Dỡ Bỏ Bẫy Bắt Tôm Hùm Con

Vài năm gần đây, để tạo nguồn thu nhập trong những mùa biển vụ bấc, bà con ngư dân Phan Thiết đã đưa nghề bẫy bắt tôm hùm con vào hoạt động. Từ đây, nhiều tuyến biển gần bờ phục vụ giao thông, du lịch bị phủ đầy phao nổi của lưới bẫy bắt tôm hùm. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, vừa qua, TP. Phan Thiết đã ra quân kiểm tra, xử lý khu vực “nóng” thường xuyên xảy ra tình trạng đặt bẫy tôm hùm con trái phép.
Bãi biển Đồi Dương - một trong những bãi tắm thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch của Phan Thiết ngày càng sạch đẹp nhờ được chính quyền thành phố đầu tư chỉnh trang. Tuy nhiên, chỉ cách bờ biển khoảng hơn 20m là sự xuất hiện của hàng chục đường dây mắc lưới bẫy tôm hùm con. Các đường dây này được đặt san sát nhau khiến cho các tàu thuyền khi ra vào bờ rất dễ mắc lưới. Riêng đối với những vùng biển phục vụ trọng điểm du lịch của Phan Thiết như Hàm Tiến - Mũi Né, Tiến Thành, hoạt động đánh bắt tôm hùm con của bà con ngư dân ảnh hưởng lớn đến các môn thể thao biển.
Ông Nguyễn Bá Tuận - Đội trưởng Đội Thanh tra thủy sản số 2 (Thanh tra thủy sản Bình Thuận) cho biết: Vài năm trở lại đây, nghề bẫy bắt tôm hùm con xuất hiện dày đặc dọc vùng biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, nhất là vào mỗi vụ bấc. Tôm hùm con sau khi đánh bắt, thường được bán ra các tỉnh miền Trung với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/con. Mặc dù nghề bẫy bắt tôm hùm con giúp bà con có thêm nguồn thu, nhưng về lâu dài hoạt động này ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản của vùng biển Bình Thuận. Con tôm hùm nếu được để trong môi trường tự nhiên đến tuổi khai thác có giá trị gấp nhiều lần tôm hùm con. Vì vậy vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc quản lý bẫy bắt tôm hùm con trên vùng biển Bình Thuận. Theo đó từ tháng 3 đến tháng 9, cấm hoàn toàn việc đặt bẫy tôm hùm trên tất cả vùng biển.
Tuy nhiên, dù đã được thông báo nhiều lần nhưng khi tổ kiểm tra liên ngành của TP Phan Thiết ra quân kiểm tra, xử lý, vẫn còn rất nhiều bẫy lưới của ngư dân chưa được tháo dỡ. Trong buổi sáng ngày 12/3, tổ kiểm tra đã thu giữ nhiều đường dây lưới được mắc gần bờ biển Đồi Dương. Khi tổ kiểm tra kéo lưới, một số ngư dân có đặt lưới bẫy bắt mới bắt đầu ùa ra gỡ đường dây lưới. Cá biệt có trường hợp còn gây khó dễ cho tổ kiểm tra.
“Từ nay cho đến hết tháng 9/2013, Tổ kiểm tra liên ngành của TP Phan Thiết sẽ luân phiên ra quân kiểm tra hoạt động bẫy bắt tôm hùm con tại các vùng biển từ Mũi Né đến Tiến Thành. Trong thời gian này, nếu ngư dân vẫn còn đặt bẫy thì sẽ bị tịch thu ngư lưới cụ theo quy định” - ông Đặng Thanh Tiến - Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết cho biết.
Nghề bẫy bắt tôm hùm con thường chỉ hoạt động trong thời điểm vụ bấc của năm. Đây là dịp để bà con ngư dân có thêm nguồn thu trước mùa biển êm. Nhưng hoạt động bẫy bắt tôm hùm con về lâu dài lẫn trước mắt đều gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản của địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến lưu thông trên biển và các hoạt động du lịch. Và trong quy định, bà con ngư dân cũng được phép đánh bắt loại hải sản này trong thời gian và vùng biển cho phép.
Related news

Sáng 14-6, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Long An đã tổ chức Hội thảo phát triển bền vững vùng cây thanh long trên địa bàn tỉnh. Ngoài các đại biểu là lãnh đạo tỉnh, ban ngành, hội thảo còn thu hút hơn 150 nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành đến dự.

Nhiều năm qua, để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty TNHH Nam Dược (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) đã tổ chức triển khai mở rộng các vùng trồng cây nguyên liệu ở nhiều địa phương như trồng cây dây thìa canh tại xã Hải Lộc (Hải Hậu), Diệp hạ châu đắng tại Phú Yên, cây Kinh giới tại Hưng Yên…

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu 2013. Do lượng lúa nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều lò sấy lúa.

Năng động và nhạy bén, bước đầu họ đã thu được những thành công trên con đường làm giàu chính đáng. Thành công của họ không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn mở ra các hướng làm ăn, tạo việc làm cho thanh niên ở khu vực nông thôn Kiên Giang.

Chỉ với diện tích 1 sào mặt nước, anh Lê Thanh Tịnh ở thôn Hoà Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh đã đầu tư sản xuất mang lại thu nhập trên 230 triệu đồng/vụ. Cách làm của anh mới, dễ áp dụng và gần gũi với bà con ngư dân, đó là nuôi ốc hương thương phẩm trong ao đất.