Hiệu Quả Chăn Nuôi Vỗ Béo Bò Ở Lao Bảo (Quảng Trị)
Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.
Sử dụng nguồn thức ăn thô xanh sẵn có và kết hợp bổ sung khẩu phần thức ăn tinh để vỗ béo bò là một trong những cách chăn nuôi mang lại hiệu quả khá cao trên địa bàn thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị). Mô hình này đang được nhân rộng sang các xã của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Là một thị trấn giáp biên giới, những năm trước đây, Lao Bảo có nhiều hộ dân sống bằng nghề buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới về nội địa. Do nghề nghiệp không ổn định nên cuộc sống của người dân bấp bênh.
Trong khi đó, nhiều diện tích đất đai bỏ hoang không được đầu tư khai thác để phát triển kinh tế nông nghiệp. Trước thực trạng này, để góp phần phòng chống buôn lậu và giúp dân phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, trên cơ sở lợi thế về đất đai, địa hình, thị trấn Lao Bảo đã xác định hướng đầu tư sản xuất nông nghiệp là chăn nuôi gia súc thâm canh.
Thị trấn đã tổ chức lớp tập huấn, mời cán bộ kỹ thuật về chuyển giao kỹ thuật vỗ béo bò cho nông dân, tổ chức cho nông dân đi tham quan thực tế tại những địa phương chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao… từ đó, giúp người dân trên địa bàn dễ dàng hơn khi triển khai mô hình vỗ béo bò. Đến nay, toàn thị trấn có 12 hộ gia đình nuôi bò vỗ béo với quy mô trang trại.
Gia đình anh Lê Văn Ánh ở thị trấn Lao Bảo sau 2 năm thực hiện vỗ béo bò ở quy mô nhỏ thấy rõ hiệu quả nên đến nay anh mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi bò vỗ béo thành trang trại. Anh Ánh cho biết: “Nuôi bò vỗ béo là mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả, vừa tận dụng được các nguồn nguyên liệu sẵn có để làm thức ăn, vừa đem lại lợi nhuận cao chỉ trong thời gian ngắn”. Thấy rõ hiệu quả như vậy nên anh tích cực thu gom bò gầy trên địa bàn về nuôi vỗ béo trong một thời gian ngắn rồi bán. Hiện tại trang trại của anh Ánh đang nuôi 45 con và đang tiếp tục mở rộng đến khoảng 200 con.
Chính quyền thị trấn Lao Bảo cũng tăng cường chỉ đạo nông dân phát triển nhân rộng mô hình vỗ béo bò thành sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường nội và ngoại tỉnh, góp phần hạn chế tình trạng bò nhập lậu diễn ra phức tạp trên địa bàn. Đầu tư nuôi bò vỗ béo với quy mô trang trại đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng nhận thấy lợi nhuận từ mô hình này, nhiều gia đình đã mạnh dạn trong đầu tư mở rộng.
Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò vỗ béo phụ thuộc vào các yếu tố như giá trị bò mua vào, bán ra; chi phí thức ăn; thời gian nuôi, chi phí chuồng trại. Cần tận dụng các loại phụ phẩm, tăng cường chế biến thức ăn để hạ thấp giá thành sản phẩm. Thời gian nuôi vỗ béo thường từ 2 - 4 tháng.
Chi phí vỗ béo khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/con. Sau thời gian khoảng 3 tháng vỗ béo, bò tăng trọng khoảng 90 kg/con cho giá trị khoảng 9 triệu đồng/con (giá trị phần tăng thêm trọng lượng của bò). Trừ các khoản chi phí lãi từ 6,5 - 7 triệu đồng/con (trong 3 tháng).
Tất cả các loại bò không sử dụng vào mục đích sinh sản, cày kéo đều có thể đưa vào vỗ béo. Tuy nhiên, không chọn con quá già, mắc bệnh. Nếu bò bị bệnh thông thường phải điều trị khỏi bệnh trước khi đưa vào vỗ béo. Để vỗ béo bò đạt hiệu quả cao cần chú ý đến các yếu tố như: Các giống bò lai phát triển nhanh hơn các giống bò địa phương; bò đực tăng trọng nhanh hơn bò cái; bò càng già hiệu quả vỗ béo càng thấp; bò trẻ nhưng có thể trạng gầy, khung xương to cho hiệu quả vỗ béo cao hơn bò có thể trạng béo.
