Hà Nam Sẽ Tiếp Tục Phát Triển, Nhân Rộng Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Cà Chua Bi
Mô hình liên kết sản xuất cà chua bi được triển khai thực hiện vào vụ Đông năm 2013 tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh chọn xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất cà chua bi, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chế biến nông sản Hội Vũ cung ứng và bao tiêu sản phẩm.
Tuy đây là mô hình mới, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có chất lượng cao đảm bảo tính thời vụ và khoa học, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Với diện tích 5,2 ha, mô hình được quy hoạch gọn vùng, giao thông nội đồng thuận lợi, hệ thống thủy lợi kênh mương đáp ứng năng lực tưới tiêu. Toàn bộ 21 hộ tham gia thực hiện mô hình được tỉnh, huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí tiền giống, xã hỗ trợ hệ thống kênh mương tiêu thoát nước và Công ty Hội Vũ phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn quy trình sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả mô hình.
Bước đầu thực hiện, cà chua trong mô hình năng suất đạt khoảng gần 02 tấn quả/sào với giá bán theo hợp đồng là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân người trồng có lãi 06 - 07 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do triển khai muộn so với thời vụ, thời tiết không thuận lợi nên năng suất đạt được chưa cao so với hiệu quả thực tế của cây trồng.
Từ những kết quả đã đạt được của mô hình liên kết sản xuất cà chua bi năm 2013 tại xã Mộc Bắc, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh. Theo Đề án Mô hình liên kết sản xuất cây hàng hóa xuất khẩu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2014-2015, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thì dự kiến mô hình tiếp tục được triển khai tại 06 huyện, thành phố.
Trong đó, năm 2014 sẽ xây dựng 03 mô hình với quy mô 05 ha/1 mô hình trong vụ Thu Đông ở 03 huyện: Duy Tiên, Lý Nhân và Kim Bảng. Còn lại 06 mô hình sẽ được triển khai trong năm 2015.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho nông dân.
Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình cùng triển khai và hướng dẫn nông dân sản xuất để đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển mô hình sản xuất khi có nhu cầu.
Về việc bao tiêu sản phẩm, UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH Chế biến nông sản Hội Vũ tiếp tục tổ chức ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân ngay từ đầu vụ. Quan trọng hơn, để khuyến khích nông dân tham gia thực hiện mô hình, UBND tỉnh Hà Nam cũng có cơ chế hỗ trợ sau đầu tư với 100% tiền giống và 20% tiền vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
Những kết quả bước đầu đạt được trong liên kết sản xuất cà chua bi có thể khẳng định việc nhân rộng mô hình là rất cần thiết. Qua đó có thể hình thành vùng sản xuất cây trồng hàng hóa xuất khẩu mang tính bền vững, đạt hiệu quả; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhóm hộ sản xuất với doanh nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm an toàn với giá trị cao.
Related news
Trong bối cảnh sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng, người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều thì mô hình nuôi bồ câu Pháp
Gia đình anh Ân Văn Kim ở thôn Đồng Đặng là hộ điển hình về phát triển kinh tế. Người dân nơi đây thường gọi anh một cách trìu mến là “giáo sư Kim”.
Nhiều gia đình ở Sóc Trăng mạnh dạn đầu tư trồng dứa trên đất nhiễm phèn đã cho lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm.
Phương pháp này không chỉ giúp hạn chế thiệt hại cho cây trồng do thời tiết xấu mà còn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.
Khởi nghiệp bằng những đồng vốn ít ỏi đi vay mượn, chàng trai trẻ xứ Thanh đã mạnh dạn đầu từ vào mô hình trồng nấm thảo dược trên vùng đất quê hương