Doanh nghiệp ngành nông nghiệp ĐBSCL củng cố nội lực để vững vàng hội nhập đổi mới sáng tạo
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan.
Và con đường duy nhất của ĐBSCL hiện tại và tương lai vẫn là nông nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL sẽ khó cầm cự trong hội nhập nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp của người trẻ.
Những cơ hội
Dây chuyền chế biến sữa sen của Công ty cổ phần Ramsa tỉnh Đồng Tháp.
Đầu tháng 9-2015, tại TP Cần Thơ, Diễn đàn kết nối doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL- Mekong connect CEO Forum lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 DN, doanh nhân của 4 địa phương ABCD (An Giang- Bến Tre- Cần Thơ- Đồng Tháp) đã gợi mở rất nhiều vấn đề liên kết, tiêu thụ nông sản, khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Cùng đó, 4 địa phương đã ra mắt Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) như một sự khởi đầu mới để liên kết phát triển.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói:
"Chúng tôi, các địa phương ABCD Mekong cùng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ LBC cùng nhau hành động để xác định liên kết mới cùng hành động vì DN, vì sự phát triển chung.
Chúng tôi tin rằng, thành công luôn bắt đầu từ sự nỗ lực, quyết tâm và sự hợp tác kiên trì của tất cả mọi người"…
Sự kết nối DN các địa phương ABCD dù mới là khởi đầu, nhưng DN đón nhận và kỳ vọng sẽ tạo nên bản sắc mới cho DN vùng ĐBSCL.
Gợi mở về khởi nghiệp cho người trẻ vùng ĐBSCL, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), chia sẻ:
"Cần chuyển đổi lối tư duy mới, đó là "làm nông nghiệp là phải có ăn, làm nông nghiệp là có thể làm giàu". Câu chuyện về nông nghiệp hiện tồn tại vô số vấn đề, đó là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp".
Ông Vinh dẫn chứng công ty của ông khi thu mua xoài của nông dân đều phải trả lại một số xoài bị dập, không đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Đây chính là cơ hội khởi nghiệp, nếu đầu tư công nghệ bảo quản và dụng cụ đựng thích hợp. Bà Meiraw Eilon Shahar- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Israel tại Việt Nam- một đất nước nổi tiếng với tinh thần khởi nghiệp, cho rằng:
"Ở một đất nước mà 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, các bạn không thể cầm cự nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp. Có thể "làm mới" (re- brand) chính mình để thu hút giới trẻ.
Nông nghiệp chính là tương lai. Đây không chỉ là nhu cầu của Việt Nam, mà là của toàn thế giới". Rõ ràng, có rất nhiều cơ hội cho các ngành cùng tham gia đầu tư phục vụ cho nông nghiệp: từ đào tạo nhân lực, huấn luyện kỹ năng, vận tải, vật liệu mới…
Còn đối với những DN năng động, có bề dày hoạt động đã mạnh dạn đưa công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị cho nông sản, giảm chi phí và giảm rủi ro về vụ mùa, giải phóng sức lao động. Bà Trần Thị Vân Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, tỉnh An Giang cho rằng:
"DN muốn hội nhập phải hoàn thiện chuỗi cung ứng; khâu nào DN tự làm được thì đầu tư, còn không thì phải liên kết với DN, nông dân để làm.
Hiện công ty tự hoàn thiện, tự khép kín chuỗi của mình: sản xuất thức ăn, nuôi cá và chế biến, xuất khẩu".
Ông Phạm Minh Thiện, Phó Giám đốc DNTN Cỏ May (tỉnh Đồng Tháp), cho biết Cỏ May hiện có 5 đơn vị trực thuộc ở Đồng Tháp, với 700 nhân viên làm gạo, bao bì, thức ăn chăn nuôi và mới thành lập Cỏ May Essential.
Cỏ May Essential đang làm nấm rơm để xuất khẩu và nghiên cứu chiết xuất từ cám, trấu để làm ra sản phẩm giá trị gia tăng. "Hy vọng một ngày không xa, cám, trấu sẽ trở thành chính phẩm chứ không phải là phụ phẩm của lúa gạo như hiện nay"- ông Thiện nói.
Sáng tạo để thoát cái cũ
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, một khảo sát của VCCI Cần Thơ về một chuỗi ngành hàng trong khu vực ĐBSCL cho thấy, xu hướng hội nhập ngược về phía thượng lưu nhiều hơn là mở rộng ra thị trường xuất khẩu nước ngoài.
Điều này lý giải về sự hụt hẫng nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp trung và cấp cao của vùng có xu hướng dịch chuyển về các đô thị lớn.
Vì vậy, một số chuỗi ngành hàng có thời gian phát triển rất mạnh như: gạo, thủy sản thì hiện đã chững lại.
Các nhà lãnh đạo DN của ĐBSCL so với các CEO của những DN lớn ở TPHCM còn nhiều hạn chế về năng lực quản trị, chưa bắt kịp thông tin hội nhập.
