Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Là huyện thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây lúa và mía là hai loại cây trồng chủ lực của địa phương. Những năm trước đây, do sử dụng những giống vật nuôi, cây trồng truyền thống nên năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân chưa cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng giá cả thị trường nên nguồn thu nhập của người dân rất bấp bênh, cuộc sống đầy khó khăn.
Tuy nhiên, khoảng vài năm gần đây, thực hiện đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững, nhất là Đề án 1.000 của ngành nông nghiệp tỉnh được triển khai từ tháng 8-2014 đến nay, nền sản xuất nông nghiệp của Phụng Hiệp có bước đột phá đáng kể.
Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Phụng Hiệp đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng giảm dần các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, địa phương đang khuyến khích người dân ở những vùng trũng, điều kiện sản xuất khó khăn như ở các xã Hòa An, Phương Bình, Hòa Mỹ,… sẽ chuyển từ cây mía sang những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Mục tiêu đề ra của Phụng Hiệp là chỉ giữ khoảng 6.500ha mía nằm trong vùng nguyên liệu, có đê bao kiên cố, giảm hơn 1.000ha so với diện tích hiện tại”.
Một trong những mô hình đang được người dân áp dụng mạnh mẽ là chuyển đổi những ruộng mía kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, mà điển hình là cây cam sành, cam xoàn đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Chỉ tay về phía vườn cam sành rộng hơn 1,5ha chuẩn bị cho thu hoạch, ông Lai Văn Cường, một trong những nông dân tiền phong trong việc chuyển đổi cây trồng ở ấp Mỹ Hiệp B, thị trấn Cây Dương, thông tin: “Hơn 3 năm trước, khu vườn này là cánh đồng mía, tuy nhiên, do nguồn thu nhập bấp bênh nên gia đình quyết định bỏ mía chuyển sang cây cam sành. Sau 3 năm trồng, vụ rồi gia đình thu hoạch được 14 tấn trái chiếng, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Riêng vụ này, khoảng 40 tấn cam đang chuẩn bị thu hoạch, với giá 23.000 đồng/kg như hiện nay, ước tính sẽ có nguồn lợi nhuận trên 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây mía”.
Cũng theo ông Cường, do nơi đây là vùng trũng, thường xuyên bị ngập nước nên việc canh tác mía của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được chính quyền địa phương vận động và thấy một vài hộ trồng cây ăn trái có hiệu quả, dần dần bà con nơi đây đã lên liếp trồng cây ăn trái khá nhiều và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
Hiện nay, ngoài cây cam sành, cây cam xoàn cũng được bà con trên địa bàn huyện Phụng Hiệp chọn trồng khá nhiều để thay thế vườn cây kém hiệu quả. Thực tế, khoảng 4 năm gần đây, cây cam xoàn dần trở thành là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Theo đánh giá của bà con, giá cam xoàn luôn biến động theo chiều hướng tăng nên hiệu quả kinh tế đạt gần 1 tỉ đồng/ha/năm. Ông Võ Văn Đê, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cam xoàn Phương Phú, cho hay: “Tổng diện tích cam xoàn trong HTX là 10ha. Không ít thành viên của HTX chỉ qua vài vụ bán trúng giá đã trở nên khá giàu. Chính vì vậy mà nhiều hộ mê loại trái cây này, đăng ký tham gia HTX để thay đổi cuộc sống”.
Ông Trần Trung Bình, Chủ tịch UBND xã Phương Phú, phấn khởi nói: “Từ đầu năm đến nay, nông dân trong xã đã tích cực cải tạo vườn tạp, trồng mới các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ thay vườn tràm bằng cam xoàn, cây cam cũng xanh um trên đất mía. Nếu địa phương được chọn để thực hiện đề án phát triển vùng sản xuất cam xoàn thì thời gian tới, người dân Phương Phú càng giàu hơn, công tác xây dựng và nâng chất xã nông thôn mới Phương Phú bền vững hơn”.
Song song với việc phát triển vườn cây ăn trái, nhiều mô hình chuyển đổi khác cũng đang được người dân trên địa bàn huyện áp dụng, như: mô hình “2 lúa 1 bắp”, “2 lúa 1 thủy sản”… Để thay đổi cách nghĩ, cách làm nhằm có những mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả, những năm qua, các ngành chức năng của huyện Phụng Hiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, Phụng Hiệp cũng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các cây con, giống mới vào sản xuất; chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện.
Mặt khác, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáng kể.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Phụng Hiệp thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt trên 21,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 13%. Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện Phụng Hiệp tiếp tục tập trung rà soát, mở rộng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tuân thủ các cam kết, quy trình trong sản xuất; đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp... tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với thị trường hàng hóa, dịch vụ, có đầu ra ổn định cho nông dân”.
Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, Phụng Hiệp đã thực sự thu được những bước tiến lớn trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; mở ra nhiều cơ hội để huyện Phụng Hiệp nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt, từng bước giúp các xã xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Related news
Sản xuất nông nghiệp ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hình thành 2 khu vực cây trồng chính: Lúa nước tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Hải, Tân Hải, Hộ Hải và Phương Hải, với diện tích 2.200ha; hành, tỏi, rau màu trồng nhiều ở Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải.
Thời gian qua, rất nhiều hộ nông dân ở phường 7, nơi có diện tích trồng hành tây lớn nhất Đà Lạt đã phải đem hành đổ vì thời gian trữ trong kho chờ tăng giá quá lâu dẫn đến nông sản này bị hư hỏng, nảy mầm.
Chiều 15/6, tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn. Tham dự buổi lễ có tiến sĩ Ignazio, chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT); tiến sĩ Bùi Xuân Phong, Phó phòng Quản lý sinh vật hại rừng Cục Bảo vệ Thực vật; tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT.
Chiều 15/6, tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn. Tham dự buổi lễ có tiến sĩ Ignazio, chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT); tiến sĩ Bùi Xuân Phong, Phó phòng Quản lý sinh vật hại rừng Cục Bảo vệ Thực vật; tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT.
Sau cơn mưa lớn vào tối 13.6, nhiều nông dân trồng mì trên đất ruộng đã phải hối hả nhổ mì để chạy mưa do sợ mì bị thối củ.