Điêu đứng vì giá vịt thịt giảm sâu

Anh Nguyễn Thanh Tú đang giữ đàn vịt chạy đồng của mình.
Giá giảm sâu
Ông Nguyễn Văn Chiến, ngụ ấp Bình Nhựt, xã Thành Công, huyện Gò Công Tây có 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi vịt chạy đồng cho biết:
“Hơn 1 tuần nay, giá vịt thịt liên tục giảm xuống mức thấp.
Ở thời điểm này của những năm trước, giá vịt thịt cũng khá thấp nhưng cũng không đến cảnh phải thua lỗ”.
Cũng theo ông Chiến, năm nay giá vịt thịt thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Hiện tại, giá vịt thịt được các thương lái thu mua từ 25.000 - 28.000 đồng/kg (tùy theo loại vịt và chất lượng vịt).
Trong khi ở thời điểm này của năm trước, vịt thịt có giá từ 33.000 - 36.000 đồng/kg.
Giá vịt thịt liên tục giảm khiến cho người chăn nuôi lâm vào cảnh khốn đốn, nhiều người phải bấm bụng bán đàn vịt của mình với giá rẻ.
Vụ vịt này ông Chiến đầu tư nuôi 3.000 con vịt thịt chạy đồng, số tiền vốn bỏ ra hơn 100 triệu đồng. Hiện đàn vịt của ông đã hơn 2 tháng tuổi và có thể xuất chuồng.
“Với giá cả như hiện nay thì người chăn nuôi chắc chắn sẽ lỗ. Giá xuống thấp đến mức không thể ngờ, làm người chăn nuôi vịt đứng ngồi không yên” - ông Chiến than.
Ông Nguyễn Văn Đực, 45 tuổi, ngụ ấp Thành Nhứt, xã Bình Xuân, TX. Gò Công nói trong ngao ngán:
“Giá vịt thịt thì liên tục giảm, trong khi đó giá thức ăn tuy có giảm nhưng vẫn nằm ở mức cao. Tình trạng giá vịt thịt giảm sâu như thế này, người chăn nuôi càng cầm cự càng lỗ, nhưng kêu bán rất khó khăn, thương lái cứ dùng dằng, hẹn lần hẹn lựa mãi mà không bắt”.
Một thực tế khác là ngoài việc giá vịt thịt giảm sâu, thì trong quá trình chăn nuôi những rủi ro cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của người chăn nuôi.
“Đàn vịt của tôi hiện tại đã tốn khoảng 20 triệu đồng tiền thuốc. Do là vịt chạy đồng, nay ăn ở đồng này, mai ở đồng khác nên tỷ lệ hao hụt cũng khá cao. Ban đầu số vịt là 3.000 con, hiện tại chỉ còn gần 2.800 con. Trước tình hình giá cả biến động như thế này, thua lỗ là điều khó tránh khỏi” - anh Nguyễn Thanh Tú, ngụ ấp Bình Nhựt, xã Thành Công, huyện Gò Công Tây cho biết.
Đầu ra khó khăn
Giá vịt thịt giảm sâu, thêm vào đó là tình trạng vịt bán không được diễn ra trong những ngày qua khiến các hộ chăn nuôi đứng ngồi không yên.
Ông Đực chia sẻ: “Cả tuần nay, tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm thương lái mua vịt nhưng kết quả chỉ là những lời hẹn. Có thương lái đến mua thì cũng gửi đàn vịt lại cả tuần rồi mới đến bắt. Thời gian gửi này chi phí cho vịt ăn mình phải chịu”.
Thời điểm này trên những cánh đồng, người dân đã bắt đầu gieo sạ lại cho vụ mùa mới, do vậy vịt không còn đồng để ăn.
Thế nên việc thương lái cứ hẹn lần hẹn lượt khiến cho người nuôi vịt thịt chạy đồng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
“Bây giờ thương lái mua với giá rẻ cũng phải chấp nhận bán, thu hồi vốn được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhưng ngặt nỗi tìm không ra thương lái mua” - ông Đực thở dài.
Lý giải nguyên nhân năm nay vịt thịt khó bán, ông Chiến cho biết: Mọi năm thương lái từ miền Trung vào vùng Gò Công thu mua vịt khá nhiều, năm nay thì không thấy nữa.
Theo những thương lái thu mua vịt cho biết, năm nay thị trường tiêu thụ vịt thịt rất chậm, vịt mua về bán ra rất khó khăn.
Theo ông Đực, có một nghịch lý đó là mọi năm vịt thịt được nuôi với số lượng nhiều, vì vậy thị trường tiêu thụ chậm là điều tất nhiên; còn năm nay số lượng vịt nuôi lấy thịt giảm, nhưng tiêu thụ vẫn chậm.
Với gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng, theo ước tính của ông Đực, hiện tại số lượng vịt nuôi lấy thịt trong xã chỉ khoảng 15.000 con, trong khi đó mọi năm số lượng lên đến hơn 30.000 con.
Với tình thế như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi vịt thịt đã lựa chọn cách mua thức ăn về vỗ béo đàn vịt của mình để thương lái có thể đến mua một cách nhanh chóng.
Lựa chọn này khiến cho người chăn nuôi phải lỗ thêm một khoản nữa, nhưng đành phải chấp nhận để mong sớm thu hồi vốn.
Trong khi đó, một số hộ chăn nuôi vịt khác thì quyết định tiếp tục di chuyển đàn vịt sang những cánh đồng khác ở các tỉnh lân cận để kéo dài thời gian chờ giá.
Anh Tú cho biết: Đem vịt về vỗ béo rất tốn kém, chi phí thức ăn mỗi ngày cho 2.800 con vịt cũng tốn bạc triệu.
Chính vì vậy, anh Tú chọn giải pháp thuê xe chở vịt sang các cánh đồng chưa gieo sạ bên tỉnh Long An cho vịt ăn tạm để chờ thương lái tới mua.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng phải tốn thêm một khoản chi phí cho việc vận chuyển và mua đồng cho vịt ăn, chưa tính những rủi ro có thể xảy đến.
Related news

