kéo dài, đồng thiếu nước thì phải bám ruộng cả đêm, thậm chí là ngủ lại ngoài đồng để theo nước, làm sao cho diện tích ruộng mình phụ trách có nước đồng đều, không làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Ngoài việc điều tiết nước phù hợp, Đội chuyên khâu theo nước còn có nhiệm vụ theo dõi để kịp thời thông báo cho bà con phun thuốc phòng trừ dịch bệnh. Những thành viên của Đội được bà con tín nhiệm bầu chọn cũng là những người có kinh nghiệm và sản xuất giỏi. Những lời khuyên, như: phun loại thuốc gì, bón phân nào, thời điểm, liều lượng ra sao… luôn được bà con tin tưởng nghe theo.
Anh Thái Quang Vũ, thôn Phương Cựu 1, cho biết: Gia đình tôi hiện canh tác trên 1 ha lúa, mỗi vụ đều có thành viên đội chuyên khâu theo nước của xã theo dõi điều tiết nước nên tôi rất yên tâm, nhất là vào những ngày hạn hán hay mỗi khi có dịch bệnh trên lúa, đều được kịp thời báo để phun thuốc phòng trừ. Có thành viên đội chuyên khâu theo nước, bà con trong thôn cũng không giành nhau theo nước, gây mất đoàn kết”.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình Đội chuyên khâu theo nước của Phương Hải, nhiều xã trên địa bàn huyện Ninh Hải như Tân Hải, Hộ Hải… cũng đã học tập và thành lập các đội dẫn thủy nông. Hy vọng rằng, mô hình này sẽ còn được nhân rộng hơn nữa, giúp nông dân sản xuất lúa đạt hiệu quả hơn.
Related news

Với kiểu khai thác tận diệt, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản ở khu vực này cũng đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngoài nguyên nhân người đánh bắt dùng xuyệt, lưới rùng, đánh thuốc để bắt theo kiểu tận diệt thì tình trạng sử dụng thuốc hóa học bừa bãi trên đồng ruộng đã khiến cho môi trường sống của các loài thủy sinh bị ô nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh này.

Tuy là chủ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại nhưng công việc thường xuyên của ông Mai Thăng Long là gặp gỡ nông dân, làm việc ngay tại các ruộng lúa. Hiện Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (TP.Biên Hòa) của ông Long đang đầu tư cho nông dân xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho bà con với giá cao hơn thị trường.

Cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền bảo vệ, bổ sung nguồn lợi thủy sản, các địa phương và cơ sở sản xuất đã tăng cường các biện pháp cải tạo ao nuôi, sửa chữa lồng, bè, thuyền và thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh thủy sản ổn định. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.450 thuyền các loại hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và có 4.700 lao động làm nghề thủy sản.

Ngày 1/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật kết hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hội thảo khoa học đánh giá thực trạng, diễn biến tình hình bệnh tôm ở tỉnh Cà Mau và đề xuất biện pháp khắc phục.