Phong Trào Nuôi Các Loại Thủy Sản Trên Địa Bàn Tỉnh Phát Triển Mạnh

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì tính đến tới thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc thả giống nuôi thủy sản với tổng diện tích là 1.300 ha. Hiện tại, bà con đang tích cực chăn nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nhằm phòng chống các loại bệnh trong mùa mưa.
Gia đình ông Hoàng Văn Cao, ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã hoàn thành việc thả các giống cá trắm, trôi, mè… cho 7 ao cá. Ông Cao cho biết: “Ngay từ đầu vụ thả nuôi cá mới, gia đình tôi đã tiến hành chuẩn bị ao thật sạch và chọn giống uy tín nên mọi việc đều diễn ra thuận lợi. Hiện tại, các loại cá đang phát triển khá tốt, không có dấu hiệu bị bệnh. Tuy nhiên, tôi vẫn thường xuyên quan sát và theo dõi ao để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các loại bệnh cho cá”.
Tương tự, gia đình bà Trần Thị Cư, thôn Tân Tiến, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) cũng đã thả nuôi các loại cá truyền thống với diện tích trên 1.000 m2. Bà Cư cho biết: “Ban đầu, gia đình tôi nuôi cá chỉ mang tính chất tận dụng diện tích ao có sẵn để cải thiện bữa ăn cho gia đình nhưng sau một thời gian nuôi thấy hiệu quả cao nên tôi đã mở rộng diện tích. Đến nay, mỗi vụ thu hoạch gia đình tôi đạt khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí cũng lãi hơn một nửa”.
Còn tại các lòng hồ thủy điện, nhiều hộ nuôi cá lồng cũng đang tích cực chăm nuôi cá. Ông Lê Thanh Nam, một hộ nuôi cá lồng tại lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 (Đắk Glong) cho biết: “Để chuẩn bị cho vụ thả nuôi cá mới, ngay từ đầu tháng 4, gia đình tôi đã tổ chức vệ sinh lưới lồng và các phụ kiện của lồng, tẩy rửa, phơi khô nhằm hạn chế thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Trong vụ này, gia đình tôi chủ yếu vẫn thả các giống cá như diêu hồng, cá lóc vì những loài này khá phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở đây và đã cho thu nhập khá trong các vụ trước. Hiện tại, các loại cá lóc đã đạt trọng lượng 120g/con, cá diêu hồng là 50 g/con. So với mọi năm thì năm nay cá đang phát triển khá tốt, hi vọng sẽ có được một vụ bội thu”.
Theo nhiều hộ dân nuôi cá lồng thì trong quá trình nuôi, việc phòng bệnh rất quan trọng vì cá sống trong môi trường nước khó quan sát và theo dõi để chẩn đoán chính xác bệnh cộng với nguồn nước dễ lây lan khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn.
Ngoài ra, khi bị bệnh, cá thường bỏ ăn, nếu trộn thuốc vào thức ăn để chữa bệnh thường không có hiệu quả. Do vậy, ngoài việc vệ sinh thường kỳ các lồng, lưới và các dụng cụ cho cá ăn... thì việc bảo đảm chất dinh dưỡng, ăn đủ để tăng sức đề kháng cho cá là rất cần thiết.
Cũng theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì những năm gần đây việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về diện tích và sản lượng, giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập cao. Hiện nay, ngoài một số loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, diêu hồng, rô phi thì một số hộ nông dân cũng đã đưa nhiều loài thủy đặc sản như cá lăng đuôi đỏ, cá tầm, tôm càng xanh… vào chăn nuôi nên cơ cấu các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú.
Thời gian qua, để giúp nông dân chăm sóc tốt các loài thủy sản, các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành thực hiện thành công nhiều mô hình trình diễn như nuôi cá diêu hồng, rô phi… và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con. Nhờ đó, nông dân đã nắm bắt được các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, có những biện pháp chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả nên việc chăn nuôi thủy sản diễn ra thuận lợi.
Ở những vùng nuôi không thuận lợi thường xảy ra dịch bệnh như bệnh đốm đỏ, bệnh xuất huyết do virut ở cá trắm cỏ, bệnh virut mùa xuân ở cá chép… ngành cũng thường xuyên khuyến cáo người dân thay đổi đối tượng nuôi mới như nuôi cá rô phi, cá diêu hồng,… lựa chọn hình thức nuôi phù hợp, không thả giống quá nhỏ và không nuôi với mật độ quá dày nên tình hình dịch bệnh ít xảy ra, giúp chăn nuôi an toàn.
Ngoài ra, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại sông, hồ, suối và các vùng nước tự nhiên khác, ngành cũng khuyến cáo bà con khi đánh bắt phải bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản bằng cách khai thác theo đúng mùa vụ, thời hạn, vùng khai thác, chủng loại và kích cỡ thủy sản được khai thác, sản lượng cho phép. Người dân nên sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản có kích cỡ phù hợp với các loài thủy sản được phép khai thác.
Related news

Trong những năm gần đây, cây sơn ta đang được nhân dân xã Đồng Lạc ( Chợ Đồn) đưa vào trồng trên diện rộng. Nhờ phát triển trồng cây sơn, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập ổn định, thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Theo lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp ban hành, từ giữa tháng 2 là thời điểm xuống giống vụ tôm mới. Tuy nhiên, về các vùng nuôi tôm trong tỉnh vào thời điểm này, theo ghi nhận, người nuôi tôm chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để bước vào vụ mới.

Ngày 25.2, sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế dịch bệnh và công tác triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm (DCGC) tại xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn); Tây Vinh (Tây Sơn), Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng chống DCGC. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cùng lãnh đạo một số sở, ngành chức năng của tỉnh.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân xã Cát Hiệp triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân (HVND) trên địa bàn xã.

Thời gian gần đây, cảng cá Quy Nhơn luôn ở trong tình trạng quá tải, khiến cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng cá gặp rất nhiều khó khăn; việc neo đậu tàu thuyền để bán sản phẩm và lấy tổn để mở chuyến biển mới cũng không phải là chuyện dễ…