Doanh Nghiệp Của Người Trồng Lúa
Tuy là chủ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại nhưng công việc thường xuyên của ông Mai Thăng Long là gặp gỡ nông dân, làm việc ngay tại các ruộng lúa. Hiện Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (TP.Biên Hòa) của ông Long đang đầu tư cho nông dân xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho bà con với giá cao hơn thị trường.
* Đầu tư sản xuất sạch
Ông Mai Thăng Long vốn là kỹ sư xây dựng với hơn 30 năm làm việc trong các công ty nhà nước. Năm 2008, ông thành lập Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật tư xây dựng. Dần dần, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp, chuyên mua nông sản và là đại lý phân phối ở khu vực miền Nam của một công ty sản xuất phân bón.
Ông Long kể: “Thời gian đầu, tôi tìm mua gạo sạch cho gia đình mình sử dụng. Tôi đặt hàng gạo sạch Tân Bình Lục (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) nhưng cung không đủ cầu. Quê tôi lại là đất lúa Thái Bình nên tôi quyết định liên kết với nông dân sản xuất gạo an toàn”.
Năm 2013, ông đầu tư cho nông dân thí điểm mô hình “cánh đồng chất lượng cao” tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu. Với mô hình này, nông dân được DN đầu tư không tính lãi toàn bộ giống, vật tư, phân bón, tư vấn kỹ thuật và đảm bảo năng suất... Nông dân phải tuân thủ triệt để quy trình canh tác theo chuẩn của DN và sẽ được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 10-15% so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch.
Ông Long chia sẻ: “Làm việc với nông dân rất dễ nhưng để gắn bó lâu dài và xây dựng lòng tin bền vững lại không hề đơn giản. Chúng tôi ký kết hợp đồng với bà con với những điều khoản rõ ràng, chặt chẽ. Nhưng quan trọng nhất không phải là làm việc trên giấy tờ mà phải gắn bó, theo sát nông dân trên đồng lúa, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn từ khâu đất, giống đến thu hoạch”.
* Tìm đầu ra cho cây lúa
Từ vụ đầu tiên, DN chỉ thí điểm được vài hécta lúa sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn. Sau gần 2 năm triển khai, vụ hè - thu năm 2014 DN đã liên kết với nông dân mở rộng lên gần 100 hécta.
Ông đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh, dự kiến mở rộng thêm cả 100 hécta lúa sạch trong vụ mùa tới. Theo ông Long, quy mô sản xuất này chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về gạo an toàn của thị trường. Sản phẩm của DN chủ yếu được tiêu thụ rộng tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk.
Nói về bài toán hiệu quả kinh tế của mô hình liên kết này, ông Long, nhận xét: “Nhờ lợi thế là đại lý thu mua, kinh doanh nông sản nên tôi có sẵn mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành. Tôi cũng nắm được loại gạo nào thị trường tiêu thụ tốt để đặt hàng với nông dân”.
DN có lợi thế cạnh tranh về giá nhờ đầu tư cho nông dân theo quy trình khép kín, sản phẩm không qua các thương lái trung gian mà được ông cung cấp trực tiếp đến đại lý bán lẻ. Hiện sản phẩm của DN đang được chào hàng và bán thử tại một số hệ thống siêu thị. Ông Long cũng đã đăng ký nhãn hiệu gạo Thái Ninh Địa Long nhằm xây dựng thương hiệu về gạo sạch trên thị trường.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201412/doanh-nghiep-cua-nguoi-trong-lua-2355209/
Related news
Không phụ thuộc vào con tôm, nhiều năm qua, hội viên Cựu chiến binh (CCB) ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn (Cà Mau) áp dụng thành công mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm.
Là mặt hàng thành công nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản năm 2013, nhưng những tháng đầu năm 2014, tôm Việt Nam liên tiếp bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và bị bơm Agar, gây ảnh hưởng không tốt trên thị trường.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra sang Mỹ từ 1/1/2014 đến 15/3/2014 đạt giá trị 73,1 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ hiện vẫn dẫn đầu về NK cá tra Việt Nam chiếm 21,4% tổng kim ngạch XK mặt hàng này.
Sáng 25/4, Trung tâm phát triển chăn nuôi, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã ra mắt chuỗi liên kết chăn nuôi TP Hà Nội và khai trương hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm của Công ty CP Cộng Đồng Green Food Hà Nội.
Trại nuôi chim bồ câu, chim cút của anh Trần Thanh Phương ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành, Bình Phước) hiện là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của đông đảo thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh.