Ngư Dân Trúng Vụ Cá Giò
Toàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu - Đà Nẵng) có 22 tàu cá công suất nhỏ (20-30CV), khai thác ở vùng biển ven bờ. Năm nay, bà con ngư dân rất phấn khởi vì được mùa cá giò.
Một đêm lãi hơn 3 triệu đồng
Khoảng 3 giờ chiều, vợ chồng anh Đặng Văn Thông và chị Lê Thị Vân cùng một người đi bạn trên chiếc tàu cá nhỏ rời bến Hóa Sơn (sông Cẩm Lệ) hướng ra cửa sông Hàn. Cùng lúc, tàu cá của ông Huỳnh Văn Định cùng phường cũng nhổ neo, xuất bến. Hai tàu bám nhau tiến ra biển. Chạng vạng tối, hai tàu tới vùng biển vịnh Đà Nẵng và bắt đầu thả lưới… Vừa lái tàu, anh Thông vừa cho biết: Mình giữ nguyên ga, cho tàu chạy tốc độ 20km/giờ, hễ cá vào càng nhiều thì lực cản càng nặng và sẽ càng làm giảm tốc độ của tàu. Căn cứ đồng hồ tốc độ, mình sẽ biết được lượng cá đã vào trong đuột.
Quả nhiên, chừng một giờ sau, kim đồng hồ tốc độ chỉ 16km/giờ. Cả 6 ngư dân trên hai tàu hồ hởi kéo lưới và xúc cá chuyển lên khoang tàu. Cá to, cá nhỏ lung linh ánh bạc, nhiều nhất là cá giò cỡ bằng ngón tay, cứ nhảy tanh tách. Loại cá này là nguyên liệu để chế biến nước mắm và nhu cầu tiêu thụ rất lớn.
Thuyền viên làm việc khẩn trương, hai tay xúc cá nhanh thoăn thoắt và hơn 2 giờ sau thì hoàn tất mẻ cá đầu tiên. Các ngư dân hối hả lo bữa tối. Cơm đã được nấu trong khi tàu bủa lưới…
Đêm hôm ấy, các ngư dân đánh tiếp 3 mẻ nữa, thu được tổng cộng hơn 3 tấn cá. Trong niềm vui “thắng đậm”, hai chiếc tàu kéo hết ga chạy vào bờ. 8 giờ 30 hôm sau, tàu đến bến cá Thọ Quang. Một thương lái quen khẩn trương cân cá với giá 4.000 đồng/kg. Sau khi chia tiền, chị Vân cho biết, trừ hết chi phí và công lao động, còn lãi hơn 3 triệu đồng. “Cá giò có từ tháng 3 đến tháng 6, rộ nhất là tháng 5, đây là thời điểm ngày làm tháng ăn của chúng tôi”, anh Thông hào hứng.
Kiên trì bám biển
Mỗi tàu cá ở phường Hòa Cường Nam thường có từ 3-4 lao động, một đêm đi biển, người lao động được chia từ 400.000 - 700.000 đồng. Trên biển, các tàu cá luôn có tinh thần hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt, khi phát hiện luồng cá nhiều, các tàu dùng bộ đàm gọi nhau đến cùng khai thác. “Tìm chọn luồng cá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thường lúc đầu con nước, hoặc cuối con nước, tức là lúc thủy triều bắt đầu lên hoặc bắt đầu xuống là có luồng cá chạy, hoặc khi thấy một đồ vật trôi trên mặt biển là biết dưới bóng vật nổi ấy thường có luồng cá bám theo”, anh Thông chia sẻ.
Ông Ngô Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, cho biết để giúp bà con vươn khơi, Hội đã quán triệt kỹ những quy định hành nghề trên biển và đã vận động được một hộ đầu tư đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ…
Related news
Đó là phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường khi lên thăm làng nghề làm giấy bản truyền thống tại thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang, chiều 14.4. Đây là làng nghề mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội) cho vay vốn đầu tư.
Trong bối cảnh "thắt tải trọng”, không chỉ có nông dân long đong mà các nhà máy đường cũng đang khốn khó vì ách tắc hoạt động.
Chi cục Thú y Kiên Giang đã kiểm tra, phúc kiểm được gần 1,5 tỷ con tôm giống nhập tỉnh, sau đó cho tiêu hủy 90.000 con tôm giống kém chất lượng.
Anh Phạm Hoàng Lộc trồng 1 ha cam sành cho biết, vườn cam mới thu hoạch được 10 tấn, giá bán 29.000 đồng/kg, thu 290 triệu đồng.
Do thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua, người dân 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn (Bình Định) đổ xô đi khai thác 2 loại cây này theo kiểu tận diệt