Gia trại ở Phong Sơn
Dẫn chúng tôi đi, anh Cao Đình Hưng, Cán bộ Khuyến nông- lâm- ngư xã Phong Sơn cho biết: “Toàn địa phương có gần 50 gia trại chăn nuôi theo mô hình tổng hợp. Trong đó, do biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, những hộ gia đình có mô hình gia trại cho lãi vài trăm triệu đồng/năm khá nhiều.”.
Thăm mô hình gia trại của anh Lê Thanh Thắng (thôn Hiền An, xã Phong An) với hàng cây tràm, cây ăn quả xanh tốt, hệ thống chuồng trại được bố trí hợp lý mới thấy được công sức của người vỡ đất lập nghiệp. Anh Thắng kể: “Mình ấp ủ làm gia trại từ năm 2005, mãi đến năm 2009 mới triển khai. Ban đầu ra vùng đất này trong tay chưa có gì. Nhờ biết tích cóp, thông qua sự hỗ trợ các dự án, chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn nên mình mới mở rộng và phát triển gia trại được như hôm nay.”
Với diện tích gần 0,3 ha, gia trại của anh Thắng là mô hình nuôi tổng hợp của heo, gà thịt và cá nước ngọt phát triển ổn định nhất vùng. Anh Thắng cho biết: “Từ năm 2013 đến năm 2014, mô hình chăn nuôi tại gia đình có thể gọi là “trúng”. Với 70 - 100 con heo thịt mỗi lứa, mỗi năm gia trại xuất chừng trên 300 con. Heo thịt khi xuất chuồng đạt 65 - 75 kg/con; gà thịt tại hộ gia đình nuôi chừng 500 con kết hợp cùng hai ao cá nước ngọt 1.500m2 chuyên nuôi các loại cá rô phi đơn tính, gáy, mỗi năm tui thu nhập từ gia trại chừng 1,1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí lãi chừng 200 - 250 triệu đồng/năm.”.
Năm 2013, Dự án Nông thôn miền núi ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình chăn nuôi gia trại heo nái lai F1 và heo thương phẩm ¾ máu ngoại được triển khai. Thông qua trường ĐH Nông lâm Huế dự án hỗ trợ gia đình anh Thắng (toàn xã Phong Sơn có 3 hộ) 10 con heo giống phát triển sản xuất. Trong đó, dự án hỗ trợ 70% tiền giống và 50% tiền thức ăn chăn nuôi. Anh Thắng cho biết: “Đến nay số heo nái phát triển sinh sản tốt, đẻ bình quân từ 10 - 12 con/lứa. Một phần số heo con sinh ra mình chuyển sang nuôi heo thịt.”
Anh Cao Đình Hưng, Cán bộ Khuyến nông- lâm- ngư xã Phong Sơn đánh giá, mô hình này triển khai hiệu quả đã góp phần nâng cao tầm vóc và chất lượng vật nuôi ở địa phương và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ngoài chăn nuôi tổng hợp, tại gia trại anh Thắng còn kết hợp trồng cây ăn quả, cây tràm vừa có thu nhập, tạo môi trường thoáng mát cho chuồng trại. Tận dụng được thế mạnh đàn heo số lượng khá lớn, anh đã xây dựng hai hầm biogas phục vụ sinh hoạt gia đình, chế biến thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Gia trại anh Hoàng Văn Anh, trú cùng thôn Hiền An cũng là hộ đạt thu nhập “điển hình” tại xã Phong Sơn. Anh Văn Anh cho biết: “Gia trại có diện tích 1,5 ha, hiện đang nuôi khoảng 170 heo thịt, bình quân mỗi năm xuất chuồng chừng trên 400 con; ao cá 1 ha, cùng chăn nuôi bò cũng cho lãi từ vài trăm triệu đồng/năm.” Để tăng hiệu quả nuôi trồng, anh Anh đã tận dụng nguồn nước tự nhiên của gia trại, nạo vét mở rộng thêm hồ nuôi, đưa vào nuôi những giống cá chất lượng. Cũng như hộ anh Thắng, được sự hỗ trợ từ dự án Nông thôn miền núi, hộ anh Anh đã phát triển đàn heo nái từ 10 con lên 21 con, phát triển đàn heo con chất lượng cao phục vụ chăn nuôi.
Nói về tình hình phát triển trang trại, gia trại tại địa phương, theo ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn: “Tại địa phương, đa số các trang trại, gia trại đều có đất đai màu mỡ để canh tác và thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Các trang trại đều nằm xa khu dân cư, thoáng mát nên không gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, có khu vực Hiền An, các trang trại, gia trại đã tận dụng được nguồn nước từ Đập Quao đảm bảo phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.”
“Ngoài những thuận lợi, hiện trang trại, gia trại tại Phong Sơn còn gặp một số khó khăn như hạ tầng còn yếu nên việc lưu thông hàng hóa nông sản, đi lại của các hộ dân khó khăn; trình độ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật chưa cao. Mong các cấp quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng cho chủ trang trại, gia trại nhằm tạo ra nông sản có chất lượng…”, ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn.
Related news
Giá ớt tươi tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đang ở mức cao. Thêm vào đó, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng ớt tăng, nông dân có nguồn thu nhập không nhỏ...
Nhiều ngày nay, ở Quảng Trị, người nuôi tôm ở các xã Trung Giang, huyện Gio Linh và Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đang điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi chưa đến thời điểm thu hoạch
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa thực nghiệm thành công Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất ở tỉnh An Giang”. Dự án do Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trường đại học Cần Thơ thực hiện tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên). Kết quả, sau 6 tháng nuôi, thu hoạch đạt hơn 1 tấn tôm càng xanh, giá bán từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, trừ chi phí đạt lợi nhuận 100 triệu đồng (1 lời 1), mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm càng xanh trong ao đất.
Phát huy tiềm năng sẵn có của thiên nhiên ưu đãi vùng đất ven sông Cổ Chiên, trong thời gian qua bà con nông dân ấp Mỹ Trạch, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam đã tận dụng triệt để diện tích mặt nước ao hồ mương vườn và bãi bồi ven sông để đánh bắt và nuôi các loại thủy sản có giá trị để tăng hiệu quả kinh tế.
Tại nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL, hiện bà con nông dân đang tất bật xuống giống vụ lúa thu đông sớm (nông dân quen gọi lúa vụ 3). Theo dự báo của các nhà chuyên môn, vụ lúa này nông dân sẽ gánh chịu không ít khó khăn do áp lực dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao.