Lúa giống cho vụ đông xuân 2015-2016 nguồn cung dồi dào, giá bình ổn
Năm nay, nước lũ về thấp khiến chi phí diệt cỏ, dọn dẹp rơm rạ, làm đất vào đầu vụ tăng.
Nhưng tín hiệu đáng mừng là giá nhiều loại lúa giống bình ổn, tạo thuận lợi cho nông dân có thể tiếp cận các nguồn giống chất lượng.
* Giá nhiều loại lúa giống bình ổn
Thời điểm này, nhiều nông dân tại TP Cần Thơ chủ động chuẩn bị nguồn lúa giống để sản xuất vụ lúa đông xuân 2015 - 2016.
Năm nay, nước lũ về thấp, nông dân ở TP Cần Thơ dự kiến tập trung xuống giống vào con nước mùng 10 tháng 10 m lịch.
Do vậy, thị trường lúa giống trở nên khá sôi động trong những tuần gần đây.
Dù sức mua lúa giống đang tăng mạnh nhưng giá bán phần lớn các loại lúa giống vẫn bình ổn so với cách nay một vài tuần.
Đặc biệt, nhiều loại lúa giống có giá bán thấp so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, nguồn cung lúa giống Jasmine 85 dồi dào, không xảy ra thiếu hàng, sốt giá cục bộ tại một số địa phương như cùng kỳ năm trước.
Nhiều trại giống và cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống ở TP Cần Thơ năm trước bán lúa giống Jasmine 85 cấp xác nhận từ 12.500 - 14.000 đồng/kg và cấp nguyên chủng từ 14.700 - 15.000 đồng/kg.
Nay, giá lúa giống Jasmine 85 cấp xác nhận chỉ từ 12.500 - 13.000 đồng/kg, còn cấp nguyên chủng từ 14.000 - 14.500 đồng/kg.
Giá bán nhiều loại lúa giống khác trên thị trường cũng đang thấp hơn từ 500 - 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và được nhiều điểm kinh doanh giữ giá bán bình ổn so với cách nay một vài tuần.
Cụ thể: các giống lúa thông dụng như IR 50404, OM 2517, OM 5451… phổ biến ở mức 10.000 - 11.500 đồng/kg đối với cấp xác nhận và khoảng 13.000 - 13.500 đồng/kg cấp nguyên chủng.
Lúa giống OM 7347 và OM 6976 khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg đối với cấp xác nhận và 13.500 - 14.000 đồng/kg đối với cấp nguyên chủng…
Theo nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống tại TP Cần Thơ, giá nhiều loại lúa giống ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
Hơn nữa, nguồn cung các loại lúa giống trên thị trường khá dồi dào và giá cả cạnh tranh nên giá lúa giống khó tăng.
Bà Nguyễn Thị Bích Phương, Chủ Cơ sở sản xuất lúa giống Phụng Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: " Một số giống lúa như: OM 5451 hút hàng nhưng nhìn chung giá các loại lúa giống đều có xu hướng bình ổn và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, giống lúa thơm được nhiều nông dân chọn gieo sạ trong các vụ đông xuân hàng năm là Jasmine 85 và nhiều loại lúa hạt dài chất lượng cao vẫn đang có nguồn hàng rất dồi dào, với giá bán "khá mềm" so với cùng kỳ năm trước".
* Nông dân gặp nhiều thuận lợi
Khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất lúa, nông dân ngày càng quan tâm nhiều đến việc lựa chọn, sử dụng các loại giống lúa tốt để có vụ mùa bội thu.
Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên nông dân càng quan tâm tìm mua các loại giống chất lượng để cây lúa có khả năng kháng sâu bệnh tốt và đảm bảo chất lượng lúa gạo hàng hóa cũng như để nhân giống cho các vụ lúa sau.
Anh Trương Minh Lương, ngụ phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "Gia đình tôi có 9 công ruộng.
Vụ đông xuân này, tôi chọn lúa giống Jasmine 85 cấp xác nhận để sản xuất 8 công lúa thịt (lúa hàng hóa).
1 công còn lại, tôi sử dụng cấp giống nguyên chủng để sản xuất lúa giống.
Nhìn chung, năm nay nguồn lúa giống trên thị trường dồi dào, giá cả phải chăng.
Tại quận Thốt Nốt và các quận, huyện khác ở thành phố có nhiều viện, trường và điểm sản xuất kinh doanh lúa giống có uy tín, nên nông dân khá an tâm về chất lượng".
Theo anh Lương, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tích cực khuyến cáo nông dân phải sử dụng giống lúa từ cấp xác nhận trở lên để gieo sạ.
Tham gia thực tế quá trình sản xuất lúa, nhiều nông dân cũng nhận biết khâu chọn giống rất quan trọng.
Bởi nó không chỉ có tính quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm mà giúp nhà nông đỡ tốn chi phí phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Bà Đoàn Thị Bé Hai, ngụ ấp Lân Quới, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vụ đông xuân này, nông dân không phải lo thiếu lúa giống, sốt giá bởi nguồn cung lúa giống trên thị trường rất dồi dào.
Đặc biệt, năm nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn đem lúa giống đến tận nhà nông dân để chào hàng, với giá bán rất cạnh tranh.
Tôi dự kiến sử dụng giống OM 42189 để gieo sạ ở 15 công đất cho vụ đông xuân 2015 - 2016".
Theo nhiều nông dân tại TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, ngoài việc giá lúa giống không tăng, nông dân cũng được tiếp cận mua lúa giống với mức giá hỗ trợ từ nguồn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi của thành phố và các địa phương.
Nhiều nông dân tự sản xuất giống và tiếp cận được các nguồn lúa giống chất lượng, với giá rẻ hơn thị trường nhờ đặt mua trực tiếp từ các nông hộ, hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất giống tại địa phương.
Ngoài ra, hiện ngày càng có nhiều nông dân sản xuất lúa tham gia mô hình "cánh đồng lớn", có ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, được doanh nghiệp chủ động chuẩn bị và cung ứng lúa giống ngay từ đầu vụ nên không còn "bị động" trong việc tìm mua lúa giống.
Điều này góp phần đảm bảo cân đối cung cầu các loại lúa giống trên thị trường trong vụ lúa sản xuất chính vụ - đông xuân 2015 - 2016.
Related news
Hiện nay, xã viên Hợp tác xã (HTX) Phước Tiến, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp tham gia cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Công ty TNHH MTV và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên đang thu hoạch lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 rất phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá.
Đây là một những những quy định được Bộ Công Thương đưa ra trong Quyết định mới ban hành về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020.
Thế nhưng hiện nay, có thể nói, ngành giống Việt Nam không đủ năng lực đáp ứng, đa số các loại giống phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hụt này, tung ra thị trường những loại giống kém chất lượng, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Trong những năm qua, cây hành, tỏi là một trong những cây vụ đông mang lại thu nhập cao cho nhân dân nhiều địa phương ở Thái Thụy (Thái Bình). Tuy nhiên, tại thời điểm này, nông dân trồng hành tại Thái Thụy đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Ở những vùng ngọt ổn định, cây lúa được chuyên canh 3 vụ/năm, là nơi nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV nhất. Trung bình, cứ 10 ngày là bà con phải phun xịt thuốc một lần. Vì thế, chuyện nông dân ngộ độc thuốc BVTV là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào nông dân cũng phát hiện mình bị ngộ độc.