Giữa Năm 2015, Việt Nam Sẽ Trồng Đại Trà Cây Biến Đổi Gene

Với việc Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) cho ngô biến đổi gene, đại diện Hội đồng ATSH cho rằng, chỉ còn một thủ tục là đăng ký giống với Bộ NNPTNT để tiến hành khảo nghiệm kết hợp diện hẹp, diện rộng một vụ nữa là nông dân sẽ được trồng loại cây này.
Tháng 6.2015 sẽ có cây trồng biến đổi gene.
Theo Phòng Quản lý nguồn gene và ATSH, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TNMT), ngô BĐG mang sự kiện MON 89034 có tính kháng (chống) các loại sâu hại bộ cánh vảy (Lepidoptera) như sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang đã được xem xét và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng bởi Tổ chuyên gia và phải được chấp thuận bởi Hội đồng ATSH Quốc gia là An toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học theo đúng trình tự quy định trong Thông tư 08 của Bộ TNMT. Đây là sự kiện BĐG đầu tiên được cấp GCN ATSH tại Việt Nam.
Trước khi được cấp GCN ATSH tại Việt Nam, sự kiện MON 89034 đã được cấp phép phóng thích vào môi trường tại 8 quốc gia trên thế giới như Canada, Mỹ, Nhật Bản…
Báo cáo đánh giá rủi ro của ngô BĐG mang sự kiện MON 89034 đối với môi trường và đa dạng sinh học đã được Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh Tập đoàn Monsanto) xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu đã được chứng minh là ATSH trên thế giới và các số liệu qua các vụ khảo nghiệm hạn chế, khảo nghiệm diện rộng đối với sự kiện MON 89034 trong điều kiện thực tế tại Việt Nam (kết quả khảo nghiệm đã được Bộ NNPTNT chứng nhận đạt yêu cầu).
TS Phạm Văn Toản (Viện Khoa học Việt Nam), thành viên Hội đồng ATSH cho biết, việc quyết định cấp GCN ATSH của Bộ TNMT cùng với việc cấp giấy xác nhận các sự kiện ngô BĐG đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của Bộ NNPTNT trong thời gian qua đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại nước ta.
Theo ông Toản, như dự thảo sửa đổi Thông tư 23 của Cục Trồng trọt, chỉ cần khảo nghiệm cả diện hẹp và rộng cùng kết hợp 1 vụ nữa, thì vào khoảng tháng 6.2015 là nông dân có thể chính thức trồng đại trà cây trồng BĐG.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT cho biết: “Chỉ cần khảo nghiệm cả diện hẹp và rộng cùng một vụ và các cơ quan chức năng đánh giá, nếu đảm bảo các yêu cầu sẽ được cấp phép trồng đại trà ngay sau khi khảo nghiệm”- ông Định nói.
Không cần khảo nghiệm thêm
Đại diện một doanh nghiệp đã tiến hành khảo nghiệm cây trồng BĐG cho rằng, điều đáng lưu tâm là các trình tự thủ tục và quy phạm khảo nghiệm phục vụ cho việc đánh giá và công nhận giống cây trồng mới của chúng ta đã được xây dựng từ năm 2006.
Trên thực tế, chúng ta đã quá lạc hậu để đáp ứng được đòi hỏi của thực trạng phát triển giống mới hiện nay. Việc sử dụng những thước đo cũ làm tiêu chuẩn để đánh giá và quản lý những công nghệ mới sẽ lại tạo ra những bất cập.
Do đó, một số ý kiến cho rằng, chúng ta có thể chọn lựa – một là chặt chẽ về mặt hành chính và đi từng bước cẩn trọng, hai là phát huy sự vận động của thị trường mà ở đó các cơ quan quản lý nhà nước đứng ở vai trò trọng tài để thúc đẩy tiến trình giới thiệu giống mới, với các tiêu chuẩn vượt trội hơn, ra thị trường, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp nông dân có thể tiếp cận nhanh hơn với các giống cây trồng mới mà cụ thể là các giống cây trồng chuyển gene.
TS Nguyễn Trí Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Trong khi, các giống ngô BĐG này đã được thương mại hóa ở các nước khác, nên về thủ tục pháp lý đã hoàn toàn đủ. Bây giờ lại tiến hành khảo nghiệm theo kiểu cứ quanh quẩn “con gà, quả trứng cái nào có trước” thì chẳng biết tới khi nào nông dân mới chính thức được trồng”- ông Ngọc nói.
Related news

Đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức thả cá ra các ao hồ tự nhiên nhằm tái tạo nguồn cá nước ngọt. Đồng thời hỗ trợ người dân đánh bắt cá theo phương thức truyền thống, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cho người dân sinh sống khu vực gần hồ.

Cụ thể, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ thuộc thôn Giếng Êm, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn với tổng đàn gồm 700 con vịt, 475 con gà. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo địa phương thực hiện tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh ổ dịch. Như vậy, tính đến ngày 14/10, cả nước còn tỉnh Hòa Bình có dịch cúm gia cầm, tỉnh Quảng Nam có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Bão số 10 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, riêng đối với lĩnh vực thủy sản hầu hết diện tích nuôi trồng đều bị ngập, trong đó có nhiều hộ bị mất trắng.

Sau thời gian triển khai các phần việc, phương án trong các chuỗi liên kết, sáng 15/10, Sở NN&PTNT Cà Mau tiến hành hội nghị "Liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất giống với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau".

Theo thống kê của Sở nông nghiệp - PTNT Đắk Nông thì tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.700 ha cây ăn trái, tăng 500 ha so với năm 2005. Tính riêng năm 2012, sản lượng đạt trên 11.280 tấn, tăng trên 5.500 tấn so với năm 2005.