Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gió Mới Ở Làng Nghêu Đất Mũi

Gió Mới Ở Làng Nghêu Đất Mũi
Publish date: Friday. October 4th, 2013

Sau ngày chính quyền địa phương hợp nhất 16 hợp tác xã (HTX) ở làng nghêu Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) thành một, những người điều hành hoạt động khai thác nơi bãi bồi ven biển ấy có cách làm hoàn toàn mới mẻ…Từ đó, việc khai thác nguồn lợi thủy sản ở ven bãi cạn này không còn bị xáo trộn.

* Hợp nhất

Hơn 3 tháng trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đứng ra tổ chức Đại hội xã viên hợp nhất 16 HTX nuôi nghêu tại Đất Mũi thành 1 HTX, lấy tên chính thức là HTX nuôi nghêu Đất Mũi. Đây là sự kiện quan trọng với những người sống dựa vào tài nguyên rừng và biển tại mũi đất xa xôi tận cùng cực Nam Tổ quốc. Bởi sau ngày hợp nhất, những người điều hành HTX đã biết gắn kết các xã viên trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm hưởng lợi từ sản vật trời ban…

HTX nuôi nghêu Đất Mũi mới hợp nhất có 13 thành viên trong Hội đồng quản trị, đã thông qua quy chế hoạt động, quy chế tài chính và phương thức tổ chức sản xuất nhiệm kỳ 2013-2017. HTX hoạt động nhằm cải thiện thu nhập, đời sống nhân dân vùng bãi bồi, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không đất sản xuất tại địa phương. "Kim chỉ nam" hành động vì dân nghèo ấy đã tháo gỡ được những bất đồng, xung đột tồn tại dai dẳng trong nhiều năm liền tại vùng nghêu Khai Long, được hầu hết xã viên của HTX nuôi nghêu Đất Mũi đồng tình, ủng hộ. Sau ngày hợp nhất không lâu cũng là thời điểm bãi nghêu Khai Long xuất hiện nghêu giống. Để tránh tình trạng khai thác bát nháo, tranh giành như những năm trước, HTX nuôi nghêu Đất Mũi in trên 1.200 thẻ để cấp phát cho các xã viên khi vào khu vực bãi bồi khai thác. Cùng với đó, HTX này cử 13 thành viên trong Hội đồng quản trị từng ấp tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng và xã viên khai thác theo đúng khu vực đã quy định.

Nhờ có cách bố trí khai thác bài bản mà xã viên nghèo ai cũng có thu nhập ổn định nhờ khai thác nghêu giống, không xảy ra nạn tranh giành khu vực khai thác nghêu như những năm trước, tình hình an ninh trật tự vùng bãi bồi Khai Long khá ổn định, nạn xâm hại vùng nuôi nghêu thịt trong mùa nghêu 2012-2013 này được hạn chế triệt để - ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi, cho biết.

Ngoài tổ chức cho xã viên nghèo khai thác nghêu giống, có thêm thu nhập, vụ nghêu 2012-2013, HTX nuôi nghêu Đất Mũi cũng khoanh vùng và thả nuôi hàng chục tấn nghêu giống trên hiện tích hàng chục héc- ta. Theo ông Lê Vũ Sánh, Giám đốc HTX nuôi nghêu Đất Mũi, nghêu nuôi hiện phát triển tốt, dự kiến thu hoạch thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán 2014. "Mặt được lớn hơn là vụ nuôi năm nay không bị kẻ xấu quấy phá vì cộng đồng xã viên tuần tra, canh giữ tốt" – ông Sánh vui mừng cho biết.

* Giảm nghèo bền vững từ con nghêu

Mưa dầm hàng năm là thời điểm nghêu giống xuất hiện tại bãi bồi Đất Mũi. Nguồn lợi ấy kéo dài khoảng hơn 3 tháng. Thời gian này, dòng người không đất, hộ đồng bào dân tộc di dân tại Đất Mũi và vùng lân cận hè nhau tranh giành khai thác, không chỉ làm mất an ninh trật tự mà nghêu giống tiêu thụ còn bị thương lái ép giá. Sau khi hợp nhất, HTX không chỉ khoanh vùng nuôi nghêu, được khai thác nghêu giống mà còn tổ chức ương nghêu cám trở thành nghêu giống, bán giá cao. Nguồn thu ấy được chia đều cho các xã viên theo tỷ lệ góp vốn. Anh Sơn Minh Tiến, xã viên HTX nuôi nghêu Đất Mũi, cho biết: "Được làm công khai như bây giờ không còn gì sướng bằng. Dù lượng nghêu giống giảm hơn năm trước nhưng vụ nghêu giống vừa rồi, tôi kiếm được hơn 20 triệu đồng từ việc cào và ương nghêu. Có cái ăn, chúng tôi càng ra sức bảo vệ vùng nghêu thịt của HTX không cho kẻ xấu xâm phạm".

