Giá Heo, Bò Tăng Người Nuôi Có Lãi
Gần đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá heo tăng mạnh, người chăn nuôi Phú Yên có thu nhập khá cao. Bên cạnh đó, người nuôi bò cũng thu lãi lớn.
Giá heo tăng
Theo các hộ nuôi heo, hiện tại, giá heo hơi được các thương lái mua với giá 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi gần 1,5 triệu đồng/tạ. Với mức lãi này, người nuôi heo có thu nhập cao.
Ông Nguyễn Khơi ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa - Phú Yên) cho hay: “Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, gia đình tôi không nuôi heo tạ (heo nặng 1 tạ) mà chỉ nuôi heo cỡ 80kg là xuất chuồng. Bao cám Vina có giá 310.000 đồng (25kg/bao), trung bình 1 con heo ăn hết 5 bao cám thì đạt trọng lượng 80kg. Tiền cám trên 1,5 triệu đồng, tiền giống 1,5 triệu đồng (loại heo giống 25 kg/con), trừ chi phí lãi gần 1 triệu đồng/con. Nếu nuôi được nhiều con thì có thu nhập khá”.
Bà Lương Thị Nở ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) nuôi hơn 20 con heo, cho biết mấy ngày qua, nhiều người tìm đến nhà bà hỏi mua heo với giá 49.000 đến 50.000 đồng/kg heo hơi. So với năm ngoái thì giá heo hơi năm nay cao hơn khoảng 4.000 đồng/kg, mỗi tạ lãi cao hơn trước khoảng 400.000 đồng. Với đàn heo hiện có, bà lãi hơn 8 triệu đồng cùng thời điểm này năm ngoái.
Còn đối với những người ở miền núi nuôi heo nhỏ lẻ, trung bình mỗi lứa 3 đến 5 con, không cho ăn cám công nghiệp thường xuyên mà tận dụng rau trồng trong vườn nhà, ngoài ruộng làm thức ăn thì chi phí giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Cúc ở xã Suối Bạc (Sơn Hòa) cho hay: Tôi nuôi 3 con heo chỉ tốn 6 bao cám, hằng ngày cắt rau nấu với cám cho heo ăn. Tuy thời gian nuôi kéo dài 4 tháng mới đạt trọng lượng 80kg nhưng khi bán nhích giá hơn (lên đến 51.000 đồng/kg heo hơi), tăng 1.000 đồng/kg so với heo nuôi bằng cám công nghiệp.
Theo ông Phạm Đình Hòa, một người chuyên giết mổ heo ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), heo nuôi cho ăn rau, cám gạo thì thịt ngon hơn so với heo ăn thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, hiện ở miền núi ít có người nuôi cho ăn toàn rau, cám gạo mà xen thức ăn công nghiệp.
Nuôi bò vỗ béo lãi cao
Thời gian qua một số nông dân nhận thấy nuôi bò theo cách truyền thống mất nhiều thời gian nên đã chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Ông Trịnh Văn Đông ở thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) lùa bò về chuồng sau 1 ngày chăn thả rông, rồi cần mẫn nấu cháo… vỗ béo cho bò. Hôm thì ông cắt rau muống, hôm thì góp rau trai mọc quanh hàng rào, gò đồi, băm nhỏ trộn ít cám gạo nấu cháo cho bò ăn thêm vào ban đêm. “Nuôi bò vỗ béo thế này, mỗi năm trung bình lãi 10 triệu đồng/con”, ông Đông nói.
Cũng áp dụng phương án nấu cháo vỗ béo bò nhưng ông Nguyễn Văn Long, ở xã Sơn Định (Sơn Hòa) không chăn bò thả rông mà nuôi nhốt. Tận dụng mảnh đất nhỏ gần mương thủy lợi, gò đồi sau nhà, ông trồng cỏ voi cho bò ăn thường xuyên; còn trưa, chiều cho bò ăn cháo. Năm ngoái, ông Long mua 1 con bò đực cao 1m, gầy ốm với giá 9,5 triệu đồng, sau 1 tháng vỗ béo, con bò mướt lông “đổ thịt”. Qua 1 năm nuôi vỗ béo, ông bán 24 triệu đồng nhờ giá thịt bò dịp tết tăng.
Hiện nhiều người nuôi bò lai chọn phương pháp nuôi không tính giáp tháng, giáp năm mà đầu tư nuôi “đúng sức” để có lãi cao hơn. Ông Huỳnh Ngọc Bình ở xã Xuân Quang 3 mua cặp bò lai với giá 25 triệu đồng, sau hơn 2 năm nuôi, thương lái hỏi mua với giá 70 triệu đồng. Theo ông Bình, nếu trồng cỏ voi rồi nấu cháo vỗ béo bò thì mỗi gia đình chỉ nuôi được 2 đến 3 con, không gầy đàn được vì không đủ thức ăn.
Nuôi bò lai phải chăm sóc kỹ thì mới phát triển chiều cao, bung đùi, nhiều thịt. “Năm nay không có lũ lớn nên việc trồng cỏ nuôi bò có nhiều thuận lợi. Nhưng vì nhà đơn chiếc nên gần tết tôi quyết định bán cặp bò này, lấy tiền trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình. Số tiền còn lại, ra Giêng tôi sẽ mua bò về tiếp tục vỗ béo”. ông Bình nói.
Related news
Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất lúa đặc biệt đối với địa hình trũng, năng suất lúa thấp, thu nhập nông hộ không ổn định được khắc phục bằng cách đưa nuôi trồng thủy sản vào cơ cấu mùa vụ theo hướng luân canh hoặc xen canh lúa + cá.
Vụ lúa đông xuân (ĐX) chín sớm ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL đang bắt đầu. Lúa gạo hàng hóa xuất khẩu không còn nhiều, giá cả giao dịch ở mức khá cao. Tuy nhiên, vào lúc này đồng lúa ở bên kia biên giới Campuchia vào mùa thu hoạch, một số thương lái có thêm nguồn hàng kinh doanh.
Năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được phát động trong cả nước. Ở tỉnh Thái Nguyên, phong trào này cũng được phát triển sôi nổi trong các đơn vị nuôi cá quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp. Trại cá giống Cù Vân chính là nơi khởi đầu phong trào này của tỉnh.
Mô hình nuôi gà thả đồng “độc nhất vô nhị” này không những đã tiết kiệm cho ông rất nhiều chi phí thức ăn tiêu tốn cho đàn gà, mà còn cho thịt và trứng đạt chất lượng cao.
Xã Minh Lập (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) hiện có 31 trại nuôi gà, trung bình mỗi trại nuôi từ 3.000 - 7.000 con/lứa. khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ dân trong địa bàn xã đã áp dụng mô hình chăn nuôi gia cầm trên nền đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh, kết quả cho thấy đây là cách làm khoa học, đem lại hiệu quả tốt hơn so với kiểu nuôi gà truyền thống.