Hiệu quả kinh tế từ cánh đồng tôm mẫu
Mô hình cánh đồng tôm mẫu nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến được Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải phối hợp với xã Long Điền thực hiện thí điểm vào tháng 4/2014 (tại ấp Thạnh I), có 45 hộ đăng ký tham gia với tổng diện tích 37ha. Để mô hình cánh đồng tôm mẫu phát huy hiệu quả, ngay từ những ngày đầu triển khai, Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Theo đó, các hộ nằm trong vùng thực hiện mô hình trước khi thả giống đều tuân thủ các công đoạn bắt buộc như: phơi khô mặt đáy ao và xử lý bằng vôi, lấy nước qua hệ thống ống lược để tránh cá tạp, xử lý nguồn nước bằng chế phẩm vi sinh trước khi xuống giống, mật độ thả nuôi 2 con/m2… Riêng về con giống, Phòng NN&PTNT huyện lấy mẫu từ các trại tôm giống đi xét nghiệm và chọn nguồn giống có chất lượng để cung cấp cho hộ nuôi.
Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện còn hướng dẫn bà con cách đánh giá, theo dõi quá trình phát triển của tôm để xây dựng nhật ký vùng nuôi, làm cơ sở so sánh hiệu quả kinh tế với hình thức nuôi cũ. Đồng thời, Phòng cũng hỗ trợ miễn phí chế phẩm vi sinh cho bà con sử dụng.
Nhờ thực hiện đúng quy trình sản xuất cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi nên sau 3 tháng, tôm nuôi đạt kích cỡ 15 - 20 con/kg. Do nằm trong vùng nuôi tôm nguyên liệu sạch nên thương lái mua với giá 230.000 - 245.000 đồng/kg (cao hơn so với tôm nuôi ngoài mô hình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg). Sau 3 tháng nuôi, lợi nhuận bình quân của các hộ nằm trong vùng nuôi thí điểm đạt 18 triệu đồng/ha. Cá biệt có hộ lãi từ 40 - 60 triệu đồng/ha.
Ông Võ Thanh Dân (ấp Thạnh I, xã Long Điền) chia sẻ: “Trước khi áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (như hiện nay), tôm nuôi của tôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh và chết rất nhiều. Nhờ thực hiện mô hình này nên việc nuôi tôm thuận lợi, tôm nuôi không còn thiệt hại như trước, cho người nuôi thu nhập ổn định”.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình quảng canh cải tiến nên nhiều người không nằm trong vùng nuôi thí điểm cũng áp dụng theo quy trình kỹ thuật nuôi mới này, và cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ thu nhập ổn định từ con tôm, nhiều hộ nằm trong vùng nuôi thí điểm còn nuôi cùng lúc nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cua, sò huyết… giúp tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, đánh giá: “Mô hình cánh đồng mẫu tôm nuôi quảng canh cải tiến là một trong những mô hình kinh tế điển hình để huyện tiếp tục nhân rộng. Áp dụng mô hình này vào sản xuất sẽ giúp bà con nắm bắt cách ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời, đây cũng là “bước đệm” để huyện Đông Hải hướng đến xây dựng vùng tôm nuôi nguyên liệu sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu thủy sản”.
Related news
Đến xã Giao Thiện (Giao Thuỷ - Nam Định) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi động chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân nơi đây. Anh Trần Văn Nguyên ở xóm Tân Hồng phấn khởi cho biết, gia đình anh đang lắp đặt các quạt đảo nước tạo ô-xy cho các ao nuôi để kịp thả tôm giống.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1/8/2011 đến 31/7/2012 (POR 9) đối với phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu từ 8-9 tỉ đô la Mỹ, đóng góp 30-35% tổng sản lượng nông nghiệp. Tuy vậy, ngành này vẫn đang đối diện với vấn đề tổn thất sau thu hoạch cao do khoa học công nghệ chưa cải tiến.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, con bò sữa đang được người dân xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) lựa chọn. Có thể nói, con bò sữa đang mở hướng làm giàu cho người dân nơi đây, nhưng, để đàn bò phát triển bền vững thì còn nhiều khó khăn, thử thách.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, tính đến ngày 25.3, tổng diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng trên địa bàn tỉnh gần 613 ha; trong khi đó, vào tháng 1 và 2, diện tích mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng là 301,4 ha. Như vậy, chỉ trong một tháng đã có trên 300 ha mì bị rệp sáp bột hồng tấn công.