Thấy được việc quản lý minh bạch, công khai, hiệu quả thiết thực từ HTX mới hợp nhất nên ngày càng có đông hộ nghèo xin vào HTX nuôi nghêu Đất Mũi. Nhờ đó, HTX này từ 1.200 xã viên lúc mới thành lập nay tăng lên thêm hơn 200 xã viên nữa. Để hoạt động HTX này ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, theo ông Sánh, trong hoạt động khai thác giống, đơn vị của ông sẽ thành lập tổ, đội theo từng ấp, từng tổ tự quản, ưu tiên xã viên khai thác giống nghêu là những hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo không đất sản xuất. Đơn vị của ông Sánh cũng quy định cụ thể thời gian, phạm vi, kích cỡ khai thác theo mùa. "Xã viên nghèo khai thác nghêu giống sẽ được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm lao động của mình. Về lâu dài, nếu tổ chức sản xuất tốt, con nghêu thịt và nguồn lợi nghêu giống Đất Mũi sẽ giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo bền vững" – ông Sánh, khẳng định.

Trong những ngày tháng 9 này, HTX nuôi nghêu Đất Mũi khẩn trương đóng mốc vùng nuôi, xây dựng thêm chòi canh, rào chắn… để chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2013-2014. Phần việc được chia đều cho các xã viên, không ai so bì. Không lâu nữa, vùng nuôi nghêu này sẽ đi vào sản xuất ổn định và mở rộng khu vực khoanh nuôi. Họ cũng không sợ bị cạnh tranh nữa. Bởi mùa thu hoạch nghêu thương phẩm ở Đất Mũi thường từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau. Theo ông Sánh, thời gian này nghêu Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh hết mùa (nghêu Cần Giờ sau tháng 10 nếu không thu hoạch sẽ tự chết), còn con nghêu ở Gò Công, Tiền Giang thì gặp nạn nước đổ từ thượng nguồn, nghêu Miền Bắc chịu thời tiết lạnh nên chất lượng thịt sẽ giảm. Đây cũng là lợi thế để con nghêu Đất Mũi trụ vững với đầu ra ổn định.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nhận xét: Hợp nhất chưa lâu nhưng HTX nuôi nghêu Đất Mũi đã ổn định tổ chức, điều hành minh bạch hơn trước rất nhiều, không chỉ tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân nghèo xã Đất Mũi mà còn khai thác nguồn lợi nghêu giống hiệu quả gắn với việc duy trì và phát triển nguồn lợi thiên nhiên bền vững, ổn định tình hình trật tự trị an tại địa phương.

HTX nuôi nghêu Đất Mũi chịu trách nhiệm quản lý, khai thác có hiệu quả bãi nghêu rộng 3.000ha (từ kinh Ô Rô đến Rạch Mũi, xã Đất Mũi). Trong đó, khoảng 600ha là vùng nuôi nghêu thương phẩm, diện tích còn lại để khai thác nghêu giống. Ngoài ra, HTX còn tổ chức ương, bán nghêu giống và bao ví nuôi nghêu thương phẩm. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên được thành lập, HTX đầu tư trên 17 tỉ đồng (cả vốn tự có, vốn vay và vốn liên kết) để khoanh nuôi trên 100ha nghêu thương phẩm – ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi, cho biết.


Related news

Cá linh non đầu vụ giá cao Cá linh non đầu vụ giá cao

Hơn tuần nay ở các huyện biên giới An Giang và Đồng Tháp đã xuất hiện cá linh non đầu mùa, đặc sản vùng sông nước miền Tây một năm xuất hiện một lần.

Wednesday. August 19th, 2015
Giải pháp hạn chế trái cây dội chợ Giải pháp hạn chế trái cây dội chợ

2 năm qua, các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang Vĩnh Long và Tiền Giang đã hình thành được chuỗi liên kết trong việc tổ chức sản xuất rải vụ cho vườn xoài theo hướng an toàn.

Wednesday. August 19th, 2015
Vùng chuyên canh ớt xuất khẩu Vùng chuyên canh ớt xuất khẩu

Xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo được coi là “thủ phủ” chuyên canh cây ớt 2 vụ/năm của tỉnh Tiền Giang với hơn 350 ha.

Wednesday. August 19th, 2015
Sản xuất chè an toàn đòi hỏi cấp thiết Sản xuất chè an toàn đòi hỏi cấp thiết

Nhằm tạo ra cơ chế vận hành, thống nhất các giải pháp để tổ chức sản xuất và chế biến chè an toàn, ngày 19/8, tại Thái Nguyên, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị phát triển sản xuất chè an toàn

Wednesday. August 19th, 2015
Trộm cắp hoành hành nông thôn tiêu tặc hoạt động công khai Trộm cắp hoành hành nông thôn tiêu tặc hoạt động công khai

Giá tiêu tăng chóng mặt, lúc cao điểm lên đến 230.000 đồng/kg khiến nhu cầu về giống tăng cao, nạn trộm cắt dây tiêu về bán giống vì thế ngày càng nở rộ.

Wednesday. August 19th, 2015