Hiệu Quả Kinh Tế Mô Hình Dưa Hấu Mặt Trời Đỏ Không Hạt

Vụ Xuân 2013, Trạm Khuyến nông Việt Yên phối kết hợp với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Syngenta Việt Nam và UBND xã Tự Lạn xây dựng mô hình trồng dưa hấu mới với quy mô 2,7 ha tại thôn Tân Lập. Mô hình được trồng bằng giống dưa Mặt trời đỏ, Phù Đổng và giống K09 làm đối chứng.
Ngay từ đầu vụ, Trạm khuyến nông đã phối hợp với các công ty tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa hấu Mặt trời đỏ không hạt và một số giống dưa hấu mới. Trạm Khuyến nông cử cán bộ thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật. Mô hình áp dụng trồng theo hai phương pháp: Trồng giàn và trồng bò trên mặt ruộng. Mật độ trồng 400 cây/sào; hàng cách hàng 2,5-2,7m, cây cách cây 35-40cm; làm luống rộng 2,7-3m, cao 30-40cm. Mặt luống phủ nilon nhằm hạn chế cỏ dại, tránh mưa và giữ ẩm thường xuyên cho cây (áp dụng cho phương pháp trồng bò). Đối với phương pháp trồng làm giàn thì mật độ trồng 600 cây/sào, trồng hàng đơn, cây cách cây 30-35cm; làm luống rộng 70-80cm, cao 30-40cm và phủ nilon. Trong quá trình chăm sóc cả hai phương pháp, nông dân đều phải thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như: Bón phân, làm cỏ, ngắt ngọn, định vị ngọn, chọn hoa, lấy phấn, tuyển quả và phòng trừ sâu bệnh. Riêng với phương pháp trồng giàn cần phải làm giàn và buộc dây đỡ quả.
Thực tế cho thấy, vụ Xuân năm nay diễn biến thời tiết không thuận lợi cho các cây mầu sinh trưởng và phát triển. Tỷ lệ nảy mầm của giống dưa hấu Phù Đổng cao nhất đạt 98%, hai giống Mặt trời đỏ và K09 là tương đương nhau từ 87-90%. Hai giống dưa Mặt trời đỏ và Phù Đổng đều được gieo, trồng cùng thời điểm, còn giống đối chứng K09 trồng đại trà được gieo, trồng sau khoảng từ 6-7 ngày nhưng đến khi thu hoạch lại cho thu cùng và có phần sớm hơn. Điều này cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống Mặt trời đỏ dài hơn giống Phù Đổng từ 4-6 ngày và dài hơn giống K09 từ 9-10 ngày. Qua đánh giá của người dân cho thấy: Phương pháp trồng bò của hai giống dưa cho năng suất tương đương nhau. Riêng giống dưa Mặt trời đỏ trồng theo phương pháp làm giàn cho năng suất khoảng 170 quả/sào; trọng lượng quả trung bình là 3,6 kg, cao hơn giống Phù Đổng và K09 là 0,6 kg/quả. Năng suất thu được đối với giống Mặt trời đỏ trồng giàn thu được trên 2 tấn quả/sào, trồng theo phương pháp bò đạt khoảng 1,4 tấn quả/sào, còn lại giống Phù Đổng và K09 năng suất chỉ đạt 1,2 tấn quả/sào. Ước tính hiệu quả kinh tế của 1 sào giống dưa Mặt trời đỏ và dưa Phù Đổng lãi từ 11-14 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí sản xuất, cao hơn giống đối chứng từ 1,5-2 lần.
Đây là năm đầu tiên hai giống dưa Mặt trời đỏ và giống dưa Phù Đổng được trồng trên địa bàn huyện Việt Yên nhưng đã bước đầu khẳng định được tiềm năng về năng suất và hiệu quả kinh tế.
Related news

Được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, những năm qua, một số thôn, bản trên địa bàn xã miền núi Trường Sơn nói chung và bản Trung Sơn nói riêng đã phát triển chăn nuôi lợn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Vân Kiều.

Mới khởi nghiệp được khoảng 6 năm nhưng mô hình nuôi ba ba đã giúp gia đình anh Đinh Công Thủ, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân trở thành triệu phú. Mà không chỉ có gia đình anh Thủ, hiện nay có rất nhiều hộ nuôi ba ba ở Thạnh Xuân cũng “phất” lên từ con ba ba.

Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.

Trong những năm qua phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Yên. Gia đình anh Phạm Văn Hậu ở bản Sáo xã Xuân Hòa (Bảo Yên- Lào Cai) là một điển hình, nhờ phát triển kinh tế trang trại mà kinh tế gia đình anh không ngừng được nâng lên.

Câu lạc bộ (CLB) trồng lúa ấp Long Hòa B, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tuy mới thành lập trên năm nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. CLB được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các thành viên và được sự trợ giúp về kỹ năng sinh hoạt nhóm và sự hướng dẫn kỹ trồng lúa an toàn của Công ty Bayer Việt Nam.