Được Mùa Rau Câu... Trên Đồng Muối
Sau Tết, hàng chục người dân ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) nhộn nhịp ra đồng muối để vớt rau câu bán cho thương lái. Nhờ nghề này, nhiều người có khoản thu nhập thêm sau Tết.
Những ngày này, người dân sống ven đồng muối Sa Huỳnh tranh thủ thời gian đi vớt rau câu trên đồng muối đem phơi khô rồi bán cho các tiểu thương. Theo nhiều người dân, năm nay rau câu xuất hiện với mật độ khá dày. Các hộ dân có thể thu hoạch hàng tấn rau câu tươi mỗi ngày.
Ngồi bên đống rau câu vừa mới vớt lên, bà Huỳnh Thị Mỹ ở thôn Long Thạnh 1 cho biết: Năm nay rau câu xuất hiện dày đặc, thấy rau câu nhiều bà con ai cũng phấn khởi, đổ xô đi vớt về phơi khô đem bán.
"Trung bình một ngày vớt và phơi nắng, mỗi người thu được 40- 50kg rau câu khô đem bán với giá 5.000 đồng/kg cũng được khoảng hơn 200 nghìn đồng, đủ để chi phí cuộc sống sau những ngày Tết" - bà Mỹ phấn khởi.
Năm nay, rau câu xuất hiện khá nhiều trên đồng muối
Nguồn rau câu dồi dào mang lại nguồn thu nhập cho người dân những ngày sau Tết khiến nhiều người rất phấn khởi. Nhiều người ví rau câu như là “lộc của biển”, bởi không mất công nuôi trồng, đến mùa chỉ việc thu hái.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, rau câu mọc tự nhiên trên đồng muối Sa Huỳnh. Vào khoảng tháng 10 âm lịch, sau khi kết thúc vụ thu hoạch muối khi thủy triều dâng cao đem theo một lượng lớn rau câu từ ngoài biển tràn vào các đầm nước mặn và ruộng muối. Nước biển rút đi để lại một lượng lớn rau câu và từ đó chúng có thể mọc tự nhiên trong các ao đầm mà không phải mất công trồng.
"Khoảng thời gian sau Tết là là thời điểm người dân đi vớt rau câu rộ nhất. Đến khi vụ muối mới bắt đầu, diêm dân cải tạo ruộng muối để chuẩn bị làm muối thì hết"- ông Nguyễn Tiến ở thôn Long Thạnh 1 cho biết.
Vớt rau câu có thu nhập cao nên không chỉ người dân sống ven đồng muối Sa Huỳnh mà nhiều người dân ở xã Tam Quan Bắc huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cũng tham gia.
Tham gia đi vớt rau câu từ hơn 10 ngày nay, ông Nguyễn Thanh Sang ở xã Tam Quan Bắc chia sẻ: Mỗi ngày hai vợ chồng tui làm tích cực cũng được chừng hơn 80kg rau câu khô. Với mức giá 5.000 đồng/kg sau gần 10 ngày vớt rau câu đem lại khoản thu nhập hơn 4 triệu đồng, thu nhập này đã làm vơi bớt khó khăn cho gia đình.
Rau câu là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như: Thạch rau câu, canh rau câu... Tại thời điểm này, rau câu trở thành mặt hàng có đầu ra. Rất nhiều thương lái vào đây để mua rau câu số lượng lớn về chế biến.
Theo chị Nguyễn Thị Liên- một thương lái thu mua rau câu cho biết, từ đầu tháng Giêng chị đã bắt đầu thu mua rau câu để bán cho các cơ sở sản xuất chế biến rau câu. So với mọi năm, năm nay lượng rau câu khá dồi dào. Chỉ tính riêng điểm thu mua của chị Liên, từ đầu tháng Giêng đến nay đã thu mua và vận chuyển hơn 10 tấn rau câu khô đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, có một thực tế, rau câu xuất hiện nhiều có thể mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân, song khi rau câu xuất hiện thì rong tảo, rong giẻ cũng bám theo từng mảng lớn trên các ruộng muối. Đối với người làm muối đây là một trở ngại vì tốn nhiều công dọn các ruộng muối khi đang sắp chuẩn bị bước vào vụ sản xuất muối mới.
Related news
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nhiều năm nay, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch và đưa nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện xã có 412 ha đạt giá trị 120 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 260 ha cánh đồng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, 30 ha dưa chuột, hơn 10 ha ớt xuất khẩu...
Ông Đào Anh Thư, 58 tuổi, một người dân đã có nhiều năm trồng cà phê ở huyện Đác Hà cho biết, đây là những cơn mưa trái mùa, thường niên khi bước vào tháng 12 ở Tây Nguyên rất hiếm khi xảy ra mưa vì thời tiết đã chuyển hẵn sang mùa khô. Mưa trái mùa làm cho không khí dịu xuống, thời tiết mát mẻ. Nhưng đối với những người dân trồng cà phê thì đây là những trận mưa không như mong muốn.
Dù ủng hộ chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển dần sang đóng tàu vỏ sắt, nhưng nhiều ngư dân và chuyên gia cho rằng cần tránh chạy theo phong trào đóng tàu vỏ sắt, bởi tàu gỗ công suất lớn vẫn mang lại hiệu quả cao tùy theo mô hình, phương thức đánh bắt...
Ngoài 2 vụ lúa chính trong năm, 5 năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm sạch.
Sử dụng phương pháp sạ hàng có nhiều ưu điểm như: giảm được lượng giống so với sạ lan khoảng 5 - 10 kg/công, sạ hàng dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí giảm, nhưng năng suất từ bằng đến cao hơn sạ lan. Ngoài ra, sạ hàng khi bị mưa dập thì tỷ lệ chết giống cũng ít hơn sạ lan.