Trước khi đưa vào vỗ béo bò phải tẩy nội, ngoại ký sinh trùng. Đối với ngoại ký sinh trùng như ve, rận, ruồi, sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt lực rộng như Neuguvon hoặc Asunto hòa thành dung dịch tắm hoặc xoa. Sử dụng Neuguvon với liều phổ biến 1,25g/lít nước có bổ sung 50 ml dầu ăn và 20 gram xà phòng bột lắc đều trước khi sử dụng. Dùng bình phun đều lên toàn bộ cơ thể bò, đặc biệt vùng bẹn, vùng nách và vùng yếm.
Có thể đeo găng tay, dùng giẻ để bôi thuốc, không để thuốc bám vào người, quần áo, không hút thuốc, ăn uống trong khi pha và bôi thuốc. Có thể sử dụng thuốc có tác dụng tương tự như: Pha Bayticol hoặc Amitaz thành dung dịch 0,2%, nhúng ướt một miếng xốp hoặc đụn giẻ vào dung dịch rồi xoa lên cơ thể bò. Tiêm Ivermectin, liều 0,2 mg/kg khối lượng cơ thể…
Đối với nội ký sinh trùng (giun sán đường ruột, giun phổi, sán lá gan), sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt rộng như: Levamisole 7,5% (liều 01 ml/ 20 kg khối lượng cơ thể), Fasinex 1 viên cho 75 kg khối lượng cơ thể điều trị sán lá gan (thuốc uống) hoặc Tolzan F liều 8 mg/kg khối lượng cơ thể (thuốc uống).
Thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm: thức ăn thô xanh và thức ăn tinh có bổ sung khoáng chất và vitamin. Thức ăn thô xanh là các loại cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp (bã rượu, rỉ mật, bã đậu, bã sắn, vỏ hoa quả) chiếm tỷ lệ 55 - 60% vật chất khô trong khẩu phần.
Thức ăn tinh như các loại hạt ngũ cốc, cám, thức ăn hỗn hợp... chiếm 40 - 45% vật chất khô trong khẩu phần. Lúc đầu nên cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, tập cho bò ăn thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần năng lượng cao trong thời gian 5 - 10 ngày. Trên cơ sở các loại nguyên liệu thức ăn trên, bổ sung khoáng chất và vitamin phối hợp thành khẩu phần hoàn chỉnh để vỗ béo bò. Khi cho bò ăn theo khẩu phần vỗ béo, cần tập dần để bò quen với thức ăn mới.
Vỗ béo bằng phương thức nuôi nhốt tại chuồng có sân cho bò vận động, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo yêu cầu. Chuồng nuôi đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, bò đi lại tự do trong chuồng. Theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn đầy đủ, kịp thời.
Thường xuyên vệ sinh phòng bệnh cho bò. Chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải. Thức ăn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh. Thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn bò khi có dấu hiệu biểu hiện không bình thường cần can thiệp ngay.
Định kỳ tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò, nhất là bò trước khi vỗ béo. Đồng thời tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ các loại bệnh bắt buộc cho bò 2 lần/năm như bệnh tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng… Chuồng nuôi phải được làm vệ sinh hàng ngày và phải được khử trùng định kỳ theo chế độ phòng bệnh của thú y.
Trước tình hình nhu cầu về thịt ngày càng tăng của xã hội thì việc chăm sóc, vỗ béo đàn bò thịt để tăng chất lượng và sản lượng thịt bò là điều cần thiết tạo nguồn thu nhập cho hộ chăn nuôi. Trong khi chăn nuôi lợn đang thua lỗ thì chăn nuôi vỗ béo bò là hướng phát triển kinh tế tốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân. Đặc biệt, trong điều kiện đồng cỏ chăn thả ngày càng thu hẹp thì việc nuôi nhốt và bổ sung thức ăn tinh đang phát triển mạnh ở thị trấn Lao Bảo là hợp lý và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Related news
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tại các trang trại, lợn hơi có giá 34.000 đ/kg, còn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có thể bán được với giá 31.000-33.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối, sau khi bốc dỡ sang các thùng xốp và sọt tre Việt Nam, cam Trung Quốc được xếp vào gian hàng, lên bảng giá và "biến hình" khi vào chợ lẻ.
Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
Để thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông ngư dân (NND) xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã tích cực vận động hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh của địa phương để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cam Hải Đông những ngày này đang vào vụ thu hoạch rong sụn. Đây là địa phương có thế mạnh về trồng rong sụn của huyện. Năm nay, gia đình anh Hồ Ngọc Sơn (thôn Thủy Triều) trồng 1,5ha rong sụn. Năm ngoái, do thời tiết thất thường nên rong sụn nhà anh bị hỏng nhiều, không lãi. Năm nay, tình hình khá hơn nhiều.