Giá Lúa Gạo Vững Đến Cuối Năm

Giá lúa gạo trong nước đã gần như không bị tác động bởi việc Philippines hủy thầu mua 500 ngàn tấn gạo trong đợt mở thầu cuối tháng 8.
Sau khi Philippines hủy thầu mua 500 ngàn tấn gạo (đợt đấu thầu ngày 27/8) do giá bỏ thầu cao hơn so với giá trần, những tưởng giá lúa gạo ở Việt Nam sẽ giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, giá lúa gạo ở nước ta không những không giảm mà vẫn vững ở mức cao.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến cuối tuần qua, tại ĐBSCL, giá lúa khô hạt dài tại ruộng, thấp nhất là 5.400 đ/kg, cao nhất 5.950 đ/kg; lúa khô loại thường tại ruộng thấp nhất 5.275 đ/kg, cao nhất 5.850 đ/kg.
Còn tại kho của doanh nghiệp, lúa khô hạt dài thấp nhất 5.650 đ/kg, cao nhất tới 6.100 đ/kg; lúa khô loại thường thấp nhất 5.400 đ/kg, cao nhất 5.950 đ/kg. nếu so với giá thành bình quân của lúa sản xuất trong vụ hè thu 2014 ở ĐBSCL do Bộ Tài chính công bố là 4.370 đ/kg (giá thành lúa khô), thì có thể dễ dàng thấy được rằng giá lúa hè thu ở thời điểm đầu tháng 9 này vẫn đang khá tốt cho người trồng lúa.
Còn nếu so với hồi cuối tháng 8, giá lúa gần như không có sự thay đổi. Điều này cho thấy giá lúa gạo trong nước đã gần như không bị tác động bởi việc Philippines hủy thầu mua 500 ngàn tấn gạo trong đợt mở thầu cuối tháng 8.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu sau một thời gian giảm xuống còn 445-455 USD/tấn (gạo 5% tấm), trong mấy ngày qua đã tăng nhẹ trở lại lên mức 450-460 USD/tấn.
Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện lại lên ở mức cao nhất trong những nước xuất khẩu chính, bởi giá gạo cùng loại của Ấn Độ là 345-445 USD/tấn, Pakistan 430-440 USD/tấn, Thái Lan 425-435 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng giá nhẹ trở lại lên mức 405-415 USD/tấn, đứng ở mức cao nhất trong số những nước xuất khẩu chính khi mà gạo cùng loại của Ấn Độ hiện ở mức 390-400 USD/tấn, Pakistan 370-380 USD/tấn và Thái Lan 360-370 USD/tấn.
Sở dĩ giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục vững ở mức cao bất chấp việc Philippines hủy thầu, là do nhu cầu thu mua đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu phải thực hiện trong những tháng cuối năm khá nhiều, trong khi lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp hiện khá thấp.
Bên cạnh đó, thị trường gạo thế giới trong những tháng cuối năm được đánh giá khá tích cực, bởi nhiều nước Đông Nam Á đang có nhu cầu mua gạo. Philippines sau khi hủy thầu hồi cuối tháng 8, vẫn đang tính toán các phương án nhập khẩu 500 ngàn tấn gạo trong quý 4.
Nước hày có thể điều chỉnh tăng ngân sách để mở thầu lại hoặc giao dịch hợp đồng chính phủ đáp ứng nhu cầu. Indonesia có nhu cầu nhập khẩu gạo với khối lượng 400-500 ngàn tấn từ nay đến cuối năm. Trong đó, mới có 175 ngàn tấn được Indonesia ký mua của Thái Lan. Số gạo còn lại, nước này đang tìm kiếm từ những nguồn cung ứng khác.
Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo chính lại đang trong thời điểm giáp vụ mùa, khiến nguồn cung bị hạn chế. Ở Việt Nam, vụ hè thu đã cơ bản thu hoạch xong, còn vụ thu đông mới bắt đầu thu hoạch. Mặc dù xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn chưa phục hồi do nước này tăng cường kiểm soát biên, nhưng điều này không mấy ảnh hưởng tới giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL.
Do đó, theo nhận định của các doanh nghiệp, trong những tháng cuối năm nay, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục vững ở mức cao.
Related news

Đi dọc theo con đường đất nhỏ, chúng tôi đến thăm gia đình chú Nguyễn Văn Ngói, ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng - điểm tham gia trình diễn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nắng hạn đang diễn biến gay gắt, độ mặn cao đã gây bất lợi xuất hiện dịch bệnh cho mùa vụ nuôi tôm tại Cà Mau. Qua hai tháng đầu năm, nhất là từ sau Tết Quý Tỵ đến nay, toàn tỉnh đã có gần 140 ha diện tích ao đầm nuôi tôm sú công nghiệp bị dịch bệnh chết trắng, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Công ty Công nghệ sinh học TransGenada ở Arizona đã được Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc gia (NIFA) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tài trợ cho hoạt động nghiên cứu dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.

Thông tin từ lãnh đạo Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến cuối tháng 5-2012, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt 72/130 ha, tương đương với lượng tôm giống được di ương về là 72 triệu con.