Áo thôi ướt đẫm mồ hôi, chân tay cũng không còn bị xi măng bám chặt, ông Bùi Văn Hoàng, ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) hiện nay chỉ cần bỏ ra khoảng 1 giờ mỗi ngày để thu hoạch nấm bào ngư. Cười tươi rói bên trại nấm bào ngư và nấm linh chi đang đến kỳ thu hoạch, ông Hoàng bộc bạch: “Trước làm phụ hồ, cả ngày vất vả mà thu nhập chỉ khoảng 200 nghìn. Còn giờ, mới nửa tháng thu nấm sò, tôi đã bỏ túi 6 triệu đồng”.

Cà phê là loại cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng những năm qua, nhiều hộ đã thay trồng loại cây khác cho kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vẫn không ít hộ thành công nhờ thực hiện mô hình cà phê ghép, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Bù Gia Mập - Bình Phước).

Mưa lớn liên tục trong khi mương thoát nước bị thu hẹp khiến hàng trăm công lúa thu đông trong tiểu vùng ấp Ninh Thạnh (xã An Tức, Tri Tôn, An Giang) đổ ngã, một phần bị hư hỏng do chìm trong nước. Bên cạnh khẩn trương rút nước để nông dân thu hoạch lúa, việc đầu tư thêm trạm bơm và nạo vét mương nội đồng mới là giải pháp lâu dài.

Dự án Di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất núi, xã Văn Lăng là dự án xây dựng công trình công cộng, có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, kinh phí trồng rừng thay thế được lấy từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Sở Nông nghiệp và PTNT đã được tỉnh giao xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế thuộc dự án theo kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2015 của tỉnh.

Tại mỗi vùng, Liên Thảo đều cử kỹ sư “nằm đồng” giám sát và trực tiếp chỉ đạo người dân SX. Trước khi thu hoạch 1-2 ngày, rau sẽ được test lưu động hoặc tại phòng thí nghiệm, đảm bảo kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, vi sinh vật gây hại... Mỗi sản phẩm của Liên Thảo trước khi đưa ra thị trường đều được dán tem chứng nhận xuất xứ (C/O) và chứng nhận chất lượng (C/Q) theo tiêu chuẩn của Liên Thảo.