Do đó, cần đổi mới thể chế để hỗ trợ DN, tăng đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng.
Những đầu tư vào vùng ĐBSCL nếu tốt hơn sẽ là cơ hội tốt cho vùng phát triển và thu hút nguồn lực trẻ trở về vùng.
Đoàn DN Nhật Bản đến tham quan nhà máy sản xuất gạo của DNTN Cỏ May.
Nhiều ý kiến của các DN dẫn đầu Việt Nam cho rằng, DN vùng ĐBSCL cần phải làm mới và bắt đầu từ DN nông thôn.
DN liên kết với nông dân, DN liên kết với DN (sản xuất, phân phối) có như vậy mới chủ động hội nhập. Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), khẳng định:
"Khởi nghiệp, hãy học cách tồn tại trước và cần có tư duy sáng tạo.
Ngay cả khi bắt chước, cũng phải có sự sáng tạo.
Đội ngũ quan trọng hơn ý tưởng kinh doanh, phải tìm co-founder (nhà đồng sáng lập), bởi khác biệt trong tư duy và văn hóa sẽ dẫn đến thất bại về mặt con người. Nhất là trong nông nghiệp, ngành ít được coi trọng hiện nay. Quyết liệt đeo đuổi ý tưởng của mình, hãy hiểu biết và sẵn sàng đối đầu với khó khăn.
Đây là yếu tố tiên quyết để thuyết phục nhà đầu tư". Nhân viên là người tạo ra giá trị cho DN, không chỉ là tiền, tài sản mà còn là bản sắc của DN.
Theo ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (chuyên chế biến sản phẩm từ dừa), ổn định nhân sự là quan trọng, nếu thay đổi bất ngờ hệ thống sẽ hỏng. DN tuyển chọn lực lượng trẻ, tiềm năng, nhưng phải có người lớn dìu dắt để dung hòa giữa hai thế hệ.
Betrimex hơn 70% lực lượng nhân sự là trẻ, người trẻ ở nhà máy mới, người cũ ở nhà máy cũ.
Bên cạnh sự sáng tạo, đổi mới của bản thân DN thì DN rất cần sự đồng hành của chính quyền địa phương.
"Chúng tôi đến Nhật Bản, tham quan DN, họ có triết lý kinh doanh rất hay là: Doanh nhân không chỉ đóng góp cho xã hội mà còn truyền lửa cho thế hệ sau, dẫn dắt thế hệ sau khởi nghiệp, cùng xây dựng cộng đồng DN hùng mạnh.
Tỉnh rất sẵn lòng đồng hành cùng DN và hy vọng các DN đi trước truyền lửa cho thế hệ đi sau, ươm mầm cho DN mới để hình thành cộng đồng DN ĐBSCL đủ bản lĩnh, tự tin trong hội nhập"- ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Chủ nhiệm ABCD Mekong chia sẻ.
Giải bài toán công nghệ
Trên thực tế, rất nhiều DN vùng ĐBSCL luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo và đi tìm cái "chất" riêng của DN nhưng thiếu công nghệ, trong khi năng lực của DN không đủ đầu tư nghiên cứu. Ông Hà Xuân Long, Giám đốc Công ty cổ phần Ramsa, tỉnh Đồng Tháp (chuyên về chế biến sữa sen), cho biết: "Đồng Tháp có vùng nguyên liệu sen lớn và có quanh năm.
Công ty muốn sản xuất và bán rộng rãi sữa sen cho người dùng. Song, năng lực tài chính hạn chế dẫn đến nhiều hệ quả hạn chế khác của DN như: quy mô, công nghệ mới và hoạch định chiến lược dài hạn.
Dù vậy, Ramsa vẫn theo đuổi 2 sự khác biệt là: chất lượng phục vụ và sản phẩm độc đáo hoặc chưa có trên thị trường". Theo ông Hà Xuân Long, Ramsa đang cần công nghệ bảo quản sữa sen để bảo quản được lâu hơn.
Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, liên kết là yếu tố sống còn để tạo ra sức mạnh, nhưng thực hiện được rất khó và cần những đại sứ có tầm ảnh hưởng lớn đóng vai trò kết nối. Ramsa rất cần và luôn có thiện chí liên kết với DN, các nhà khoa học, với mong muốn nhận chuyển giao để sản xuất công nghiệp và thương mại hóa các thức uống dân gian, truyền thống.
Với vấn đề của Ramsa, các nhà nghiên cứu thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cho biết rất sẵn lòng đón DN đến để cùng nghiên cứu ra công nghệ bảo quản sữa sen.
Còn với hạt gạo, GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: "ĐBSCL hiện có một số giống chống chịu tốt với sâu bệnh, mặn, phèn, ngập…
Nhưng nguồn gen lúa không đa dạng, chủ yếu có nguồn gen thuần nên cần phải du nhập nhiều dòng gen mới từ các nước.
