Giá Lúa Đông Xuân Đồng Loạt Giảm
Mặc dù mới chỉ chớm bước vào thu hoạch, song lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đồng loạt giảm giá đang gây tâm lý lo lắng cho nhiều bà con nông dân…
Ảm đạm
Ngày 3.2, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại vùng lúa chất lượng cao ở ấp Mỹ Hòa (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhà nông đang vào vụ thu hoạch. Trái với không khí thu hoạch nhộn nhịp như những năm trước đây, người dân nơi đây rất rầu rĩ vì giá lúa đang xuống thấp.
Lão nông Nguyễn Văn Hưng ở ấp Mỹ Hòa cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, tôi làm 7.000m2 lúa OM 5451, bán với giá 5.700 đồng/kg. Năm nay chỉ còn 4.700 đồng/kg; mỗi 1 công lúa (1.000m2) thất thu khoảng 1 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí thì lời không nhiều”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ giá lúa thơm xuống thấp mà các loại lúa chất lượng thấp như IR50404 cũng bị tuột giá thê thảm. Hiện loại lúa này chỉ còn ở mức giá 4.300-4.350 đồng/kg, giảm từ 650-700 đồng/kg so với vụ thu đông vừa qua và giảm khoảng 400 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.
Ông Võ Văn Hậu - người dân ở ấp 4A (xã Tân Hậu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) buồn rầu nói: “Vụ lúa này, năng suất lúa giảm quá, năm rồi đạt 1,3 tấn/công nhưng vụ này chưa đạt 1 tấn/công, nguyên nhân do chuột hại xuất hiện nhiều, thời tiết không thuận lợi. Còn giờ giá lúa rất bấp bênh, chỉ còn 4.300 đồng/kg, trừ tất cả chi phí lời chưa tới 1 triệu đồng/công”.
Lý giải về tình trạng trên, một số thương lái cho biết, họ cũng muốn mua lúa của nông dân song do hợp đồng xuất khẩu thấp nên đành chịu. Anh Dương Văn Mến – thương lái mua lúa tại Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Có nhiều lượng lúa được chúng tôi mua vào rồi, nhưng không bán ra được nên phải ngưng mua, chờ cho qua vài bữa nữa xem tình hình thế nào”.
Theo anh Mến, giá lúa đông xuân sớm thường được mua với giá cao, nông dân lãi khá, song năm nay do số lượng hợp đồng xuất khẩu từ năm trước chuyển sang năm mới gần như không còn, đầu ra của gạo do đó rất hạn chế dẫn đến tình trạng giá lúa trong nước rớt thê thảm. “Cỡ này là hết đường lùi rồi, nếu giá tụt nữa, nông dân chỉ có nước đổ nợ”- anh Mến nói.
Ông Từ Bảo Duy - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hứa Ngọc Lợi (Sóc Trăng) cho biết, hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 được các doanh nghiệp xuất khẩu tại Cần Thơ mua vào (mua tại kho) với giá chỉ còn 6.000 đồng/kg (tương đương 285USD/tấn), giảm 500 - 700 đồng/kg, tức giảm khoảng 23-28USD/tấn so với mức giá cách đây nửa tháng.
Lối ra nào cho lúa gạo?
Ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNN tỉnh Hậu Giang cho biết: “Thông tin giá lúa xuống thấp là do hiện các doanh nghiệp vẫn chưa có ký hợp đồng xuất khẩu cụ thể, đầu ra không có. Còn các thương lái cũng ngưng mua vì chuẩn bị nghỉ tết. Có thể, sau tết giá lúa sẽ cao hơn”.
Ông Huỳnh Thế Năng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho hay, có một tín hiệu mới là các doanh nghiệp trong nước vừa đạt được thỏa thuận bán 240.000 tấn gạo cho Malaysia trong thời gian tới. Dù không tiết lộ cụ thể về mức giá của thương vụ này, nhưng theo ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), mức giá của hợp đồng này cao hơn hẳn so với giá của các hợp đồng thương mại hiện được các doanh nghiệp trong nước bán cho đối tác. Hợp đồng này sẽ được giao hàng cho phía đối tác Malaysia kể từ tháng 4.2015, chủng loại gạo của hợp đồng này là loại gạo trắng 5% tấm.
Mặc dầu vậy, ông Tuấn cho rằng, việc đạt được thỏa thuận bán 240.000 tấn gạo cho Malaysia rất khó có thể vực dậy được giá lúa gạo nội địa. Lý do là vụ đông xuân 2014-2015 thu hoạch rộ từ tháng 2 đến tháng 3, trong khi hợp đồng được giao từ tháng 4.
TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định, hiện các nước khác biết vùng ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa nên chưa có ý định mua sớm mà chờ chúng ta thu hoạch rộ, tồn hàng để đưa ra mức giá mua thấp, trong khi các doanh nghiệp chưa có đầu ra nên tạm thời không muốn mua nhiều. “Nhà nước ta cần phải có chính sách tạm trữ lúa lâu dài, có thể đến vài tháng liên tiếp thì mới có thể giải quyết được tình trạng giá cả bấp bênh này” – TS Bảnh kiến nghị.
Xuất khẩu gạo thấp kỷ lục
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 1, các doanh nghiệp mới thực hiện xuất khẩu đạt 169.358 tấn gạo- mức thấp kỷ lục, trị giá FOB ước chỉ đạt 77,3 triệu USD.
Related news
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tân Tiến, xã Phú Đức, huyện Tam Nông vừa tổ chức Đại hội thành viên bất thường chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và thực hiện bán cổ phần. Đây là Đại hội điểm của huyện và là HTX thứ hai của huyện Tam Nông (sau HTX Tân Cường, xã Phú Cường) tiến hành việc chuyển đổi.
Với giá bán như hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi trên-dưới 8 triệu đồng; người nuôi tôm càng xanh, lươn và cá tra cũng có lãi... Đặc biệt, trong tháng 12/2014, Công ty cổ phần Thủy sản IV đặt trạm thu mua tại xã Phú Thành B, đã thu mua được hơn 10,7 tấn tôm càng xanh các loại.
Theo thương lái, giá quýt đường tăng trở lại là do quýt đường ở các nơi như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh... hết mùa. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ quýt đường lớn nhất là TP.Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu tiêu thụ mạnh trở lại. Theo dự đoán từ đây đến Tết Nguyên đán giá quýt có thể sẽ tiếp tục tăng.
Chủ động tìm tòi, sáng tạo và chắt lọc những mô hình sản xuất mới lạ để có thể tạo ra các sản phẩm độc đáo thích ứng nhu cầu thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chính là sự năng động thường thấy đối với không ít nhà nông ở Hậu Giang ngày nay.
Vai trò không thể phủ nhận của phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và cây trồng, giảm bớt sự ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất, nguồn nước, làm cho lương thực, thực phẩm được an toàn. Những ưu điểm này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng để đem về sức sống cho đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.