Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Lúa Gạo Tăng, Ai Hưởng Lợi?

Giá Lúa Gạo Tăng, Ai Hưởng Lợi?
Publish date: Tuesday. July 15th, 2014

Những ngày qua, giá lúa gạo ở ĐBSCL đã bất ngờ tăng vọt. Đây là một tín hiệu vui, mặc dù nông dân đang vất vả thu hoạch vụ lúa hè - thu trong mưa dầm kéo dài. Tuy nhiên, phía sau chuyện lúa gạo tăng giá bất ngờ hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề.

Mỗi nơi mỗi giá

“Giá lúa tươi tại ruộng được thương lái mua với giá 4.500 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Nhiều nông dân phải chịu cảnh thu hoạch lúa trong mưa dầm dữ dội cũng được an ủi phần nào”, lão nông Phạm Văn Nữa (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp) cho biết vào chiều 14-7.

Tuy nhiên, nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, giá lúa vẫn chưa tăng. “Tôi nghe có thông tin giá lúa, gạo tăng trong những ngày qua. Tuy nhiên, tại Phụng Hiệp - Hậu Giang, giá lúa nông dân bán vẫn nằm im. Thương lái mua lúa tươi tại ruộng 3.800 - 4.000 đồng/kg, lúa khô 4.800 - 5.000 đồng/kg.

Không biết diễn biến thị trường nơi khác ra sao nhưng ở đây thương lái vẫn ép giá, khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi”, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết. Nhìn chung, mặt bằng giá lúa ở ĐBSCL đã tăng 200 - 300 đồng/kg ở các khu vực gần đô thị và những vùng giao thông đi lại thuận tiện.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần qua tại ĐBSCL, giá lúa khô tại kho doanh nghiệp dao động 5.450 - 5.550 đồng/kg (tăng khoảng 200 - 250 đồng/kg), lúa dài khoảng 5.650 - 5.750 đồng/kg (tăng khoảng 110 đồng/kg). Như vậy, giá lúa ở phân khúc gạo thường (phẩm cấp thấp) tăng trên 200 đồng/kg, trong khi gạo dài trắng chỉ tăng khoảng 100 đồng/kg so với đầu tháng 6-2014.

Tuy nhiên, ở mặt hàng gạo, giá gạo 5% tấm (gạo thơm, chất lượng cao) lại tăng mạnh hơn gạo 25% tấm (phẩm cấp trung bình) và lại đang hiếm hàng. “Giá gạo nguyên liệu đang nhích lên, kéo theo giá thương lái mua lúa cũng tăng dần.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang huy động nhiều nguồn lực để tìm mua gạo nguyên liệu. Trong đó, gạo xô mua đến 7.000 đồng/kg, tăng gần 300 đồng/kg so với hồi đầu tháng 6-2014”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL cho biết.

Gắn kết sản xuất, xuất khẩu

Theo lý giải của một số doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, lý do dẫn đến mặt hàng gạo nguyên liệu bị hút hàng hiện nay là do lượng gạo mang tính chất “chân hàng” từ năm 2013 chuyển sang năm 2014 gần như không có. Trong bối cảnh đó, nhu cầu gạo nguyên liệu xuất khẩu theo các hợp đồng xuất sang các thị trường Philippines, Malaysia, châu Phi và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng.

Xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. “Hiện nay, giá lúa, gạo tăng là một tín hiệu vui cho nông dân. Đây là sự chuyển biến tích cực từ các hợp đồng xuất khẩu đã được ký. Riêng tại Sóc Trăng, trong vụ đông - xuân vừa qua đã có 57.000/83.000 ha trồng lúa đặc sản, lúa thơm”, ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gạo năm 2014 sẽ đối diện nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây có thể mở ra sự khởi sắc cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Đến thời điểm này, có nhiều lý do tác động đến giá lúa, gạo tăng, như: Thái Lan xuất khẩu gạo không đáng kể, gạo Pakistan bán giá quá cao, trong khi đó, Ấn Độ giảm sản lượng khoảng 25-30% do hạn hán gây ra.

