Giá Trứng Giảm Mạnh Người Nuôi Chim Cút Tháo Đàn
Huyện Tân Thành (Bà Rịa Vũng Tàu) có khoảng 10 trang trại nuôi chim cút, quy mô 20 ngàn - 70 ngàn con. Trung bình mỗi năm các trang trại cung ứng ra thị trường 22 triệu quả trứng và hàng chục tấn thịt cút thương phẩm. Tuy nhiên, do 2 tháng trở lại đây giá trứng cút giảm mạnh, các hộ nuôi chim cút khó có thể tiếp tục duy trì đàn.
Chỉ nuôi cầm chừng
Năm 1994, ông Đoàn Ngọc Hân (ở ấp Hải Sơn, xã Phước Hòa) là một trong những người đầu tiên đầu tư mô hình nuôi chim cút tại huyện Tân Thành. Trang trại của gia đình ông lúc cao điểm lên đến 65 ngàn con chim cút sinh sản.
Ngoài nuôi chim cút bán trứng, thì gia đình ông Hân còn tự thiết kế hệ thống ấp trứng để bán trứng cút lộn và con giống. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn cút sinh trưởng tốt, tỷ lệ đẻ trứng đạt 90%. Thời gian cút cho trứng liên tục từ 8 đến 10 tháng/năm. Sau khoảng thời gian trên, năng suất trứng sụt giảm.
Số cút này, ông Hân thải bán cút thịt. Với nghề nuôi chim cút, kinh tế của gia đình ông Hân đã trở nên khấm khá. Trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lời 500 triệu đồng.
Thế nhưng 2 tháng gần đây, ông Hân phải đi đến một quyết định hết sức khó khăn: bán tháo đàn cút để tránh thua lỗ. Nguyên nhân là do thời gian gần đây, giá trứng cút giảm mạnh, trong khi giá thức ăn cho cút lại tăng. Theo ông Hân, hiện giá trứng cút lạt bán cho thương lái chỉ được 2.800 đến 3.000 đồng/1 chục (giảm 1.000 đến 1.200 đồng/1 chục so với cùng kỳ năm ngoái).
Với giá bán như hiện nay, thì cứ 1000 con chim cút người nuôi phải bù lỗ 20.000 đồng/ ngày tiền thức ăn, chưa tính tiền thuê nhân công. Hiện gia đình ông Hân chỉ nuôi cầm chừng 15 ngàn con cút sinh sản để duy trì giống, đợi thị trường ổn định sẽ tiếp tục tái đàn.
Ông Đoàn Ngọc Hân cho biết: “Thời điểm này, do nhiều người nuôi nên lượng cung nhiều trong khi đó sức mua lại chậm, Trước đây, tôi có 5 mối lấy trứng hàng ngày nhưng giờ chỉ còn 1 mối, mà có khi 4,5 ngày họ mới đến lấy trứng một lần. Hiện tôi chỉ nuôi 15 ngàn con để cầm cự, với giá bán như hiện nay, hòa vốn đã là may…”
Dự án nuôi cút giảm nghèo gặp nhiều khó khăn
Đầu năm 2014, nhận thấy kỹ thuật nuôi cút không quá khó và vòng quay vốn nhanh nên Hội Nông dân huyện đã lên kế hoạch và triển khai dự án nuôi chim cút tại 15 hộ nghèo xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân. Mỗi hộ nuôi được hỗ trợ 300 con chim cút 21 ngày tuổi, 1 triệu đồng để đóng chuồng, 3 bao cám, 2,5 lít chế phẩm sinh học và vắc xin phòng bệnh.
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thành cho hay, khi triển khai dự án, cán bộ hội đã xuống khảo sát và mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cho bà con, tiêm vắc xin phòng bệnh cho chim cút.
Tuy nhiên, mô hình khi triển khai trên thực tế đã gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Khu (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) cho biết: “Khi được hỗ trợ cút giống, gia đình tôi cũng như các hộ nghèo tham gia dự án đều rất phấn khởi. Là nông dân thì mỗi ngày có thêm 30 ngàn đồng cũng ổn rồi.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình chăn nuôi đã phát sinh nhiều vấn đề như chi phí thức ăn cho cút khá tốn kém, trong khi giá trứng cút sụt giảm, các hộ nuôi không chủ động được đầu ra. Vì nuôi nhỏ lẻ nên phải mua cám với giá bán lẻ, mỗi bao cám có giá 280 ngàn đồng (người nuôi bù lỗ 20 ngàn đồng/1 bao).
Đó là chưa kể chi phí tiền công và phương tiện đi lại. Trong khi các hộ tham gia dự án đều là hộ nghèo, nên không thể duy trì được đàn trong thời điểm khó khăn. Đến thời điểm này, các hộ trong dự án đã bán hết chim cút để thu lại chi phí đầu tư ban đầu.
Related news
Chỉ với hơn 1.000 m2, nhưng đó là nơi cô Nguyễn Hoàng Linh (phường An Thạnh, TX.Thuận An - Bình Dương) mở mô hình nuôi gà và heo, tuy quy mô không lớn nhưng mang lại nguồn lợi nhuận khá cao.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), vụ mía 2013 - 2014, CASUCO đưa ra mức giá sàn bảo hiểm cho nông dân với giá 750 đ/kg, mía 9 CCS tại cầu cảng nhà máy/xí nghiệp.
Ngày 31.1 là thời hạn cuối để các huyện Thăng Bình, Quế Sơn (Quảng Nam) kết thúc đợt khảo sát, xác định cụ thể diện tích đất có thể chuyển đổi sang trồng cây bông vải với vùng tập trung từ 300 ha trở lên, trên cơ sở đó Sở NN-PTNT để tham mưu UBND tỉnh về thí điểm vùng nguyên liệu bông vải tập trung.
Dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ được triển khai tại Trại thực nghiệm giống thủy sản nước ngọt Hòa Định Đông (Phú Hòa) với số vốn hơn 820 triệu đồng. Sau 24 tháng triển khai, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã sản xuất thành công hơn 47.000 con cá giống và đúc kết ra được các quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ phù hợp với điều kiện ở Phú Yên.
Ba Bể (Bắc Kạn) là một địa phương có thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản cho năng suất cao, tạo ra các loại cá sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với môi trường và khả năng đầu tư thâm canh của người dân trên địa bàn, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi thương phẩm tại huyện Ba Bể theo quy trình GAP bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và mở ra triển vọng trong thực hiện mô hình.