Đồng Tháp Chuyển Biến Tích Cực Trong Việc Ứng Dụng Bao Xoài Bằng Túi Xốp
Bao trái xoài bằng túi xốp hiện không còn là kỹ thuật xa lạ đối với nhà vườn. Nếu như trước đây, bao trái bằng túi xốp chỉ được ứng dụng ở các mô hình trình diễn thì giờ đây kỹ thuật này trở thành phổ biến.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, kỹ thuật bao trái được thực hiện lần đầu tiên ở huyện Cao Lãnh vào khoảng năm 1997. Tuy nhiên, phải đến năm 2000, sau nhiều chương trình khuyến nông của địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam) thì kỹ thuật bao trái xoài bằng nguyên liệu túi xốp mới thật sự được ứng dụng rộng rãi.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nhiều nhà vườn có những cách nhìn mới đối với việc ứng dụng bao trái trên xoài. Từ nghi ngờ, e dè của buổi đầu, dần dần nhà vườn tin tưởng tuyệt đối về tính hiệu quả của túi xốp.
Cụ thể là số lượng bao trái được sử dụng tăng dần qua từng năm, năm 2000 số lượng bao trái tiêu thụ rất khiêm tốn, chỉ khoảng từ 5 - 10 nghìn bao/năm, đến năm 2006 bao trái tăng lên 50 nghìn bao/năm.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ của Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, số lượng bao trái tiêu thụ trên địa bàn huyện Cao Lãnh khoảng 3 - 4 triệu bao/năm. Hiện tại diện tích trồng xoài của huyện Cao Lãnh là 3.700ha, trong đó diện tích đã áp dụng kỹ thuật bao trái chiếm khoảng 70%. Xoài Cao Lãnh và xoài Cát chu Cao Lãnh là hai giống xoài chủ lực được nhà vườn ưu tiên áp dụng.
Sử dụng bao trái bằng túi xốp tránh được sự va chạm cơ học do gió gây ra trên trái xoài, do đó giảm sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương. Với kỹ thuật bao trái, nhà vườn hạn chế tối đa bệnh thán thư và xì mủ trên trái gây ra, làm tăng năng suất từ 20 - 30% và tăng chất lượng trái xoài sau thu hoạch. Từ đó, màu sắc trái đẹp, bệnh trái sau thu hoạch giảm, giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 3-5 ngày so với bình thường.
Kỹ thuật bao trái với chất liệu đặc biệt nhập nội từ nước ngoài với nhiều ưu điểm như: không thấm nước, có khả năng cho ánh sáng xuyên qua và duy trì màu sắc trái như trong điều kiện sản xuất bình thường. Đặc biệt túi xốp có thể sử dụng qua 2 mùa và dễ phân hủy trong môi trường bình thường nên hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nhờ sử dụng bao trái nên nhà vườn giảm được lượng đáng kể thuốc hóa học phun trừ sâu bệnh trên xoài. Nếu so sánh với sản xuất truyền thống thì kỹ thuật bao trái bằng túi xốp tăng lợi nhuận cho nhà vườn trung bình 50 triệu đồng/ha/năm. Nhà vườn có điều kiện đảm bảo sức khỏe hơn vì hạn chế tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, do nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nên xoài bao bằng túi xốp được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Trung bình, xoài được bao trái có giá cao hơn sản xuất thông thường từ 2 - 3 nghìn đồng/kg đối với xoài Cát chu Cao Lãnh và 5 - 10 nghìn đồng/kg đối với xoài Cao Lãnh, góp phần tăng lợi nhuận cho nhà vườn từ 30 - 50 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh cho biết: “Mặc dù qui trình sản xuất xoài áp dụng bao trái thể hiện nhiều tính ưu việt và được nhà vườn nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả qui trình này đòi hỏi phải tốn nhiều lao động trong khâu bao trái, trong khi vấn đề thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp là khó khăn nhiều nhất của địa phương.
Song song đó, một số diện tích vườn xoài trên địa bàn được trồng từ hột nên tán cây cao lớn gây khó khăn trong quá trình bao trái. Hiện tại, giá thành của túi xốp vẫn còn khá cao, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bao trái chưa đạt hiệu quả như mong đợi trên địa bàn huyện”.
Related news
Chồng mất cách đây 10 năm, một mình bươn chải nuôi con, chị Hương đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, với thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Nhiều năm qua, cây măng cụt được xem là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho trên 400 hộ nông dân ở cù lao Tân Qui, trong đó có gần 100 hộ có thu nhập từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm.
Từ những mô hình của Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, những diêm dân ở huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn chỉ quen với việc làm muối nay đã bắt đầu biết nuôi tôm và họ tự tin về những kế hoạch của mình.
Điểm lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhiều người không khỏi giật mình khi các cơ sở tư nhân đang chiếm lĩnh thị trường.
Song công nghiệp hóa sản xuất, chế biến trứng ở châu Á lại chưa phát triển và châu Á lại cũng là nơi bùng phát nhiều nhất trên thế giới về dịch cúm gia cầm, ảnh hưởng đến độ an toàn của sản phẩm trứng.