Đặc biệt giống lúa mùa bị thoái hóa rất nhiều, kết quả khảo nghiệm 800 giống lúa mùa vừa qua cho thấy đa số đều bị vàng lùn, chỉ còn khoảng 20 giống chống chịu tốt với ngập, sâu bệnh. Hiện không có gen nào chống chịu được với đạo ôn, bạc lá (trước đây có Tẻ tép chịu được).
Do đó, phải du nhập nguồn gen vào, không chỉ giống hạt dài mà còn phải hạt tròn nữa để đa dạng nguồn gen"…
Hiện một số DN ngành gạo đã chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng cao để đi vào phân khúc cấp cao.
Đổi mới công nghệ cho DN vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân cho biết: "Một lao động trong nông nghiệp chỉ tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa không quá 1.000USD/năm.
Trong khi một lao động DN trong lĩnh vực công nghệ cao có thể tạo ra giá trị hàng hóa cao gấp hàng trăm lần.
Tuy nhiên, nguồn lực cho phát triển KHCN còn rất hạn chế, Quốc hội giao chỉ có 2% trong tổng chi ngân sách.
Trong đó, gần 90% dành cho chi thường xuyên; còn lại 10% cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng cũng khó tạo ra sự phát triển mới trong KHCN cho DN".
Tuy vậy, ông Nguyễn Quân khẳng định Bộ KHCN rất sẵn sàng để cùng DN đổi mới sáng tạo.
Thời gian để thực hiện các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) còn rất ngắn, DN còn khoảng 2,5m - 3 năm để đổi mới công nghệ.
Do đó, phải tập trung nguồn lực đầu tư công nghệ để cạnh tranh với các quốc gia khu vực và trên thế giới.
Một yếu tố quan trọng cho hội nhập buộc DN phải đi theo con đường này là nghiên cứu và phát triển (R&D) để hình thành chuỗi sản xuất, tạo ra bản sắc "khác biệt", thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều ý kiến của chuyên gia nhận định, dù quy mô DN vùng ĐBCSL đa số nhỏ và vừa, nhưng không thiếu những DN năng động đổi mới và sáng tạo.
Nhiều DN sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm quản trị để cùng phát triển. Đây là nội lực mới cho ĐBSCL thoát khỏi tư duy nông nghiệp kiểu cũ.
Theo thống kê của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, vùng ĐBSCL hiện có:
- Hệ thống kho chứa lúa gạo khoảng 7 triệu tấn nhưng đa số dùng để trữ gạo, kho chứa lúa chỉ chiếm khoảng 20%.
Tổn thất sau thu hoạch lúa từ 11 - 13%; tỷ lệ thu hồi gạo trắng qua xay xát, gạo xuất khẩu loại 5 - 10% tấm chiếm dưới 50%, so với tỷ lệ 70% của Thái Lan.
- Vùng có 21 nhà máy chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế gần 100.000 sản phẩm/năm, sản lượng sản xuất thực tế đạt khoảng 52.000 tấn sản phẩm.
Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch mặt hàng rau quả lên tới 20 - 25%.
- Có 278 cơ sở chế biến thủy hải sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU.
Related news
Không có nước tưới, 17ha mía xứ đồng Bờ An Cây Dừng, thôn Phước Đức, xã Đức Phú (Mộ Đức) năng suất chỉ đạt 2 tấn/sào. Với giá mía hiện nay, người trồng mía nơi đây không tránh khỏi thua lỗ. Chuyển đổi giống cây trồng là phương án đã được tính đến, nhưng trồng cây gì khi nơi đây chỉ có thể trông chờ vào nước trời. Đó là bài toán khó đối với 110 hộ dân chỉ biết sống nhờ vào đồng ruộng.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/HU ngày 17/7/2008 của Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) về đẩy mạnh phát triển cây cao su giai đoạn 2008 - 2010; Kết luận số 28 - KL/HU ngày 25/11/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây cao su giai đoạn 2011 - 2015, diện tích cây cao su của địa phương đã phát triển mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến cơ bản về cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai hợp lý và giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích đất có khả năng trồng lạc lớn và quy mô tập trung, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất luân canh, xen canh, thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Với quy mô sản xuất ổn định hơn 700 ha, đứng thứ hai sau cây lúa, hiện lạc là cây trồng có tính hàng hóa cao, mang lại nguồn thu nhập chính góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện.
Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Vùng đất đỏ ba zan huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích hơn 3.000 ha, trải dài trên địa bàn 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành, thuân lợi để phát triển các cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu. Thời kỳ Nông trường Tân Lâm những năm 1980-1995, cây hồ tiêu ở Cam Lộ phát triển cực thịnh với quy mô tập trung hơn 1.500 ha, được đầu tư hạ tầng đồng bộ, quy trình thâm canh áp dụng thống nhất, là đặc sản “vàng đen” làm giàu cho cả vùng.