Giỏi kỹ thuật, nhà nông thành tỷ phú
Bất kỳ mùa nào, làng hoa cây cảnh xã Bình Kiến (Tuy Hòa) cũng xanh mát với những dải vườn được bà con chăm tưới. Nghề trồng mai, quất, hồng, cúc, vạn thọ... phát triển mạnh mẽ trong khoảng 20 năm qua đã biến vùng đất nghèo trở nên trù phú.
Nông dân kỹ thuật
Gia đình ông Trần Văn Chín (40 tuổi, ở thôn Phú Vang, Bình Kiến), từ nhà diện nghèo cách đây mươi năm, hiện có thu nhập 300 triệu đồng/năm từ nghề trồng mai, quất; là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông Chín nhớ lại, khi cưới vợ, cha mẹ ông cho 5 sào đất để lập nghiệp. Thế nhưng vùng cát pha này trồng hoa màu không mấy kết quả, ông chuyển sang trồng cây hoa cảnh. Không có vốn đúc chậu, ông đã được Hội Nông dân xã tín chấp vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng. 100 chậu mai những năm đầu đối với ông là một thử thách. Bởi cái khó không chỉ vốn đầu tư, mà khó nhất là kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng. Lân la tự học, rồi ông theo bám các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa kiểng. Rồi tích góp, vay thêm vốn để mở rộng, vườn nhà ông thường xuyên có trên 1.000 chậu mai, quất. Không chỉ dịp tết, ông Chín xuất bán quanh năm các loại mai lá.
Theo ông Chín, bán mai lá tuy không đậm tiền bằng mai ra hoa nhưng có đầu ra quanh năm. Giá mai lá từ vườn lúc này là 400.000 - 500.000 đồng/chậu, mỗi năm ông bán 200 - 250 chậu là có 100 triệu đồng. “Phải canh cho hoa nở đúng kỳ, chủ động bắt tay với thương lái, nắm kỹ nóng lạnh thị trường là có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng. Cây mai tết có cái lợi là nếu không bán được thì để lại tiếp tục chăm, giá trị cây hoa càng tăng cao. Gần 10 năm nay, tôi nhập nhiều giống quất, chanh cảnh mới về trồng, mỗi năm chiết ghép khoảng 4.000 chậu để cung cấp cho các nhà vườn. Làm cây giống ít tốn diện tích đất, tính ra 1m2 đất tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng/năm”.
Nắm bắt nhu cầu thị trường
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến, nghề trồng hoa cây cảnh không quá khổ nhọc nhưng đòi hỏi sự cần cù, chịu khó học hỏi và linh hoạt với thị trường. “Vùng này, nông dân triệu phú đi đầy đường. Danh sách nông dân sản xuất giỏi của xã, có thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng, hiện đã trên 1.500 hộ. Thế nhưng nghề hoa cảnh cũng chẳng dễ dàng gì, phải miệt mài chăm tưới, phải ngày càng hoàn thiện kỹ thuật, mới có được những chậu cây hoa có giá trị. Anh thấy đó, ở đây không có mét đất nào bỏ hoang”- bà Lan cho hay.
Cũng theo bà Lan, nông dân địa phương đã gặp không ít trắc trở để chuyển từ kiểu làm ăn tự cung tự cấp sang kiểu làm nông sản hàng hóa. Ban đầu, bà con làm theo phong trào, kiểu “thấy người ta làm thì mình cũng làm”. Thế nhưng rồi qua thử thách với thị trường, người dân mỗi vùng thổ nhưỡng đều chọn ra cây, con thế mạnh của mình. Ví như vùng bán sơn địa thì định hình các trang trại trồng cây ăn quả, nuôi bò; vùng cát ven biển thì trồng hoa cảnh; vùng dọc Quốc lộ 1 thì tập trung các nghề gỗ mỹ nghệ, kinh doanh dịch vụ... “Nhiều hộ nông dân bây giờ đang chủ động tìm nguồn giống và kỹ thuật trồng các loại cây hoa mới. Họ biết rằng phải làm đa dạng các loại cây hoa thì mới tìm thêm được thị trường, tránh các đợt khủng hoảng thừa, phải chấp nhận bán sản phẩm giá rẻ”- bà Lan cho biết thêm.
Ông Hồ Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa nhìn nhận: “Điểm nhấn kinh tế của các xã ven đô Tuy Hòa là chuyên canh hoa cây kiểng và rau màu. Các làng nghề truyền thống sinh vật cảnh luôn có sự nối tiếp đội ngũ nghệ nhân có tay nghề, thường xuyên giao lưu học hỏi để nâng cao giá trị sản phẩm. Đất không thể sinh sôi nên bà con nông dân xác định phải tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường để thu lợi cao nhất trên từng mét vuông. Bình Kiến trở thành xã đầu tiên của tỉnh đạt 19 tiêu chí, đang đề nghị công nhận xã NTM”.
Related news
Huyện Lạng Giang (Bắc Giang) hiện có 30 ha chanh đào cho thu hoạch, tăng 5 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng chanh tập trung ở các xã: Tiên Lục, Tân Thanh và Hương Lạc.
Với mức giá tăng từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, nông dân trồng thanh long đang có lãi khoảng 60 triệu đồng/ha.
Với bờ biển dài, có 2 cửa lạch, lực lượng, phương tiện đánh bắt hùng hậu, hệ thống hồ, đầm nuôi tôm tập trung... Thủy sản Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Tiềm năng lợi thế đó trở thành sức hấp dẫn mới thu hút các nhà đầu tư, tạo ra những tiền đề, điều kiện để ngành kinh tế thủy sản địa phương phát triển trong giai đoạn mới.
Tại nhiều chợ trên địa bàn Thủ đô, vải đầu mùa (hay còn gọi là vải tu hú) đã bắt đầu được bày bán dù còn thưa thớt. Tuy nhiên, giá vải thì cũng đủ mức, trong đó cao nhất là có người bán hàng "hét" giá tới 90.000 đồng/kg.
“Ngày thấp nhất, gia đình tôi thu không dưới 1 triệu đồng từ hơn 600 gốc chanh”-ông Nguyễn Văn Lăng, ở thôn Ia Só, xã Hbông, huyện Chư Sê chia sẻ như vậy về mô hình kinh tế có một không hai trên địa bàn tỉnh tính đến nay.