Giá lúa đang tăng, tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ được lợi? Ở ĐBSCL có diện tích canh tác lúa khoảng 1,6 - 1,8 triệu ha/vụ, tương đương khoảng 3,8 - 4 triệu ha/năm, sản lượng lúa đạt khoảng 25 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 70% sản lượng lúa gạo dành cho xuất khẩu.

Một thực tế đáng buồn là có đến 90% sản lượng gạo phân phối, lưu thông ở ĐBSCL phải qua tay thương lái! Những nông dân đã trót bán lúa cách đây 1 - 2 tuần, giờ đang tiếc bởi đã bán giá thấp.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguyên nhân chính dẫn đến việc nông dân chưa được hưởng lợi từ giá là do doanh nghiệp xuất khẩu gạo thiếu gắn kết với nông dân và vùng nguyên liệu; cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa, gạo chỉ có tác động gián tiếp đến người nông dân, quyết định hỗ trợ thường không kịp thời nên nông dân gặp khó. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, công việc cấp bách hiện nay tăng cường liên kết trong sản xuất và phân phối, minh bạch và công bằng trong các chuỗi giá trị; phát triển thương hiệu quốc gia về lúa gạo nhằm đảm bảo đời sống nông dân trồng lúa.


Related news

Hữu Lũng (Lạng Sơn): Mùa Vải “Đắng” Hữu Lũng (Lạng Sơn): Mùa Vải “Đắng”

Mọi năm, cứ đến mùa vải, cả huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tấp nập khách thập phương và thương lái đến mua vải. Nhưng năm nay, thị trường quả vải trầm hẳn, nguyên nhân là do mất mùa. Nỗi buồn của người trồng vải ở Hữu Lũng bị nhân đôi bởi không những mất mùa, mà giá vải bán lại thấp. Vải ở Hữu Lũng năm nay chẳng ngọt mà cứ “đắng” dần.

Tuesday. June 19th, 2012
Xuất Khẩu Sang Châu Âu Gặp Khó Xuất Khẩu Sang Châu Âu Gặp Khó

Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Tuesday. August 2nd, 2011
Trà Vinh Đồng Bộ Thực Hiện Các Giải Pháp “Kích Cầu” Cho Trái Dừa Trà Vinh Đồng Bộ Thực Hiện Các Giải Pháp “Kích Cầu” Cho Trái Dừa

Trà Vinh là địa phương có sản lượng dừa đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL (sau tỉnh Bến Tre), với diện tích trên 14.941 ha và hàng năm cho sản lượng trên 151 triệu trái dừa. Trước tình hình giá dừa đang sụt giảm mạnh trên thị trường, hiện dao động ở mức 11 – 13 ngàn đồng/chục (12 trái); giảm 95 – 100 ngàn đồng/chục so với cùng kỳ tháng 5/2011.

Wednesday. June 20th, 2012
Phương Pháp Mới Trong Đào Tạo Nghề Cho Nông Dân Phương Pháp Mới Trong Đào Tạo Nghề Cho Nông Dân

Dự án Đào tạo nâng cao năng lực kinh tế dựa vào cộng đồng (CB-TREE) do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Dự án Thị trường lao động EU/MOLISA/ILO đang triển khai thí điểm tại Hà Tĩnh có thể là hướng đi phù hợp

Friday. April 1st, 2011
Làm Giàu Nhờ Nuôi Rắn Hổ Hèo (Long Thừ) Làm Giàu Nhờ Nuôi Rắn Hổ Hèo (Long Thừ)

Vì là loài rắn quý hiếm nên nhiều nhà hàng, quán ăn đã thu mua hổ hèo với giá khá cao, từ 450.000đ – 500.000đ/kg. Do đó, một vài bà con nông dân đã mày mò tìm cách nuôi hổ hèo cho sinh sản và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ

Saturday. February 19th, 2011