Giảm nghèo nhờ trồng chanh không hạt
Xác định xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phấn đấu hoàn thành chương trình NTM.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã tập trung nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, giúp người dân vươn lên, ổn định cuộc sống.
Ông Hà bên vườn chanh không hạt.
Ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành (Hậu Giang) là 11,28%.
Bằng nhiều giải pháp khác nhau, xã tập trung cho công tác giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,2%.
Chia sẻ về kinh nghiệm giảm nghèo của địa phương, ông Nguyễn Phước Thảo, Bí thư xã Đông Thạnh, cho biết: “Để mục tiêu giảm nghèo thành công, bên cạnh việc đảm bảo trợ cấp thường xuyên và cung ứng các nguồn vốn vay cho người nghèo, xã luôn coi trọng công tác đào tạo nghề và nhất là phổ biến các mô hình kinh tế hiệu quả trong dân”.
Chanh không hạt là một trong những mô hình xã triển khai thực hiện đầu tiên.
Với những ưu điểm trái to, vỏ mỏng, không hạt, nhiều nước, năng suất cao, đầu ra ổn định, nên chanh không hạt đã được nhiều hộ dân lựa chọn làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế gia đình.
Loại cây trồng này không những giúp bà con xã Đông Thạnh tăng thêm thu nhập mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Cũng nhờ trồng chanh không hạt mà đời sống của gia đình ông Hồ Văn Hà, ở ấp Phước Tiến có nhiều thay đổi.
Ông Hà chia sẻ: “Hồi trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu trước hụt sau, nhưng từ ngày địa phương cho vay vốn làm ăn rồi chỉ cách trồng chanh không hạt thì cuộc sống dần được cải thiện”.
Gần một năm rưỡi miệt mài chăm sóc, những cây chanh không hạt đầu tiên đơm bông kết trái.
Với 200 gốc chanh, bình quân mỗi năm xuất bán từ 10-11 tấn trái, thu về được gần 100 triệu đồng/năm.
Cũng theo ông Hà, cây chanh không hạt trồng càng lâu thì năng suất càng cao, lại không thường xuyên mắc các bệnh khó trị giống các cây “tiểu thư” như: cam, quýt… Những lúc giá xuống thấp cũng từ 8.000-10.000 đồng/kg, nhưng vào các mùa nắng nóng giá từ 20.000-30.000 đồng/kg, thậm chí vào thời điểm hút hàng có khi lên đến 40.000 đồng/kg.
Còn với 3,5 công chanh không hạt của gia đình ông Bùi Văn Xuân, ở ấp Phú Quới mỗi tháng cũng cho thu hoạch trên dưới 1 tấn trái.
“Với giá 35.000 đồng/kg cao gấp 2-3 lần so với chanh thường.
Để tăng thêm thu nhập, đầu năm 2015, gia đình đã mở rộng thêm 4 công chanh nữa”, ông Xuân cho hay.
Ngụ cùng ấp Phú Qưới là ông Tô Chí Tâm cho hay, căn nhà khang trang mà gia đình đang ở cũng là do số tiền từ 400 gốc chanh không hạt.
Trung bình, mỗi năm ông bán được 20 tấn trái, thu được từ 400-500 triệu đồng.
Số lượng bao nhiêu cũng có người mua nên không lo đầu ra.
Đến nay, chanh không hạt không những tiêu thụ mạnh trong nước thông qua các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, mà còn là loại trái cây gia vị được các DN ngoại đẩy mạnh thu gom để XK sang thị trường ngoài nước.
Trong đó, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước ở xã Đông Thạnh và Cty The Fruit Republic của Hà Lan là đầu mối tiêu thụ chủ yếu cho vùng chanh không hạt.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Phước, cho biết, HTX thu mua về toàn bộ chanh của các hộ dân.
Mỗi tháng, HTX xuất khẩu khoảng 60 tấn chanh không hạt sang các thị trường Trung Đông và Châu Âu… Bên cạnh việc áp dụng mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cách đây gần 2 năm, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang".
Đây là những yếu tố để trái chanh không hạt ở vùng đất này đứng vững trên thị trường trong, ngoài nước.
“HTX cũng đã trình lên tỉnh xin ý kiến thành lập cánh đồng lớn chanh không hạt và hiện tại HTX cũng đang phối hợp với huyện Châu Thành triển khai kế hoạch này”, ông Chiến cho hay.
Giờ đây, trên con đường bê tông bằng phẳng đầy màu xanh dẫn về trung tâm xã, hay vùng nông thôn sâu đều thấy cảnh mái ngói khang trang mọc lên san sát, người dân ai cũng vui mừng vì không còn lo cái ăn, cái mặc như trước đây.
Tất cả đều nhờ địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các mô hình kinh tế, điều này còn góp phần để xã đạt tiêu chí hộ nghèo và được công nhận xã NTM vừa qua.
Related news
Cần hình thành các mô hình chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, từ chăn nuôi - giết mổ - buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; đồng thời ưu tiên phát triển các nguồn giống tốt và rút ngắn thời gian nghiên cứu các ứng dụng khoa học về chăn nuôi, sớm đưa vào sản xuất để góp phần hạ giá thành.
Hội nghị giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi lợn đen bản địa. Sáng 7/7, tại UBND xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai), Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp với nông dân các xã: Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai về lĩnh vực chăn nuôi lợn đen bản địa ngoài vùng dự án với chủ đề: “Giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh và liên kết phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa theo chuỗi giá trị bền vững”.
“Cách đây 5 năm, tôi đầu tư 5 triệu đồng, mua 2 con dê sinh sản. Đến nay, đàn dê phát triển lên 21 con, trị giá gấp trên 10 lần lúc đầu tư. Nuôi dê không mất tiền chi phí thức ăn, chỉ bỏ công lao động là có lãi. Hằng năm, bán 4 - 5 con dê đực giống (trị giá 4 triệu đồng/con). Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo”. Đó là câu chuyện của chị Lường Thị Hậu, bản Lâm, xã Chiềng San (Mường La - Sơn La), một trong nhiều hộ dân ở Mường La mạnh dạn đầu tư nuôi dê.
Giá ớt tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bất ngờ tăng vọt lên 30.000 đồng/kg giúp nhiều nông dân có thu nhập khá
Đầu vụ lúa hè - thu 2015, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhưng hiện nay lại xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại lúa. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Châu Thành (Trà Vinh) đã kiểm tra đồng ruộng, đồng thời khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng, trị.