Đòi Quyền Lợi Cho Con Cá Tra
Mức thuế đối với các DN XK cá tra của Việt Nam sang Mỹ nói chung vẫn thiếu hợp lý khi DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá.
Mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với cá tra Việt Nam do Bộ Thương mại Mỹ mới công bố mặc dù đã giảm so với đợt rà soát trước nhưng theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đang vẫn là mức thuế chưa hợp lý. Vậy nên, các DN cá tra sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng để có kết quả hợp lý hơn.
Thuế giảm nhưng chưa hợp lý
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố quyết định sơ bộ cuộc rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ 1-8-2012 đến 31-7-2013, đối với sản phẩm philê cá tra đông lạnh NK từ Việt Nam.
Theo quyết định do DOC công bố, ngoài Công ty CP Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách điều tra lần này và tiếp tục hưởng mức thuế 0%, thuế suất áp dụng cho sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Công ty CP Hùng Vương và 23 công ty bị đơn tự nguyện khác giảm từ 1,2 USD/kg (kết quả cuối cùng POR9) xuống còn 0,58 USD/kg (kết quả sơ bộ POR10). Anvi Fish là công ty bị đơn tự nguyện duy nhất bị áp mức thuế rất cao là 2,39 USD/kg do cung cấp thông tin cho DOC không đúng thời hạn và thiếu cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, mức thuế trên mới là mức thuế sơ bộ được đưa ra dựa trên số liệu các DN, luật sư cung cấp mà chưa có sự tranh luận giữa các bên. “Thậm chí, có những tài liệu còn thời gian sẽ được nộp bổ sung, nếu tốt hơn tài liệu cũ thì các bên sẽ tranh luận trong tài liệu được cung cấp sau đó”, ông Hòe cho hay.
Cũng theo vị đại diện của VASEP, từ POR9 đến POR10, xét về mặt sơ bộ, mức thuế đã có bước cải thiện đáng kể cho công ty bị đơn bắt buộc là Công ty CP Hùng Vương từ 1,2% xuống 0,58%. Vì thế, nếu đợt rà soát lần này, chúng ta đưa ra được những bằng chứng, lập luận tốt thì kết quả đạt được sẽ còn tốt hơn đợt rà soát POR9.
Theo thủ tục, giả sử mức thuế của Công ty CP Hùng Vương bằng 0% thì các DN còn lại cũng sẽ về 0% hoặc DN sẽ chịu mức thuế đang được hưởng trong kỳ POR trước đó. “Kết quả cuối cùng của đợt rà soát lần này sẽ được công bố vào tháng 1-2015”, ông Hòe cho biết.
Tuy nhiên, theo nhận định VASEP, mức thuế đối với các DN XK cá tra của Việt Nam sang Mỹ nói chung vẫn thiếu hợp lý khi DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá vì nước này không nằm trong danh sách các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam khi chọn làm quốc gia thay thế tính biên độ phá giá.
Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng
Ở đợt rà soát POR 9, mức thuế DOC đưa ra đối với cá tra Việt Nam tăng cao hơn so với đợt rà soát trước khiến cho XK cá tra vào thị trường Mỹ trong 3 tháng gần đây giảm nghiêm trọng. Cụ thể, XK cá tra sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 126,6 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 5, XK cá tra sang Mỹ giảm đến 59,2% so với cùng kỳ.
EU với tỷ trọng 20,7% tổng giá trị XK cá tra Việt Nam đã vượt qua Mỹ (18,6%) để trở thành thị trường NK cá tra lớn nhất từ Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc áp thuế chống bán phá giá đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc XK cá tra sang Mỹ. Thế nhưng xét trong cả quá trình, theo ông Hòe, sau nhiều đợt rà soát, XK cá tra sang thị trường này vẫn gia tăng đáng kể. Ví dụ như năm 2013, XK cá tra sang Mỹ vẫn đạt trên 385 triệu USD.
Hiện nhiều DN vẫn nhận định, đây là thị trường tiềm năng cho con cá tra khi Việt Nam cung cấp tới 90% cá tra tại Mỹ, các nước khác có tham gia cung cấp nhưng với số lượng rất ít.
Hiện tại, quyết định sơ bộ về đợt rà soát hành chính lần thứ 10 chưa có hiệu lực thi hành cho tới khi quyết định cuối cùng được ban hành. Như vậy, các bên sẽ có 120 ngày để xem xét quyết định sơ bộ và đây sẽ là thời điểm quan trọng để Việt Nam tập trung vận động, đưa ra những số liệu và lập luận thuyết phục nhằm yêu cầu DOC đưa ra mức thuế công bằng và hợp lý đối với sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Việt Nam.
“Xác định đây là thị trường NK chủ lực, DN cần kiên trì theo đuổi, tham gia tốt các đợt xem xét hành chính để có thể tạo điều kiện XK thuận lợi hơn cho các DN. Theo nguyên tắc, mức thuế năm nay là 1,2% nhưng năm tới có thể 0%. Năm nào thuế chống bán phá giá thấp thì XK cá tra vào Mỹ càng có lợi thế hơn”, ông Hòe nói.
Ngày 31-3-2014, DOC đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1-8-2011 đến 31-7-2012 (POR 9) đối với philê cá tra đông lạnh NK từ Việt Nam. Theo đó, DOC vẫn giữ quan điểm chọn Indonesia để tính giá trị thay thế dù kinh tế quốc gia này không tương đồng với Việt Nam do giá con giống, thức ăn, giá cá sống, phụ phẩm… đều cao hơn so với Việt Nam.
Ngày 9-5-2014, DOC công bố lại kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá lần thứ 9 do DOC đã sai sót trong quá trình tính toán.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá riêng rẽ của công ty bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn đã giảm từ 0,03% xuống còn 0%, trong khi các công ty bị đơn tự nguyện đều tăng so với mức thuế cuối cùng đã công bố hồi cuối tháng 3 (31-3-2014), từ 0,42% lên mức 1,2%.
Mức thuế suất đối với sản phẩm cá tra của DN bị đơn bắt buộc là Công ty CP Hùng Vương vẫn giữ nguyên 1,2%. Mức thuế suất chung toàn quốc là 2,11%.
Related news
Anh Võ Văn Nhân (36 tuổi) ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) là người đầu tiên trong xã thực hiện thành công mô hình nuôi ếch công nghiệp, với doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Trại lợn Minh Châu (thuộc Công ty TNHH Minh Châu), đơn vị hợp tác với Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam (100% vốn của Thái Lan) là nơi sản xuất lợn giống duy nhất miền Bắc được công nhận “âm tính” với dịch bệnh.
Thời gian qua, sức tiêu thụ gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh do dịch cúm đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ, trại chăn nuôi gia cầm. Ông Nguyễn Hữu Liên, một hộ chăn nuôi gà ta tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hơn 1.000 con gà của nhà ông quá lứa đã gần 2 tháng nay nhưng không bán được, mỗi ngày ông còn tốn 1 triệu đồng tiền thức ăn cho gà.
Tin từ Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cây bắp đông - xuân 2013-2014 tại huyện phát triển tốt, năng suất ổn định, năng suất bình quân ước đạt từ 9-10 tấn/hécta (tương đương năng suất với niên vụ đông - xuân 2012-2013).
Hơn 1 năm qua, vùng trồng khóm Đồng Dinh (Phú Hòa - Phú Yên) rộng 500ha xuất hiện bệnh héo đỏ lá. Hiện loại bệnh này không có thuốc trị khiến khóm “xuống sức” kéo theo giảm năng suất, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng.