DT 2008 - Giống đậu tương đột biến chịu hạn
Một tin vui bất ngờ đến với bà con nông dân các tỉnh vùng cao đồng thời gây sự chú ý của các nhà chọn tạo giống đậu đỗ nước ta trong tháng 5 này: Viện Di truyền Nông nghiệp vừa trồng thử nghiệm thành công giống đậu tương đột biến chịu hạn DT 2008 của tác giả, chuyên gia đầu ngành chọn tạo giống đậu tương Việt Nam PGS. TS. Mai Quang Vinh.
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS. Mai Quang Vinh cho biết: Đây là kết quả chọn tạo bằng phương pháp lai + đột biến phóng xạ từ năm 2002 của đề tài “Chọn tạo giống đậu tương đột biến chịu hạn” mà Viện Di truyền Nông nghiệp là cơ quan đại diện cho Việt Nam tham gia phối hợp trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Hạt nhân châu Á (FMCA) về Chương trình Chọn giống đột biến phóng xạ.
Tuy mới được đưa vào khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (DUS) và khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng (VCU) đồng thời triển khai khảo nghiệm sản xuất tại Hà Nội và một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Qui Nhơn trên diện tích khoảng 50 ha nhưng ngay vụ đầu tiên giống đậu tương DT 2008 đã tỏ ra có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống khác: năng suất cao (18-35 tạ/ha, trong điều kiện khó khăn có thể cho năng suất cao gấp 1,5 - 2 lần các giống thông thường); có khả năng chống chịu tổng hợp trên đồng ruộng ở mức cao nhất với các điều kiện khó khăn như hạn, úng, nóng, lạnh, đất nghèo dinh dưỡng và một số bệnh hại do nấm và vi khuẩn gây ra (gỉ sắt, sương mai, phấn trắng, đốm nâu vi khuẩn, lở cổ rễ), chịu sâu hại khá.
Đặc điểm nổi trội của giống đậu tương đột biến chịu hạn DT 2008 là: cây sinh trưởng khỏe, phân nhiều nhánh nên số quả trên cây cao (trung bình 40 quả/cây); hệ rễ khỏe, có nhiều nốt sần nên vừa có khả năng chịu hạn cao, khả năng cải tạo đất tốt hơn các giống khác; chất lượng khá: protein đạt 40,3%, lipit 13,4%, hạt to màu vàng, khối lượng 1.000 hạt đạt 230-250 g, dễ để giống.
Thời gian sinh trưởng tại các tỉnh phía Bắc từ 95-110 ngày, các tỉnh phía Nam có thể ngắn hơn từ 7-10 ngày tùy thời vụ. Giống phản ứng yếu với ánh sáng, có thể trồng được 3 vụ/năm vẫn cho năng suất và hiệu quả cao. Đây là giống đặc biệt thích hợp với các vùng trung du, bán sơn địa và các tỉnh miền núi trong vụ đông xuân luôn thiếu nước tưới.
Báo cáo kết quả trồng thử nghiệm vụ xuân 2009 của Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho thấy trên đất cao hạn, cây sinh trưởng khỏe, phát triển tốt, chịu hạn khá hơn so với giống đối chứng là đậu tương DT 84 và các cây trồng khác như ngô, lạc, đậu xanh. DT 2008 có mức đầu tư phân bón thấp, dễ trồng, cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện thâm canh của nhiều hộ; đặc biệt với các hộ nông dân nghèo cũng có thể làm được. Năng suất ước đạt 110 kg/sào Bắc bộ trong khi giống đối chứng là DT 84 chỉ thu được 60 kg/sào. Mức đầu tư tương tự như nhau (DT 84 chi phí hết 552.950 đồng/sào, DT 2008 là 570.950 đồng/sào) nhưng do năng suất cao nên mức lợi nhuận của giống DT 2008 là 749.050 đồng/sào trong khi giống DT 84 chỉ có 167.050 đồng/sào.
Đa số các hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm ở xã Bình Long, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đều rất lạc quan về những ưu điểm vượt trội của giống: năng suất đạt mức kỷ lục từ 34,8 đến 43,2 tạ/ha, gấp 3 - 4 lần so với đối chứng là giống đậu cúc Nhật; khả năng chịu hạn, chịu úng ngập (thời gian ngắn) và chịu rét tốt hơn nhiều so với các giống đậu tương khác. Cùng mức đầu tư như nhau nhưng DT 2008 cho lãi thuần 29 triệu đồng/ha so với 2,6 triệu đồng/ha của giống địa phương. Từ thực tế này UBND tỉnh Thái Nguyên đang có chủ trương hỗ trợ các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích các giống đậu tương, đặc biệt là giống đột biến chịu hạn DT 2008 trong cơ cấu sản xuất sắp tới.
Chúng tôi về thăm mô hình trồng xen đậu tương giống mới trong vườn cam Canh, bưởi Diễn rộng gần 20 ha của xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội mới thấy hết tính ưu việt và hiệu quả kinh tế của giống đậu tương DT 2008. KS. Nguyễn Thị Liên, Trưởng trạm Khuyến nông huyện đánh giá: trong nhiều loại cây trồng xen như lạc, đậu tương, vừng, khoai lang… trong 3 năm đầu khi vườn cây chưa khép tán thì giống đậu tương DT 2008 tỏ rõ tính ưu việt hơn cả: thời gian phủ đất dài (có thể trồng liên tục 3 vụ/năm, chịu hạn, chịu úng tốt hơn các giống đậu tương và cây trồng khác), cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần cây lạc và khoai lang, gấp 3 cây vừng và cây ngô, khả năng bảo vệ và cải tạo đất tốt hơn do lượng chất xanh nhiều, bộ rễ tạo được nhiều nốt sần có khả năng tổng hợp được đạm từ không khí nhiều hơn các giống đậu, lạc khác.
Trạm khuyến nông sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn huyện để nông dân học tập, làm theo. Hiện nay Viện DTNN và các tác giả đang hoàn thiện qui trình và nhân giống để chuyển giao cho các địa phương mở rộng SX.
Related news
Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua), một trong những dịch hại chính trên đậu phộng (lạc), thuộc họ Ngài đêm (Noctuidae), bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Đây là loại sâu đa thực, cắn phá trên nhiều loại cây trồng như đậu, hành, đậu nành, cà chua, bông vải…
Đậu tương đông trên đất sau lúa mùa là cơ cấu cây trồng quan trọng có tác dụng cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, tăng công ăn việc làm cho bà con nông dân...
Cây đậu tương ưa ấm nhiệt độ thích hợp từ 20 - 30 độ C đặc biệt thời kỳ ra hoa, đậu quả, nhiệt độ từ 24 - 32oC.