Cà Phê Ghép Cho Năng Suất Cao

Cà phê là loại cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng những năm qua, nhiều hộ đã thay trồng loại cây khác cho kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vẫn không ít hộ thành công nhờ thực hiện mô hình cà phê ghép, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Bù Gia Mập - Bình Phước).
Từ vườn cà phê già cỗi
Nhiều năm gắn bó với cây cà phê nhưng năng suất thấp, sức kháng bệnh kém nên nhiều lần ông Nguyễn Văn Tằm có ý định chuyển sang trồng cây khác. Năm 2012, ông trồng thí điểm cà phê ghép do Trạm khuyến nông huyện Bù Gia Mập triển khai trên 2 sào cà phê già.
Theo đó, vườn cà phê của ông được ghép bằng giống TR4 của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đồng thời trạm hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công ghép và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
Ông Tằm cho biết: Đối với cây cà phê ghép, sau khi cưa, gốc cà phê già phải được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm chất dinh dưỡng, thúc cây nảy chồi.
Chồi ghép cũng chỉ chọn 2 nhánh khỏe, thân mập, không bị nấm bệnh. 2 chồi ghép không non quá hay già quá và tương đồng về kích cỡ để chồi phát triển nhanh. Nếu để nhiều chồi sẽ làm cây còi cọc, chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Người trồng còn phải thường xuyên theo dõi quá trình chồi liền mắt ghép để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cà phê ghép có ưu điểm sức kháng bệnh tốt, trái to, đều, tỷ lệ nhân loại 1 cao hơn...Do vậy, ông Tằm đã tự chọn những cây khỏe, cho năng suất cao, trái mọng để ghép thay thế số cây già. Hiện có nhiều hộ trên địa bàn đang học hỏi kỹ thuật, tự ghép trong vườn nhà và bước đầu cho hiệu quả.
Đến đạt năng suất cao
Hiện 2 sào cà phê ghép của gia đình ông Tằm đã cho thu hoạch, thể hiện rõ sự khác biệt. Cà phê thuần chủng chỉ đạt năng suất từ 2,5 - 3 tạ nhân/sào, còn cà phê ghép cho năng suất cao hơn từ 30 - 50% (khoảng 5 tạ nhân/sào).
Thấy rõ hiệu quả của cà phê ghép, mùa mưa năm 2013 ông Tằm tiếp tục ghép thêm 3 sào. Đến nay, vườn cây mới hơn 1 năm tuổi đang phát triển tốt, đồng đều, thân cây chắc. Nhiều cây đã cho trái bói và đến năm thứ 3 sẽ cho thu hoạch chính.
Ông Lê Danh Biên, Phó chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết: Ghép cây cà phê là biện pháp kỹ thuật đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và đang được nông dân trong xã học tập, làm theo. Đây còn là giải pháp giúp nông dân gắn bó lâu dài với loại cây trồng này, tránh làm theo phong trào như thời gian qua.
Related news

Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là một trong những chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước.

Ngày 2/7, Tổng cục Thủy sản cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, trong tháng 4/2013, Nhật Bản đã phát hiện và trả về 5 lô hàng tôm đông lạnh của Indonesia vì có dư lượng Benzalkonium Chloride (BKC) vượt quá giới hạn 0,01 ppm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các dự án nâng cao chất lượng giống bò, tầm vóc đàn bò được cải thiện; các mô hình chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn, chăn nuôi gà an toàn sinh học được tỉnh khuyến khích đầu tư, đã phát triển ở nhiều địa phương.

Năng suất bình quân của các mô hình đạt trên 1.500 kg kén/ha dâu, tăng 15% so với đại trà; thu nhập từ kén đạt trên 150 triệu đồng/ha dâu; tập huấn cho hàng trăm hộ nông dân kỹ thuật nuôi tằm… là những kết quả nổi bật của dự án "Trồng dâu và nuôi tằm giống mới" do bà Nguyễn Thị Min - Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương - Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm. Dự án được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013.

Diện tích trồng cây ăn quả ở xã Hoàng Hoa Thám (TX Chí Linh, Hải Dương) có xu hướng giảm do nông dân phá bỏ một phần diện tích vải thiều. Từ năm 2010 - 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở KH-CN Hải Dương) đã xây dựng mô hình SX thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha với 6.000 hom.