Giàu Nhờ Trồng Điều

Đến ấp Phú Hòa (xã An Phú, Tịnh Biên, An Giang) hỏi nhà ông Huỳnh Linh Hải thì hầu như ai cũng đều biết. Bởi, ông là “Nông dân giỏi” làm kinh tế vườn đồi, nuôi con ăn học thành đạt và được người dân xứ núi tôn vinh “vua trồng điều vùng Bảy Núi”.
Gặp chúng tôi trong căn nhà mới xây kiên cố, ông Huỳnh Linh Hải cởi mở kể về cái “duyên” gắn bó với cây điều vùng Bảy Núi. “Hòa bình lập lại, tôi và mọi người tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu rất khó khăn, cả gia đình phải giữ vườn, cắt lúa mướn kiếm sống. Thời đó, dù vợ chồng làm lụng vất vả nhưng chỉ đủ ăn, trong khi 5 đứa con ngày một lớn dần, nhu cầu học tập cũng tăng theo. Vì vậy, tôi quyết lòng khai thác tiềm năng từ mảnh đất của quê hương và nuôi con ăn học”.
Năm 1976, ông Hải bắt đầu khai thác đất ven chân núi để trồng rừng. Trong thời gian này, ông nhận thấy cây điều có khả năng thích ứng với thổ nhưỡng, lại ít tốn công chăm sóc. Đến năm 1983, ông Hải mạnh dạn trồng điều, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Năm 1993, ông phối hợp với Chi cục Kiểm lâm An Giang trồng điều Ấn Độ, hằng năm, cung cấp hạt giống cho Hạt kiểm lâm Tịnh Biên và Tri Tôn để gieo ươm và cấp lại cho người trồng rừng, đáp ứng nhu cầu phục hồi cây điều vùng Bảy Núi. “Sở dĩ, hiện nay giống điều Ấn Độ được chuộng hơn là vì hạt to, dày cơm, khi bốc vỏ ra chất lượng tốt. Do vậy, giá lúc nào cũng nhích hơn điều bản địa vài nghìn đồng một ký” - ông Hải giải thích.
Hiện nay, gia đình ông Huỳnh Linh Hải trồng được khoảng 20 công điều Ấn Độ và hơn 40 công điều bản địa. Gần 40 năm gắn bó với cây điều, ông Hải cho biết, điều là loại cây dễ chăm sóc, mà lại mau thu hoạch. “Sau khi thu hoạch phải tỉa cành, tạo tán, quan trọng nhất là tránh để khô bông và sâu đục thân (hay còn gọi là bù xè)” - ông Hải chia sẻ kinh nghiệm. Với 1 công đất có thể trồng trên 30 cây, tỉ lệ hàng cách hàng 5m, cây cách cây 7m. Một cây điều trưởng thành cho năng suất từ 30kg – 40kg hạt, tính ra năng suất đạt từ 1,5 – 2 tấn/héc-ta. Sau khi thu hoạch, hạt điều được phơi khô cân cho thương lái với giá từ 13.000 – 15.000đồng/kg.
“Nhờ có cây điều, mà mấy chục năm qua, gia đình tôi có cái ăn cái mặc. Nó đã thấm vào máu thịt, tôi tự hào là giữ được vườn điều của gia đình” - ông Hải chia sẻ. Mấy năm gần đây, để tăng thu nhập và cải tạo vườn điều, ông trồng xen xoài Thanh Ca, xoài cát Hòa Lộc… Ông phấn khởi cho biết, ngoài thu nhập từ cây điều, các loài cây xen canh khác cũng cho thu nhập đáng kể. “Mỗi cây xoài cát Hòa Lộc trưởng thành cho năng suất từ 800 – 1.000kg, với giá mua tại vườn từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, mỗi cây thu trên 10 triệu đồng” - ông Hải bộc bạch.
Thấu hiểu được sự nhọc nhằn của cha mẹ, các con ông Hải rất siêng năng học tập. Bốn người con đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình và có việc làm ổn định. Ông tâm sự: “Hơn nửa đời người cố gắng, ước nguyện lớn nhất của tôi đã thành sự thật. Các con tôi đã trở thành những công dân có ích cho xã hội”.
Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, cho biết, mỗi năm, ông Huỳnh Linh Hải thu nhập từ vườn đồi trên 500 triệu đồng, liên tục 10 năm liền đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, được Trung ương Hội Nông dân tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân” và Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Related news

Cụ thể, giá bán buôn đường (có thuế giá trị gia tăng) tại nhà máy đường trong tuần qua ở miền Bắc là 11.163 – 12.350 đồng/kg, miền Trung, Tây Nguyên là 12.100 – 12.385 đồng/kg, còn các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL dao động từ 11.700 – 12.150 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn giá đường tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Qua các lớp tập huấn, bà con được các chuyên gia cung cấp một số kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất cà phê. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là để biết được đất trồng có phù hợp với cây cà phê hay không thì cần phải mang đi xét nghiệm. Sau một thời gian, bà con được hướng dẫn cách bón phân dựa trên kết quả xét nghiệm đất như bổ sung phân chuồng, vi lượng... và phương pháp bón phân cũng rất khác so với làm thông thường.

Với ngư trường rộng và thuận lợi, thêm vào đó là kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng hải sản lâu đời của người dân, Quảng Ninh là địa bàn có sản lượng thuỷ sản cao. Tuy nhiên, hiện nay không ít các đơn vị chế biến thuỷ sản trên địa bàn lại khó mua nguyên liệu ngay trên “sân nhà”. Việc này đã khiến cho hầu hết các đơn vị này chỉ hoạt động được hơn 40% công suất.

Điện Biên có ưu thế phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào cánh thương lái, tư nhân thu mua nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì vậy, vấn đề tìm “đầu ra” cho nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá” luôn là “bài toán” khó với nông dân Điện Biên.

Đối với những hộ nông dân xã Chiềng Đông, quanh năm lam lũ trồng lúa, cây ngô, cây sắn thì đây là lần đầu áp dụng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp nên không ít bỡ ngỡ. Với tổng số tiền 270 triệu đồng dành cho mô hình, Trạm đã cấp 2.000 con gà giống; mỗi hộ được cấp 50 con gà giống (nhập từ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên), 40 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, thức ăn cám công nghiệp, thuốc và vắc xin phòng bệnh.